Nguồn gốc của ngày "Cá tháng Tư"

Thứ Năm, 01/04/2010, 14:45
Ngày "Cá tháng Tư", tuy không được ghi trong bất kỳ một cuốn lịch chính thức nào, nhưng quan niệm của mọi người trên khắp thế giới được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn được coi như một ngày của những trò vui đùa, đánh lừa - nói chung là một trong những ngày lễ cổ xưa nhất. Đó cũng là lý do tồn tại của vô số giả thuyết về nguồn gốc thực sự của ngày này…

Theo nhiều nhà nghiên cứu, nguồn gốc sâu xa của ngày 1/4 bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của những lễ hội hóa trang vui nhộn tại châu Âu từ thời Trung Cổ. Thực chất đó là một trong những thể hiện rõ ràng nhất của tư tưởng "nổi loạn" đa thần trong nhận thức của xã hội Cơ Đốc giáo, đối nghịch với điều răn thứ 9 ngăn cấm bất cứ hình thức nói dối nào. Chính vì vậy, ngày 1/4 luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong những cuốn lịch, là thời gian duy nhất trong năm mà con người có thể bằng trò tinh nghịch của mình phá vỡ mọi quy tắc hay logic thông thường của cuộc sống.

Có điều vì sao cái ngày đặc biệt trên lại được quy định đúng vào ngày 1/4 thì chưa ai có thể tìm được câu trả lời chính xác. Cũng có nhiều giả thuyết được đưa ra về thời điểm này. Chẳng hạn có người cho đây là ngày lễ nảy sinh từ "ngày hội những kẻ ngốc" từ thời La Mã cổ đại (dù trên thực tế, ngày hội này được tổ chức vào giữa tháng 2 hàng năm). Một số khác lại tìm lời giải thích từ quốc gia Ấn Độ thời cổ đại, nơi thường tổ chức "ngày hội nói đùa" vào ngày 31/3. Nhưng phổ biến nhất là lý giải từ thời nhà vua Carl IX, người vào năm 1564 đã ban hành một sắc lệnh quy định chuyển thời điểm đầu năm mới từ ngày 1/4 sang ngày 1 tháng giêng.

Một năm sau, nhiều công dân của nhà vua vẫn gửi quà và những lời chúc năm mới cho bạn bè vào tháng 4 như một dấu hiệu phản ứng cùng quyết tâm trung thành với truyền thống cũ. Những người theo quan điểm cách tân lại có cớ để cười nhạo số "hoài cổ" này, gọi họ là "những tên ngốc tháng tư". Do mặt trời vào thời điểm tháng 4 đang ở vị trí của chòm sao Song ngư (Chòm sao con cá - Pisces), nên có lẽ cũng vì thế mà người dân gọi đây là ngày "Cá tháng tư".

Còn tại Anh, ngày 1/4 thường được gọi là ngày của những tên ngốc (April's Fools). Từ nửa đêm cho tới 12 giờ trưa ngày 1-4, mỗi người có thể thoải mái tìm cách đùa cợt hay đánh lừa bạn bè và người thân của mình.  Một trong những vụ đánh lừa lớn nhất vào "ngày của những tên ngốc" mà nhiều báo chí tại Anh vẫn nhắc tới đã diễn ra tại London vào năm 1860, khi hàng trăm cặp vợ chồng quý tộc Anh nhận được giấy mời tới một lễ hội trọng thể diễn ra vào lúc 11 giờ trưa ngày... 1/4. 

Tại Đức và Áo, ngày 1/4 lại được coi là ngày bất hạnh. Theo truyền thuyết, đây là ngày sinh của tên phản chúa Juda, cũng là ngày quỷ Satan bị đuổi khỏi thiên đường. Vào ngày này hàng năm tại khu vực nông thôn, người ta thường không làm việc, không bắt đầu những công việc mới, không thả gia súc ra khỏi chuồng.  Ngày "Cá tháng tư" bắt đầu được lan truyền rộng rãi trên thế giới vào thế kỷ XVIII, khi người Anh, Scotland và Pháp đã cho phổ biến nó tại các vùng đất thuộc địa của mình ở châu Mỹ.

Tuy nhiên, những trò lừa "Cá tháng tư" thời hiện đại mới được nhắc đến nhiều bởi mức độ sáng tạo, cũng như quy mô của nó. Trò lừa được nhiều người đánh giá là "tầm cỡ thế kỷ" chính là bản tin được Hãng BBC tung ra vào ngày 1/4/1957, trong đó nhắc tới một vụ mùa... mì ống chưa từng có tại Thụy Sĩ.

Trên nền hình ảnh những người nông dân đang thu hoạch mì ống đã chín, phát thanh viên hồ hởi thông báo cho khán giả về một thành tựu mới trong lĩnh vực nông nghiệp - nhờ thành công của một loạt những thế hệ được chọn lọc giống, chiều dài của tất cả các sợi mì ống đều bằng nhau. Phản ứng của những lá thư phản hồi gửi về cũng rất nực cười: có người bày tỏ sự ngạc nhiên vì sao mỳ ống lại mọc thẳng đứng chứ không mọc ngang, người thì xin cây giống!.

Theo các kết quả thăm dò xã hội, có tới 70% số người được hỏi luôn có xu hướng muốn trêu chọc bằng cách đánh lừa ai đó trong số những người quen của mình. Tuy nhiên, làm sao để những trò lừa của mình không làm cho người thân phải giận dữ, hay thậm chí tổn thương thì đó lại phụ thuộc vào mức độ khôn khéo và tinh tế của từng người

Quỳnh Lai (tổng hợp)
.
.