Mỹ: Cảnh khuyển phải hầu toà

Thứ Năm, 14/03/2013, 18:10

Vụ việc chú chó nghiệp vụ Aldo thực thi nhiệm vụ và phát hiện thấy ma túy trên chiếc xe tải vào năm 2006 tưởng chừng dễ giải quyết nhưng lại gây căng thẳng kéo dài cho cả ngành tòa án Mỹ và phải đến ngày 19/2 vừa qua mới có phán quyết cuối cùng. Từ đó cho đến nay, viên cảnh sát Wheetley và chú chó Aldo đã không ít lần phải ra hầu tòa.

Trở lại vụ việc vào ngày 24/6/2006 ở Florida Panhandle, Mỹ. William Wheetley là nhân viên cảnh sát hạt Liberty thuộc Văn phòng Cảnh sát Florida, ra hiệu cho chiếc xe tải đang chạy trên đường dừng lại để kiểm tra và phát hiện thấy giấy phép lái xe của chủ xe đã hết hạn.

Wheetley nhận thấy chủ xe Clayton Harris tỏ ra mất bình tĩnh khi một mực từ chối việc kiểm tra chiếc xe tải của anh ta. Wheetley liền ra hiệu cho chú chó đánh hơi ma túy thuộc giống chó chăn cừu giống Đức có tên Aldo làm nhiệm vụ của mình. Aldo phát hiện trên tay nắm cửa phía người lái có mùi ma túy và báo động cho Wheetley.

Lập tức chiếc xe được khám xét và một số thành phần để chế tạo methamphetamine (chất gây nghiện tổng hợp) đã được tìm thấy. Diễn biến vụ việc sau đó không hề diễn ra xuôi chiều khi Tòa án tối cao Florida đã hủy bỏ kết quả kiểm tra chiếc xe tải và kết tội Wheetley đã tiến hành kiểm tra vô cớ chiếc xe.

Khi được yêu cầu phải xuất trình chứng chỉ nghiệp vụ cũng như hồ sơ đánh giá khả năng làm việc của Aldo thì viên cảnh sát này đã không có giấy tờ đầy đủ. Vì vậy tòa cho rằng việc Wheetley ra lệnh cho chú chó này đánh hơi và căn cứ vào cảnh báo của nó để tiến hành khám xét chiếc xe tải là vô căn cứ.

 Sự việc này gây ra nhiều tranh cãi kéo dài cho đến nay. Ít nhất có 23 tiểu bang của Mỹ đã tham gia kháng cáo quyết định của Tòa án Tối cao Florida và cho rằng việc sử dụng chó nghiệp vụ đánh hơi ma túy là một giải pháp quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng ma túy. Nữ thẩm phán Elena Kagan thuộc Tòa án tối cao liên bang Mỹ cho rằng Tòa án tối cao Florida đã đi quá xa bản chất sự việc, xử lý cứng nhắc và máy móc, coi việc huấn luyện bài bản cùng với chứng chỉ nghiệp vụ của chú chó quan trọng hơn là những việc nó đã làm được ngoài thực tế vì mục đích thi hành pháp luật.

Bà Kagan đặt ra vấn đề rằng: "Với bất cứ một cảnh sát nào, trước những cảnh báo của chó nghiệp vụ cũng sẽ thấy rằng việc tiến hành một cuộc kiểm tra để phát hiện hành vi buôn lậu hoặc những bằng chứng về tội ác là cần thiết". Và như vậy hành động của cảnh sát Wheetley là hoàn toàn hợp lý trong tình huống lúc đó.

Trong các phiên tranh tụng, vụ việc của Aldo đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt giữa các thẩm phán. Tòa án Tối cao Florida một mực khẳng định rằng việc căn cứ vào cảm nhận của loài vật để tiến hành những hành động thực thi luật pháp là điều hết sức cảm tính bởi khả năng phát hiện và phân biệt mùi vị của những chú chó không phải lúc nào cũng chuẩn xác.

Tòa án này đã đưa ra một loạt những chứng cứ cho rằng các chú chó nghiệp vụ thường bị nhầm lẫn khi làm nhiệm vụ, chúng thường chịu ảnh hưởng từ phía người điều khiển. Tòa lưu ý các quan tòa cần phải xét đến một loạt các trường hợp cụ thể về khả năng làm việc không hiệu quả của chó nghiệp vụ mà trong đó chó Aldo không là một ngoại lệ. Cụ thể là trong thời gian vụ việc trên chưa được giải quyết, chủ xe Clayton Harris tạm thời được tại ngoại thì chú chó Aldo được bố trí kiểm tra chiếc xe tải lần thứ 2. Lần này Aldo vẫn có dấu hiệu cảnh báo mặc dù xe không chứa bất kỳ một thành phần nào liên quan đến ma túy.

Tòa án Florida coi đây là bằng chứng quan trọng để đi đến kết luận rằng: Khả năng nghiệp vụ của cảnh khuyển Aldo không chính xác. Và như vậy cảnh sát Wheetley sử dụng cảnh khuyển không đạt chất lượng làm việc để tiến hành kiểm tra là vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Về phía Tòa án tối cao liên bang Mỹ, thẩm phán Elena Kagan cho rằng đó là một phán quyết thái quá và mâu thuẫn với quyết định trước đó của Tòa tối cao liên bang yêu cầu phải có một cách tiếp cận các vụ việc linh hoạt hơn và phải cân nhắc mọi khả năng có thể xảy ra. Bà thẩm phán còn chỉ rõ rằng các chú cảnh khuyển rất thông minh và nhanh nhạy nhưng xác suất sai sót đôi khi vẫn có thể xảy ra.

Cuối cùng, sau nhiều tranh cãi, ngày 19/2 vừa qua, Tòa án Tối cao liên bang đã chính thức tuyên bố viên cảnh sát Wheetley và chú chó Aldo hoàn toàn không có lỗi trong khi làm nhiệm vụ. Tuyên bố này đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối và như thế có nghĩa là kết luận của Tòa án Tối cao Florida bị bác bỏ hoàn toàn. Tòa án Tối cao liên bang nhấn mạnh rằng trong những trường hợp cụ thể, cảnh sát hoàn toàn có quyền sử dụng cảnh khuyển mà không cần phải xuất trình chứng chỉ nghiệp vụ của chúng.

Vụ việc chú chó Aldo là một trong hai trường hợp được Tòa án Tối cao liên bang giải quyết liên quan đến những chú chó đánh hơi ma túy ở Florida. Hiện Tòa án Tối cao liên bang vẫn chưa đưa ra phán quyết cho vụ việc còn lại. Vụ này có liên quan đến chú chó Franky khi nó được dẫn đến nhà riêng của Jardines Joelis - một điểm nóng buôn bán cần sa. Dựa vào những cảnh báo của Franky, cảnh sát đã tiến hành khám xét ngôi nhà và thu giữ 25 kg cần sa đồng thời bắt giữ được Jardines khi tên này đang định chạy trốn qua lối cửa sổ.

Tòa án Tối cao Florida cho rằng sự xâm nhập ban đầu của cảnh sát và chó Franky vào nhà của Jardines là một hành vi vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Và một vấn đề lại được đặt ra là có thể được phép dẫn một chú chó đến nhà riêng và dựa vào những cảnh báo của nó về dấu hiệu ma túy để tiến hành khám xét hay không. Xem ra việc xem xét công và tội của những chú chó nghiệp vụ - loài vật vốn được coi là người bạn đáng tin cậy nhất của con người cũng không hề đơn giản chút nào

H.Châm - P.Hiếu (tổng hợp)
.
.