Nguồn gốc tên gọi một số châu lục

Thứ Năm, 05/07/2018, 21:41
Tên gọi Europe là đến từ châu Á, nơi họ gọi phần đất thuộc châu Âu là Europit. Một thời trên lãnh thổ xứ Lebanon ngày nay có một dân tộc với nhiều nhà hàng hải lớn. Họ buôn bán với cả vùng Địa Trung Hải và thậm chí đã đi được vòng quanh châu Phi trong 3 năm. Dân Hy Lạp gọi họ là người Foini, dân La Mã là Puni, còn bây giờ là người Phoenicia.

Thần thoại Hy Lạp kể vị thần Agenor của người Phoenicia có một cô con gái đẹp tên là Europe, được thần Zeus toàn năng yêu ngay từ giây phút đầu mới gặp. Thần Zeus liền biến thành một con bò mộng trắng, bắt cóc cô gái đem đến đảo Crete nơi lần đầu Europe đặt chân tới vùng đất lạ, sau này được vinh dự mang tên mình.

Còn nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, từ Europe có nghĩa là “mắt to”, bởi thời cổ đại đó là biểu trưng của mặt trăng, đồng thời mặt trăng cũng rất được trọng vọng trong nền văn minh Phoenicia cổ.

Một điều thú vị là trong thế kỷ V trước Công nguyên (Tr.CN) sử gia lỗi lạc Herodotus (484-425 Tr.CN), người được tôn vinh là “cha đẻ” của lịch sử học chỉ biết về châu Âu qua phần đất Hy Lạp. Còn vào thế kỷ III Tr.CN, vị học giả uyên bác người Hy Lạp Eratosthenes (276-194 Tr.CN) lại tính vào châu Âu tất cả các địa danh gần Bắc Á.

Còn các nhà địa lý thời Trung cổ thì cho rằng sông Dnieper, nằm trên đường biên giữa giữa Belarus và Ukraine hiện thời là giới hạn của châu Âu; sau đó là sông Donets thuộc Nga và Ukraine ngày nay... Tới tận những năm 40 của thế kỷ XVIII, rặng núi Ural mới được coi là ranh giới cuối cùng giữa Âu châu và Á châu.

Người Hy Lạp gọi những phần đất phía đông biển Aegean với nhiều tên khác nhau: Ionia, Galatia, Capadocia, Licia, Pamfilia, Kilikia... Khoảng giữa là “tỉnh” Asia - Á châu bây giờ. Asia không phải gốc từ Hy Lạp mà từ các văn tự của người Azeri (Azerbaijan): Axsu hay Asu, có nghĩa là “Mặt trời mọc”. Nhiều nhà khoa học còn thấy mối liên quan giữa địa danh Asia với một từ Phạn cổ thời Sanskrit: Uzas hoặc Usas có nghĩa là “Rạng đông” hay “Bình minh”.

Trong huyền thoại cổ Hy Lạp thì Asia là một trong những cô con gái của thần Đại dương (Ocean), bà đã sinh ra Prometheus - người đã tặng lửa cho loài người. Asia thường được thể hiện qua người phụ nữ ngồi trên mình lạc đà, một tay cầm hộp đựng các tư tưởng hiền triết phương Đông và đồ gia vị, còn tay kia là chiếc khiên. Một thời gian dài cái tên Asia không được các bản đồ nhắc đến.

Vào thế kỷ XIII, nhà thám hiểm kiêm thương gia Italia Marco Polo (1254-1324) - người khám phá ra “Con đường tơ lụa” - không đi hết châu Á, mà chỉ tới Trung Quốc, địa danh được ông gọi là China. Muộn hơn, tới thời kỳ bùng nổ các khám phá địa lý, mọi người nhớ lại thời Hy Lạp trước kia từng gọi các vùng phía đông là Orient (Mặt trời mọc), thường ám chỉ các vùng Hồi giáo phương Đông ở châu Á.

Trần Hồng
.
.