Người Pháp và hội chứng phiêu lưu

Thứ Năm, 15/04/2010, 12:30
Có những ý nguyện gần như vô lý, mà nhiều người muốn "thể nghiệm", đôi khi vượt quá khả năng thể chất cũng như điều kiện cho phép. Họ muốn mình là những kẻ "khác người", còn khoa học chỉ còn biết giải thích sự "điên khùng" này bằng một định nghĩa nôm na: mạo hiểm!

Ngày càng có nhiều người ưa mạo hiểm muốn thể hiện "tính dũng cảm" của mình bằng những cuộc thử thách không thể chấp nhận được, vài kẻ gặp được may mắn, còn thường thì sự rủi ro ập ngay đến với họ.

Một trong những con người "dũng cảm" được lịch sử của những trò ưa mạo hiểm ghi nhận: Thierry Sabine, cũng chính là người sáng lập đường đua xe hơi cam go nhất thế giới từ kinh đô ánh sáng Paris tới Dakar (thủ đô Senegal ở châu Phi). Anh mất tích giữa sa mạc mịt mù cát trong một chiến dịch mạo hiểm phiêu lưu "đùa bỡn" với Sahara, nhằm mục đích quảng cáo và kêu gọi các nhà tài trợ. Anh mất đã gần 25 năm cùng với nam ca sĩ gạo cội thuộc nhóm "S.O.S!", người cùng đi với Sabine mang theo một sứ mạng nhân đạo: thiết kế hệ thống bơm nước ngọt cho dân chúng giữa lòng sa mạc (?!).

Ngày 16/11/2008, một đài truyền tin ở Đại Tây Dương bỗng dưng nín bặt. Sự rủi ro đã đến với một "người dũng cảm" khác: Alain Cola liều mình cùng chiếc xuồng giữa thăm thẳm biển khơi cũng vì mục đích quảng cáo. Vốn là một nhà giáo dạy bộ môn địa lý thế giới, A.Cola từng đi vòng quanh tất cả các đại dương trên hành tinh, anh đã nếm mùi vinh quang, cũng như niềm cay đắng.

Trong một lần vội vã, xích neo tàu đã làm vỡ mắt cá chân phải của Cola, anh bị thọt từ đó và luôn phải uống kháng sinh để tránh chứng viêm xương. Đúng ra anh đừng nên mạo hiểm nữa, nhưng bất chấp mọi lời khuyên nhủ, A.Cola lại ra đi. Lần này anh đi theo "con đường của rượu rhum" băng ngang Đại Tây Dương, từ Saint-Malo (Anh) qua hải cảng Pointe-à-Pitre trên đảo Guadeloupe giữa vùng Caribe.

Alain Cola từng nói: "Không ai có thể tưởng tượng được giây phút hạnh phúc mà tôi đã trải qua. Tôi lại có thể đua tranh với biển cả trong cuộc phiêu lưu đầy chất thơ này!", cũng như T. Sabine từng quả quyết "Tôi muốn được chết giữa sa mạc!" vậy.

Lũng sông Ratel giữa Phi Châu, nơi Philip D'Diolvo đã bỏ mình.
Một trường hợp khác: Philip D'Diolvo người Bordeaux muốn "xuyên" châu Phi từ tây sang đông qua những con sông "không thể đi được", và rồi số phận đâu chịu mỉm cười với anh nữa...

Những chuyến mạo hiểm mang đầy chất giật gân, được quảng bá rùm beng cùng những khoản kinh phí tài trợ khổng lồ và mọi giới hạn cứ nới ra mãi. Thuyền bè xuyên đại dương ngày một mảnh mai và khó điều khiển hơn, hành trình dài hơn với những trở ngại luôn rình rập tới sinh mạng... Và ai đó sẽ chợt nghĩ rồi những khó khăn khôn lường sẽ làm nản lòng những "cá nhân dũng cảm"? Không có chuyện ấy đâu! Hội chứng ưa phiêu lưu mạo hiểm quả là một căn bệnh nan giải.

