Những kỷ lục của Phụ nữ Việt Nam

Thứ Tư, 21/03/2007, 10:30

Nữ vương đầu tiên trong lịch Danh hiệu này dành cho hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi Thái thú Tô Định, lật nhào ách đô hộ của nhà Đông Hán và xưng vương, nắm quyền được 3 năm.

Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử

Lý Chiêu Hoàng (còn gọi là Phật Kim hay Chiêu Thánh) trở thành nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam khi tháng 11/1224, bà được vua cha (Lý Huệ Tông) truyền ngôi cho. Bà lên cầm quyền với niên hiệu Thiên Chương hữu đạo, đến tháng 1/1226 thì nhường ngôi cho chồng (Trần Cảnh), lập ra nhà Trần.

Nữ thi sĩ tài hoa, độc đáo và hài hước nhất

Nhà thơ nữ tài hoa, độc đáo và hài hước nhất là Hồ Xuân Hương. Sống vào cuối thời Hậu Lê, là tác giả của rất nhiều bài thơ vừa trữ tình vừa sắc sảo, mới lạ, lại đa nghĩa và mang tính hài hước, châm biếm sâu cay, bà được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm".

Người làm cô giáo của nhiều vua nhất

Thông minh và giỏi văn thơ, bà Nguyễn Nhược Thị Bích (1830 - 1909), quê Thừa Thiên - Huế, được tiến cử vào cung, trở thành cô giáo của 3 vị vua nhà Nguyễn: Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh (dạy Kiến Phúc, Đồng Khánh khi còn làm Thái tử và dạy Hàm Nghi cả khi đã lên ngôi).

Nữ tổng biên tập đầu tiên

Danh hiệu này thuộc về Nguyễn Xuân Khuê (1864 - 1921), bút danh là Sương Nguyệt Anh, con gái thứ 4 của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, quê Bến Tre. Nhận lời mời của các đồng nghiệp, đầu năm 1918, bà lên Sài Gòn làm Tổng biên tập tờ Nữ giới chung và phụ trách tờ báo này trong suốt thời gian tồn tại của nó.

Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên

Nguyễn Thị Minh Khai là nữ chiến sĩ tiền bối của phong trào Cộng sản Việt Nam. Chị sinh năm 1910 tại Vinh (Nghệ An), năm 1927 gia nhập Tân Việt cách mạng đảng. Năm 1929, thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng ở Việt Nam, Trung Quốc...

Năm 1935 vào học Trường đại học Phương Đông tại Liên Xô, cùng với Lê Hồng Phong là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Năm 1937 về nước hoạt động, bị giặc Pháp bắt năm 1940 và kết án tử hình tháng 5/1941.

Nữ anh hùng lực lượng vũ trang trẻ nhất

Chị Võ Thị Sáu (1933 - 1952) xứng đáng với danh hiệu này. Ngay từ năm 15 tuổi, chị đã hăng hái tham gia cách mạng, lập nhiều chiến công vang dội. Tháng 5/1950, bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ trung thành.

Năm 1952, giặc đày chị ra Côn Đảo và hành quyết. Năm 1993, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trân trọng truy tặng chị Huân chương Chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước

Đồng chí Nguyễn Thị Định (1920 - 1992), quê Bến Tre, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936, là người khởi xướng và lãnh đạo xuất sắc phong trào đồng khởi 1959 -1960. Bà từng giữ nhiều cương vị chủ chốt trong quân đội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV-VI và năm 1987 trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thời hiện đại giữ chức vụ: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Thị Định và đoàn đại biểu phụ nữ Miền Nam tại buổi tiễn đoàn về vùng giải phóng (18/9/1974).

Nữ anh hùng đầu tiên của quân đội

Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930, trong kháng chiến chống Pháp đã xây dựng và chỉ huy đội nữ du kích Tán Thuật (Thái Bình). Hoạt động hiệu quả, táo bạo, dũng cảm, nổi tiếng với chiến tích “tay không bắt giặc”. Bà được tặng thưởng nhiều huân chương Chiến công và năm 1952 được  phong là  nữ anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nữ sĩ quan tình báo giỏi nhất

Danh hiệu trên được dành cho Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Đinh Thị Vân, người tổ chức và điều hành mạng lưới tình báo tại Sài Gòn trong thời chống Mỹ.

Năm 1954, bà được Bộ Quốc phòng đặc phái vào miền Nam hoạt động. Thông minh, lanh lợi, kiên trung, xây dựng được mạng lưới tình báo vững chắc, bà đã cung cấp cho quân đội ta nhiều tin tức kịp thời về những cuộc càn quét của Mỹ - ngụy vào đầu não kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ. Hệ thống tình báo của bà phục vụ đắc lực cho các kế hoạch tấn công của quân đội ta từ Tết Mậu Thân 1968 đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng năm 1975.

Người phụ nữ có nhiều con cháu là liệt sĩ nhất

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1909, quê xã Điện Thắng (Điện Bàn, Quảng Nam) có tới 9 người con và 2 người cháu nội là liệt sĩ.

Cặp mẹ chồng và con dâu có nhiều người thân hy sinh vì nước mắt

Mẹ chồng Huỳnh Thị Khiết và con dâu Lê Thị Phát, quê xã Hòa Thắng (Bắc Bình, Bình Thuận), là cặp mẹ chồng con dâu có nhiều người thân hy sinh vì nước nhất. Mẹ có 4 người con là liệt sĩ, còn con dâu mẹ có chồng và 4 người con là liệt sĩ.

Nữ giáo sư, tiến sĩ toán học đầu tiên

Bà Hoàng Xuân Sính, giáo viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội, là nữ Giáo sư, Tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam. Năm 1975, tại Trường đại học Paris VII (Pháp), bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học; sau đó về nước công tác và được phong học hàm giáo sư.

Nữ tiến sĩ toán học trẻ nhất

Danh hiệu này thuộc về nhà toán học Lê Hồng Vân. Đầu tháng 12/1989, khi mới 28 tuổi, chị đã bảo vệ thành công tuyệt đối luận án tiến sĩ toán – lý của mình tại Hội đồng Bác học Trường đại học Tổng hợp Lomonosov ở Nga (chiếm  trọn cả 17 phiếu thuận của Hội đồng).

Hội Phụ nữ rộng lớn nhất

Đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ nước ta, được thành lập ngày 20/10/1930. Phụ nữ Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, nếu tán thành Điều lệ Hội, tham gia các hoạt động của Hội thì đều được công nhận là hội viên.

Hội phân thành 4 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn (còn gọi là cấp cơ sở) và đại hội phụ nữ các cấp tổ chức 5 năm  một lần.

Nhà xuất bản duy nhất dành cho giới nữ

Đó là Nhà xuất bản Phụ nữ, hiện đặt tại 39 Hàng Chuối (Hà Nội). Mỗi năm, tại đây xuất bản hàng trăm nghìn bản ấn phẩm về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, nhưng chủ yếu dành cho nữ giới.

Tờ báo phụ nữ quy mô nhất

Danh hiệu này dành cho báo Phụ nữ Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thành lập ngày 8/3/1948 và hiện nay vẫn liên tục phát triển, vững mạnh, với toà soạn đặt tại 47 Hàng Chuối (Hà Nội). Là diễn đàn thông tin cơ bản và rộng rãi của phụ nữ, báo luôn được  hàng chục triệu độc giả đón đọc và lượng phát hành mỗi  số báo thường không dưới 100.000 bản

Nhân Hoài
.
.