Nhà chọc trời cao… 2001 mét

Thứ Ba, 27/07/2010, 06:55
Tổ hợp xây dựng khổng lồ Obayashi (Nhật Bản) vừa giới thiệu một bản thiết kế vĩ đại, gây ấn tượng mạnh nhưng cũng khó tin: xây tòa nhà cao đúng... 2.001m trên một hòn đảo nhân tạo trong vịnh Tokyo.

"Mục đích của chúng tôi không phải nhằm lập các kỷ lục thế giới - đại diện Obayashi phát biểu trong một cuộc họp báo mới đây - Nếu vậy, chúng tôi có thể tự thỏa mãn với tòa nhà cao phân nửa là đủ. Lý do chính để xây dựng tòa siêu cao ốc này là về phương diện kinh tế. Do giá cả đất đai ở Tokyo và vùng phụ cận cứ mãi leo thang vùn vụt, cần phải có những phương pháp giải quyết mới thỏa đáng hơn. Sau khi thảo luận cụ thể với giới kiến trúc sư hàng đầu, Obayashi quyết định làm một bước nhảy vọt về chiều cao, càng cao càng thuận lợi cho cách giải quyết vấn đề".

Dự án thiết kế mang tên "Aeropolis - 2.001" và sẽ ngốn hết 310 tỉ USD. Ai sẽ bỏ tiền ra xây? "Các tổ chức quốc tế cùng sự tham gia của các chính phủ và các cá nhân!", đại diện Obayashi cho biết.

Tòa siêu cao ốc tương lai sẽ nằm cách Tokyo 10 hải lý về phía đông bắc. Trước hết phần biển này sẽ được làm khô hết nước cho tới độ sâu 200m. Trên đó sẽ là hòn đảo nhân tạo có đường kính 740m. Mặt bằng rộng 43 ha sẽ là nền móng chính cho tòa nhà đa giác cao 500 tầng. Hệ thống đường hầm dạng ống (như với Eurotunel nối Anh và Pháp) giao lưu với trung tâm thủ đô Nhật trên đất liền cùng các phi cảng quốc tế Haneda và Narita. 500.000 người sẽ cư ngụ thường xuyên trên đảo và mỗi sáng có thêm 300.000 người nữa tới Aeropolis - 2.001 làm việc. Tương tự như thành phố 1 triệu dân hiện hữu trong một tòa nhà vậy.

Hệ thống thang máy sẽ là phương tiện giao thông công cộng chính. Những buồng thang nhỏ nhất có sức chứa tới 100 người. Các thang siêu tốc sẽ dừng ở 40 tầng/bến, nghĩa là cả tòa "đô thị thẳng đứng" phải có ít nhất là 12 bến chính, nhưng cũng phải mất chừng 15 phút mới lên được bến cuối trên đỉnh. Từ các bến chính có mạng thang máy thông minh với vận tốc nhỏ hơn tỏa đi các tầng: ví dụ như từ 1-40, 41-80... cho đến hết.

Các chuyên gia của Obayashi tính rằng, phải mất 25 năm mới xây xong. Rất nhiều người tỏ ra thất vọng khi nghe khoảng thời gian dài như vậy. "Liệu không thể hoàn chỉnh nhanh hơn trong vòng một vài năm như các cao ốc chọc trời hiện hữu khác sao?", có người ấu trĩ nêu câu hỏi trong cuộc họp báo nói trên. Đại diện Obayashi có ngay câu trấn an: "Lực lượng robot xây dựng đời mới thiện nghệ và đa năng sẽ tham gia chủ yếu vào công trình thế kỷ này. Chứ nếu xây dựng theo các phương pháp cổ điển, phải mất chí ít cả trăm năm mới khánh thành Aeropolis - 2.001 được".

Người ta cũng đã đưa ra câu hỏi thiết thực khác, ví như cuộc sống trên các tầng cao -  nơi có không khí loãng - sẽ ra sao, có ảnh hưởng gì tới sức khỏe con người không?". Vị đại diện Obayashi khoát tay: "Các vấn đề nhỏ nhặt ấy đã được hãng chúng tôi lưu tâm giải quyết với phương án tối ưu từ lâu rồi, chưa nói tới trong 1-2 thập niên nữa, khi mà nền khoa học tiên tiến sẽ bổ sung thêm những biện pháp hữu hiệu hơn"

Kim Dung (theo Discovery)
.
.