Ta hãy nghe Jean-Marc Boavan, người chuyên trượt sky trên... các vách núi có độ nghiêng tới 65 độ, giãi bày: "Đúng là chúng tôi mạo hiểm, nhưng có vậy mới đạt được hạnh phúc vẹn toàn. Nhiều thứ cảm giác mà những kẻ chỉ ưa ngồi nhà xem tivi không thể có được". Còn Piter Berd, người đã chèo xuồng qua Thái Bình Dương thì cho biết: "Tôi chèo và nghe nhạc Opera một mình giữa biển, thật là điều cao cả" (!).

Jean-Louis Etienne, người đã từng chinh phục đỉnh Everest cao nhất thế giới và trượt sky hàng trăm nghìn cây số trên những sườn núi "khấp khểnh triền miên" ở  Greenland, lại đang sốt sắng sửa soạn cho chuyến lên cực Bắc...

Lần này Etienne đi bộ, vẫn một mình khoảng 800 cây số từ mũi Columbia (điểm tận cùng phía bắc của Canada), xuyên Bắc Băng Dương lên đúng điểm giữa trên vòng cực. Anh quàng theo chiếc xe kéo, trong đó có bộ Argos Sarsat - thứ dụng cụ liên lạc đời mới qua vệ tinh với Trung tâm Nghiên cứu khoa học vũ trụ tại Toulouse. Chuyến đi trước của Etienne không thành vì anh bị... rơi xuống vực, gãy vai, trật khớp tay. Nhưng anh đâu có ngán, đầu mùa hè này chàng trai "dũng cảm" ấy lại lên đường... N

J.Etienne đơn phương độc mã giữa vòng cực.

gười ta bảo có xe do chó kéo, có xe gắn động cơ chạy trên tuyết, sao anh không dùng chúng? Jean-Louis Etienne khảng khái đáp: "Điều đó không làm tôi bận tâm, bởi đơn giản tôi muốn tự mình cuốc bộ. Công cuộc mạo hiểm không nên ỷ vào kỹ thuật, nó đòi hỏi lòng dũng cảm và tính bền bỉ của mỗi cá nhân. Thực ra thể chất và tinh thần nên được trộn lẫn, đầu óc bạn cần phải đầy tràn những cảm hứng. Mặc giá buốt, gió bão, sức khỏe ê chề cũng như nỗi cô đơn, nhưng bạn luôn có quyền tự khâm phục mình với thứ cảm giác xâm chiếm bạn: hạnh phúc trọn vẹn thuộc về bạn!".

Theo giới tâm lý học Pháp, thì "cơn sốt mạo hiểm" ngày càng có nguy cơ trở nên phổ biến với nhiều công dân. Mọi người chợt hiểu ra là việc tồn tại những điều mơ ước phụ thuộc vào chính bản thân mình. Họ chối bỏ mọi tiện nghi tân kỳ để lên đường cùng các ý nguyện nguyên sơ. Bởi thế mới có Misel Franco với đôi sky mini trượt lên tới đỉnh đụn cát cao 460m ở Sahara (núi cát cao nhất hành tinh), sau khi đã "tung hoành ngang dọc" khắp Nam cực; hay Jean Becker bay vòng quanh cực Bắc bằng khinh khí cầu không bình dưỡng khí; hoặc bác sĩ Misel Gumbel "tự lập" giữa đảo hoang ở Polinezia, cách tuyến đường hàng hải gần nhất tới 1.100km.

"Những kẻ mê chinh phục những cái không cần thiết" như các nhà tâm lý học thường gọi, đa phần không thực hiện được nguyện ước của mình. Nhưng các "huyền thoại" về họ vẫn luôn sống động, nhất là với những cá nhân chỉ được mục kích các thành tích phiêu lưu qua màn ảnh nhỏ giữa phòng khách trong nhà

Trần Hồng (theo Le Point)
.
.