Người phụ nữ mắc ung thư lượm rác làm nhà cho người nghèo

Thứ Ba, 06/09/2016, 16:10
Nargis Latif đang hấp hối trên giường bệnh. Các bác sĩ đã không thể chữa khỏi bệnh cho bà. Latif đã mắc bệnh hiểm nghèo trong quá trình lao động, mặc dù được chuyển đến một bệnh viện có uy tín ở TP Karachi, miền Nam Pakistan, các bác sĩ không thể chẩn đoán bà mắc bệnh gì. Tuy nhiên họ nghi bà bị ung thư máu.

"Thậm chí, tôi không thể nói cho mọi người mình đau như thế nào, cảm giác thật khó chịu. Đó là khi tôi tìm đến Chúa trời và khẩn cầu ngài hoặc giết hoặc cứu sống tôi, chứ đừng để tôi phải sống khổ sở. Tôi bắt đầu khóc, nước mắt rơi xuống nền nhà, lời cầu nguyện của tôi đã được đền đáp", bà kể.

Sức khỏe của Latif bắt đầu dần ổn định. Và bà bắt đầu làm việc như đã hứa với Chúa, sẽ làm điều gì đó để thế giới tốt đẹp hơn. Đốt rác là cảnh tượng rất phổ biến ở Karachi, một thành phố xả thải đến 12.000 tấn rác/ngày. "Tôi từng rất khó chịu khi rác được đốt", Latif cho hay, bà nhớ lại cảnh đốt rác gây khói bụi độc hại và ngột ngạt trong khu dân cư.

Bà Latif (bìa phải) và căn nhà làm từ rác

Vì vậy, ngay khi sức khỏe có tiến triển, Latif bắt đầu tìm hiểu cách sử dụng rác. Sau một năm nghiên cứu, bà thành lập dự án Gul Bhao có nghĩa là Suối hoa. Cùng với đội tình nguyện hoạt động vì môi trường, Latif nghĩ ra cách sử dụng rác thải làm nhà, hồ nước, máng ăn cho gia súc và nhà vệ sinh để giúp đỡ người nghèo.

"Chuyện này thật không dễ. Tôi nhận thấy sẽ phải cống hiến cả đời cho việc làm tốt đẹp này. Đó cũng là một quyết định khó khăn, bởi vì cha tôi luôn lên tiếng phản đối. Cụ cảnh báo đừng có làm việc này, nếu không dừng lại, tôi sẽ chết", Latif cho biết.

Nhưng Latif vẫn quả quyết rằng rác thải, đặc biệt là nhựa, cần phải xử lý hợp lý để tạo ra "sự sống". Gul Bahao bắt đầu cách đây 22 năm cùng với một "đội quân" gồm 70 cậu bé đến từ Uzbekistan giúp bà Latif thu lượm nhựa, lá rau và vỏ trái cây cùng với những loại rác khác ở khắp Karachi.

Năm 2004, Latif thành lập một trung tâm nghiên cứu trên một khu đất được chính phủ cấp phép. Bà nhớ những chiếc xe tải và bán tải hạng nhẹ vào ra trung tâm mỗi sáng. Bấy giờ, cơ sở chất đầy nhựa, bà dùng loại vật liệu sẵn có này tạo ra chandi ghar - một loại nhà tạm để giúp đỡ người dân Pakistan bị ảnh hưởng của trận động đất năm 2005. Latif chia sẻ từ năm 2005 đến nay, trung tâm tạo ra hơn 150 nhà ở bằng nhựa giúp nhiều người nghèo mất chỗ ở do động đất có nơi sinh sống.

Sau đó là nhà vệ sinh di động mà bà cho biết có thể giúp những người dân ở vùng sâu vùng xa. Dự án tạo ra mọi thứ từ nhà, cho đến bàn, ghế và nhà vệ sinh đều bằng nhựa. Nhựa "tinh khiết", Latif gọi như vậy để phân biệt với những loại rác thải khác, chủ yếu là giấy gói bánh kẹo. Chúng tạo ra những "viên gạch bông" để làm đẹp cho nhà tạm cư.

Những chiếc ghế được bán với giá 0,7 USD trong khi nhà tạm có giá từ 2,9 đến 3,8 USD/m2. Tuy nhiên, Latif giải thích, dự án không có mục đích thương mại, mà chỉ có mục đích nghiên cứu và bảo vệ môi trường.

"Chúng tôi đã chi hơn 10 triệu rupee cho dự án này chỉ trong năm 2006. Kể từ đó đến nay, chi phí luôn giảm", bà chia sẻ. Hầu hết ngân quỹ có từ tiền tiết kiệm của bà Latif hoặc những nhà tài trợ hảo tâm. Ngồi bên trong một chandi ghar, gió thổi mát mẻ vào buổi sáng. Ngôi nhà khá vững chãi, bà Latif khẳng định nó ấm về mùa đông và có thể chịu được nắng nóng trong mùa hè nhờ kỹ thuật thiết kế đặc biệt.

"Bạn có thể tạo ra những ngôi nhà xinh đẹp bằng cách sử dụng phế thải. Nhà ở, hồ bơi, bể chứa nước . Tôi sẽ bị phê bình nếu người dân không thể sử dụng những sản phẩm đó", Latif giải thích. Tìm nguồn tài chính rất khó khăn, và Latif phải dành nhiều thời gian để tìm kiếm tiền duy trì hoạt động của dự án.

"Chẳng ai muốn tài trợ cho chúng tôi, bởi vì không ai nghĩ có dự án nghiên cứu môi trường ở nơi đây. Trước kia, có những công ty từng cung cấp cho chúng tôi giấy, nhựa, dầu thải, bìa cát-tông và kim loại. Chúng tôi chưa bao giờ có đủ tiền quỹ, nhưng tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ những người nghèo", bà Latif chia sẻ.

Đối với những hộ gia đình khó khăn, đặc biệt ở vùng miền núi, thay vì phải sống trong nhà làm bằng bùn đất, họ có thể hưởng lợi từ dự án. Khi mùa khô hạn đến, họ có thể dễ dàng chuyển chỗ ở cùng với gia súc đến nơi có nguồn nước và dụng cụ làm nông.

Họ không cần phải xây nhà đất từ đầu. Điều này cũng giảm nhiễm trùng và dịch bệnh lây lan vì bùn đất. Thế giới sẽ không còn ô nhiễm, bởi vì chúng tôi đang biến nhựa thải thành những vật dụng hữu ích", bà Latif hãnh diện cho biết.

Phạm Anh Trúc (theo Independent News Pakistan)
.
.