Máy ATM phân phối... nước sạch

Thứ Sáu, 29/05/2015, 19:25
Tỉnh Punjab miền Đông Pakistan là nơi thử nghiệm sáng chế mới giải quyết tình trạng thiếu nước sạch tại Pakistan – đó là máy ATM vận hành bằng năng lượng mặt trời sẽ phân phối tự động nước sạch khi có người đưa thẻ vào quét! Thiết bị nguyên mẫu có bề ngoài và các chức năng tương tự như ATM thông thường, nhưng thay vì nhả tiền mặt, nó có nhiệm vụ cung cấp nước sạch. Người dùng được phát tấm thẻ chứa thông tin lượng nước đủ dùng trong ngày.

Dự án – thành quả hợp tác giữa Công ty Nước sạch Punjab Saaf Pani (PSPC) và Trung tâm Nghiên cứu IPAL (Viện Thí nghiệm những sáng kiến có lợi cho người nghèo) ở Lahore, tỉnh Punjab – sẽ triển khai lắp đặt một máy nước ATM tại các khu vực nông thôn, ngoại ô thành phố trên khắp tỉnh Punjab. Máy ATM được thiết kế độc đáo giúp mọi người dân có lượng nước sạch để dùng hằng ngày.

Jawad Abbasi, Giám đốc của PAL, cho biết: “Các máy ATM giúp chính quyền theo dõi được lượng nước uống sạch được phân phối trong ngày đến khu vực đặc biệt, cũng như bảo đảm chất lượng nước”. Chất lượng và số lượng nước được theo dõi trực tuyến trong thời gian thực thông qua một máy chủ. Máy ATM sẽ phát đi thông điệp âm thanh xác nhận thẻ được quét và sau đó người dùng được nhận lượng nước sạch theo lập trình. Người dùng sẽ ấn các nút xanh và đỏ để ra lệnh bắt đầu hay ngưng luồng nước chảy ra từ máy. Một đồng hồ đo lượng nước cho biết bao nhiêu nước được phân phối và thiết bị cảm biến thông báo lượng nước còn lại trong máy.

Máy ATM trong tương lai ở Pakistan thay vì nhả tiền mặt sẽ tuôn ra nước sạch.

Trong giai đoạn đầu, dự án được triển khai tại 3 thành phố của Punjab bao gồm: Bahawalpur, Rajanpur và Faisalabad – có nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo quy định, mỗi gia đình được hưởng 30 lít nước uống sạch mỗi ngày từ máy ATM lắp đặt tại các nhà máy lọc nước địa phương, với mỗi thẻ mang tên duy nhất một người.

Ông awad Abbasi cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch lắp đặt máy ATM tại 20 nhà máy lọc nước trong giai đoạn đầu phục vụ cho khoảng 17.500 hộ gia đình”.

Abbasi nói rằng tổ chức của ông đang tìm kiếm nguồn tài trợ 23.500USD từ Vụ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) để bắt đầu sản xuất máy ATM. Cách phân phối nước sạch bằng phương pháp quét thẻ tương tự được triển khai tại nước Ấn Độ láng giềng của Pakistan.

Theo PSPC, chỉ có 13% dân số trong các khu vực nông thôn nghèo được hưởng nguồn nước máy, so với 43% người dân sống tại các khu vực thành thị của tỉnh Punjab – nơi có 98 triệu dân và được coi là địa phương đông dân nhất Pakistan.

Giới chức chính quyền Pakistan đang đề ra mục tiêu cung cấp nước sạch cho hơn 35 triệu người dân vào giữa năm 2017 với kinh phí khoảng 20 tỉ ruppe (khoảng 200 triệu USD) – theo báo cáo của Giám đốc Điều hành PSPC Muhammad Farasat Iqbal.

Nguồn nước uống sạch khan hiếm ở Pakistan.

“Đó là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền tỉnh nhằm bảo đảm nước uống sạch đến được mỗi địa phương bởi vì hưởng thụ nước sạch là quyền cơ bản của con người” - ông Iqbal cho biết.

Theo ông thì, nước sạch sẽ được cung cấp miễn phí nhưng các cộng đồng thụ hưởng có thể lập quỹ tiền quyên góp để giúp bảo dưỡng máy ATM và nhà máy lọc nước.

Theo chính sách nước sạch quốc gia Pakistan, 35% dân số nước này không có điều kiện hưởng thụ nước uống an toàn. Chính sách đánh giá những bệnh tật liên quan đến nước và các vấn đề về vệ sinh tiêu tốn khoảng 112 tỉ ruppe (1,1 tỉ USD) mỗi năm cho nền kinh tế Pakistan.

Theo Nazir Ahmed Wattoo, chuyên gia môi trường thuộc tổ chức phúc lợi xã hội Punjab Anjuman Samaji Behbood, chỉ có vài hệ thống bảo quản nước hoạt động ở Pakistan dẫn đến việc nước ô nhiễm được sử dụng hằng ngày và trong nông nghiệp. Bằng cách điều tiết và đánh giá lượng nước được sử dụng hằng ngày tại một khu vực đặc biệt, chính quyền có thể quản lý tốt hơn nguồn khan hiếm. Ngoài ra, chính quyền cũng cần kiểm tra xem các trung tâm phân phối nước có được bảo dưỡng và giám sát một cách hiệu quả hay không. Các trung tâm này cũng cần nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ để xây dựng các bể chứa nước mới.

An An (tổng hợp)
.
.