Những địa danh nổi tiếng thế giới cấm du khách lai vãng

Thứ Tư, 17/09/2014, 16:25

Trên hành tinh này có nhiều địa điểm thường không có tên trong các bản đồ hướng dẫn du lịch, nhưng lại rất nổi tiếng với người dân địa phương. Vì các nguyên nhân khác nhau như an ninh, bảo mật, bảo tồn… nên cấm ngặt du khách thăm viếng. Dưới đây xin liệt kê vài trường hợp tiêu biểu:

Bảo tàng An ninh Quốc gia Trung quốc

Tòa bảo tàng duy nhất trên lục địa Trung Hoa chuyên về lĩnh vực tình báo và phản gián, tọa lạc ở một nơi ít người biết đến thuộc ngoại vi thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc. Tại đây trưng bày các tài liệu và hiện vật bí mật nhất trong lịch sử hoạt động gián điệp của nhà nước đông dân nhất thế giới. Gồm các "bộ sưu tập" theo chuyên đề như: vũ khí ngụy trang siêu nhỏ, các thiết bị nghe trộm, ghi âm, chụp hình...

Nếu khách tham quan không phải là công dân Trung Hoa sẽ được mời đi... chỗ khác.

Hang động tiền sử

Cả thế giới đều biết đến khu hang động Lascaux, ở trong thung lũng Vezere phía tây nam nước Pháp, với những bức vẽ hóa thạch trên vách đá về các loài động vật thời hậu đồ đá cũ, có niên đại khoảng 17.300 năm. Hang được phát hiện vào năm 1940, đến năm 1948 bắt đầu mở cửa cho du khách thăm viếng. Sau 7 năm hoạt động, lượng khí carbon dioxide tích tụ từ 1.200 lượt khách tham quan mỗi ngày, cộng với lượng nấm mốc phát sinh bởi hệ thống điều hòa không khí, kết hợp với hệ thống chiếu sáng cao áp đã góp phần làm hư hại các bức tranh.

Đầu năm 1963, hang Lascaux buộc phải đóng cửa vì mục đích bảo tồn nghệ thuật. Hiện chỉ một người duy nhất được phép vào khu hang động mỗi tuần một lần, với thời gian tối đa là 20 phút để theo dõi các điều kiện khí hậu. Đồng thời chỉ có số ít chuyên gia bảo tồn được phép làm việc vài ngày trong một tháng, cùng những nỗ lực để loại bỏ và ngăn ngừa sự phát triển nấm mốc.

Năm 1979, quần thể hang động Lascaux được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ công nhân là Di sản Văn hóa thế giới.

Đảo cấm

Niihau với diện tích 180km2 là hòn đảo lớn thứ 7 trong số 8 đảo chính thuộc quần đảo Hawaii, cũng là tiểu bang Mỹ duy nhất nằm giữa đại dương, đã được tư nhân hóa cách đây đúng 1,5 thế kỷ, từ năm 1864 sau khi bà chủ đồn điền gốc Scotland Elizabeth McHutcheson Sinclair (1800-1892) mua lại từ giới lãnh chúa của Vương quốc Hawaii, rồi để lại cho lớp hậu duệ quyền thừa kế.

Với mục đích bảo tồn nguyên trạng nét hoang sơ cố hữu, trên đảo không hiện diện những phương tiện hiện đại như hệ thống đường sá, mạng lưới cung cấp điện và nước... Còn ngôi trường tiểu học duy nhất hoạt động nhờ các tấm pin năng lượng mặt trời. Đảo Niihau vốn nổi tiếng trong giới địa lý quốc tế qua biệt danh "The Forbidden Isle" (Đảo cấm).

Du khách bị cấm ngặt khi muốn lai vãng đến đây, thậm chí người thân của 130 cư dân trên đảo khi thăm viếng thân nhân đều phải xin cấp giấy phép đặc biệt từ 3 tháng trước. Quản lý đảo Niihau hiện nay là hai vợ chồng Bruce và Keith Robinson, cháu 5 đời từ người chủ đảo cấm đầu tiên.

Địa điểm bí ẩn

Pine Gap là tên gọi của một trạm theo dõi vệ tinh quy mô toàn cầu, nằm cách thị trấn Alice Springs, bang Northern (Australia) 18km về phía tây nam. Trạm Pine Gap trên danh nghĩa được điều hành bởi cả 2 quốc gia là Australia và Mỹ, nhưng trong thực tế đều do các cơ quan mật vụ Mỹ hàng đầu quản lý như Cục Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Văn phòng Do thám Quốc gia (NRO)..., trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới giám sát mọi hoạt động diễn ra trên mặt đất từ hệ thống vệ tinh gián điệp.

Khi mới thành lập năm 1970, Trạm Pine Gap có tên gọi là Cơ sở Nghiên cứu Quốc phòng Không gian, đến năm 1988 đổi thành Cơ sở Quân sự Pine Gap, với 144 radar và chảo vệ tinh khổng lồ hướng thường trực lên quỹ đạo trái đất để chuyển phát và thu nhận thông tin.

Ngoài các nhân viên đang làm việc tại Trạm Pine Gap ra, tọa độ thực sự của căn cứ thám thính siêu mật này chỉ có 3 người trên thế giới được biết là Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Australia Tony Abbott và Trung tướng Không quân Mỹ James R. Clappe, Giám đốc Tình báo Quốc gia, một cơ quan cấp liên bang quy tụ 17 cơ quan tình báo khác nhau.

Theo tiết lộ của "người thổi còi" Edward Snowden, thì Trạm Pine Gap đã tham gia tích cực vào chương trình PRISM đầy tai tiếng của NSA chuyên giám sát mạng Internet toàn cầu

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.