Những sân vận động thân thiện môi trường

Thứ Hai, 10/05/2010, 16:15
Sân vận động Olympic London 2012
Sân vận động Opympic London được thiết kế bởi HOK Sport và Peter Cook, với nguyên vật liệu xây dựng được chọn lọc ít tác động đến môi trường. Sân vận động được xây dựng với những vật liệu nhẹ, bền vững và có độ nghiêng. Mặt tiền của công trình được bao phủ lớp thực vật thân thiện với môi trường.

Garden Stadium

Sân vận động mới có tên gọi Garden Stadium của Trung Quốc do Công ty Cox Architects thiết kết xây dựng mới từ sân vận động cũ Dalian Shide. Thiết kế mới thân thiện với môi trường bao gồm những bức tường thảm xanh, giảm bớt khí nhà kính và cung cấp đầy đủ trang thiết bị cách nhiệt và cách âm.

Sân vận động mới cho phép mọi người thoải mái phóng tầm mắt ra đại dương bên ngoài, núi non và quang cảnh trung tâm thành phố. Phần mái sân vận động là hệ thống cáp và vải nhằm làm giảm sự tác động đến môi trường. Các bức tường được phủ các lớp thực vật thay đổi màu sắc theo mùa. Bên trong những bức tường là hệ thống panel LED khổng lồ hoạt động bằng các turbine gió và tế bào năng lượng mặt trời được lắp bên trong tường và mái.

Sân vận động Thượng Hải

Công trình sân vận động Thượng Hải được xây dựng cho sự kiện bóng đá 2008 Games. Được xây dựng năm 1997, sân vận động có diện tích 380.000m2, với sức chứa 80.000 người và hiện nay công trình nhận được 2 triệu NDT (273.972USD) tiền thưởng từ chính quyền khu Xuhui vì những hạng mục bảo vệ môi trường của sân vận động.

Ban đầu sân vận động có hai ống khói cao 28m và 3 nồi hơi mỗi năm tiêu thụ 2.500 tấn dầu. Nhưng trong năm ngoái sân vận động bắt đầu chương trình cải tạo kéo dài 3 năm để bảo vệ môi trường, hai ống khói được xây dựng lại và 3 nồi hơi được sửa đổi cho thân thiện với môi trường hơn.

Nationals Park

Sân vận động bóng chày Nationals Park trị giá 611USD của Mỹ được thiết kế với những yếu tố - nước và ánh sáng - tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Hệ thống lọc nước bằng cát được xây dựng ngầm bên dưới sân vận động. Hệ thống lọc độc đáo này cũng có khả năng tách biệt nước dùng để rửa sân với nước mưa được xử lý để dùng vào việc vệ sinh.

Cowboys Stadium

Đây là sân vận động hình vòm với phần mái di động được xây dựng ở thành phố Arlington (Mỹ) cho sự kiện bóng đá Dallas Cowboys của Liên đoàn Bóng đá quốc gia Mỹ.

Sân vận động trị giá 650 triệu USD do Công ty Kiến trúc HKS ở thành phố Dallas thiết kế với yếu tố bền vững và đáp ứng chương trình xây dựng thân thiện với môi trường của liên bang. Sân vận động giảm rác thải rắn 25%, năng lượng sử dụng chỉ 20% và mức tiêu thụ nước là 3.785m3 nước mỗi năm. Các ghế ngồi trong sân vận động được làm bằng loại chất dẻo tái sử dụng.

World Games Stadium

Thiết kế của Công ty Kiến trúc Toyo Ito nổi tiếng của Nhật Bản, sân vận động World Games của Đài Loan có phần mái hình dạng như con rắn uốn khúc và được bao phủ hệ thống panel mặt trời.

Năng lượng sinh ra từ các panel trên mái sẽ cung cấp điện cho toàn bộ khu vực sân vận động và còn bán một phần điện dư ra cho thành phố Cao Hùng. Đây là một trong những sân vận động đáng chú ý nhất trên thế giới.

Franco Sensi

Mới đây, Gino Zavanella tiết lộ bản thiết kế một sân vận động mới ở Rome, gọi tên là Franco Sensi, được trang bị hoàn toàn với các hệ thống panel mặt trời. Nhằm phục vụ cho các fan bóng đá Italia công trình cũng gồm cả một nhà bảo tàng bóng đá với đầy đủ tiện nghi như nhà hàng, quán bar, phòng thư giãn. Phần mái không thấm nước của sân vận động cho phép 80% ánh sáng tự nhiên đi qua.

Incheon Stadium

Populous, Heerim Architects cà Planners đã hợp tác với nhau để thiết kế xây dựng sân vận động Incheon ở Hàn Quốc chuẩn bị cho Asian Games lần thứ 17 diễn ra vào năm 2014.

Sân vận động có sức chứa đến 70.000 người và sau sự kiện thể thao công trình sẽ được cải tạo thành một sân vận động 30.000 ghế ngồi và một công viên. Đây cũng là một công trình thân thiện với môi trường với đầy đủ những yêu cầu "xanh".

Sân vận động Olympic ở Tokyo

Để chuẩn bị cho Thế vận hội 2016, thành phố Tokyo (Nhật Bản) cho xây dựng một sân vận động thân thiện với môi trường, sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời. Nhà thầu công trình cố gắng giảm bớt sử dụng những nguyên vật liệu tác hại đến hệ sinh thái.

Ngoài việc tận dụng năng lượng mặt trời, công trình còn có những không gian thi đấu lớn nhất trong lịch sử.

Sân vận động Olympic mùa đông 2014

Sân vận động chính cho Olympic Mùa đông và Paralympic Games 2014 diễn  ra ở Sochi (Nga) được thiết kế bởi Công ty Populous có sức chứa 40.000 người. Điểm độc đáo của công trình là cấu trúc bao bọc bên ngoài bằng pha lê trong mờ vào ban ngày và sống động với đủ màu sắc vào ban đêm.

Sân vận động sử dụng công nghệ vật liệu tiên tiến, các kết cấu nhẹ, sử dụng ánh sáng tự nhiên ban ngày và thông gió trời vào ban đêm. Công trình sau khi hoàn thành sẽ được coi là một trong những sân vận động thân thiện môi trường nổi bật nhất thế giới.

Sân vận động Melbourne

Công trình của Australia được xây dựng với thiết kế bền vững, mặt tiền giống như khối bong bóng khổng lồ và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2010. Sân vận động do Cox Architects thiết kế có khoảng 30.000 ghế ngồi. Vật liệu xây dựng công trình bao gồm thép và kính.

Yếu tố xanh: chiếu sáng bằng LED và sử dụng pin quang voltaic. Phần mái vòm có hệ thống hứng nước mưa và được thiết kế mở tận dụng ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm năng lượng.

Sân vận động New Meadowlands

New York Giants, New York Jets và Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) cùng hợp tác đầu tư vào công trình sân vận động New Meadowlands trở thành một trong những điểm hẹn thể thao xanh cho năm 2010. Công trình được xây dựng trên một khu đất bỏ hoang, sử dụng 40.000 tấn thép tái sử dụng, bê tông thân thiện môi trường và ghế ngồi được làm bằng chất dẻo tái sử dụng và sắt phế liệu.

Thậm chí ly, tách uống nước sử dụng trong sân vận động cũng được làm từ những chất liệu thân thiện môi trường. Và để giảm nhẹ tác hại của khí thải carbon vào môi trường, mọi loại xe sử dụng trong lúc xây dựng đều chạy bằng nhiên liệu diesel sạch

An An (tổng hợp)
.
.