Phần Lan: Phát tiền vô điều kiện cho công dân?

Thứ Sáu, 04/05/2018, 15:14
Thu nhập cơ bản toàn dân (UBI) là một mô hình an sinh xã hội mới xuất hiện trong những năm gần đây, khi một số nền kinh tế trên thế giới đạt mức thặng dư ngân sách lớn, và mức thặng dư đó lại ngày càng tăng. Phần Lan là quốc gia đầu tiên của châu Âu (và cả thế giới) thử nghiệm mô hình an sinh xã hội mới này nhằm mục tiêu xóa bỏ tình trạng người thất nghiệp, thu nhập thấp phải sống chật vật nhờ vào các khoản trợ cấp từ các quỹ phúc lợi xã hội.

Tháng 1-2017, Phần Lan bắt đầu thử nghiệm mô hình chi trả thu nhập cơ bản cho công dân. Số lượng người được tham gia thử nghiệm mô hình có giới hạn, khoảng 2.000 người trong độ tuổi từ 25 đến 58. Thời gian thử nghiệm kéo dài 2 năm. Một mô hình UBI theo đúng nghĩa là một khoản chi trả định kỳ hằng tháng hoặc năm cho mọi công dân, không kèm theo điều kiện nào cả và người nhận tiền cũng không đòi hỏi phải làm việc.

Mô hình thử nghiệm của Phần Lan không phải là UBI, bởi việc nhận thu nhập cơ bản là có điều kiện, đó là chỉ dành cho người thất nghiệp và số lượng có hạn, mặc dù khi tham gia mô hình thử nghiệm, người dân không bắt buộc phải tìm kiếm hay chấp nhận việc làm mới và nếu một người có được việc làm mới thì cũng vẫn tiếp tục được nhận thu nhập cơ bản. Đây là mô hình an sinh xã hội mới, sáng tạo nhưng chưa chứng minh được tính hiệu quả ra sao.

Tuy vậy, khi mô hình thử nghiệm được triển khai tại Phần Lan, nhiều tỉ phú giàu có trên thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ, như ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking (vừa qua đời), trùm công nghệ Elon Musk và cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Bernie Sanders. Truyền thông thế giới bắt đầu đưa tin rầm rộ, ca ngợi Phần Lan là “ngọn cờ đầu” trong việc thực hiện chính sách “phát tiền vô điều kiện” cho công dân.

Các quan chức Phần Lan và người tham gia mô hình cũng bị choáng ngợp bởi mức độ quan tâm quá mức của truyền thông. Một người tham gia chương trình than rằng anh ta không còn thời gian để chăm lo việc làm ăn riêng dựa vào số tiền nhận được do phải thường xuyên trả lời và nói chuyện với hơn 140 đài truyền hình và báo chí khắp thế giới.

Sự quan tâm thái quá của truyền thông, với bản chất “tam sao thất bổn” đã vô tình khiến cho mô hình “chi thu nhập cơ bản” của Phần Lan bị hiểu sai ý nghĩa ban đầu. Markus Kanerva, chuyên gia xã hội học làm việc trong Văn phòng Thủ tướng Phần Lan, người tham gia thiết kế mô hình, cho biết những gì báo chí mô tả hiện nay không giống với mô hình Chính phủ Phần Lan đang triển khai.

Ông Kanerva cho biết, mô hình thử nghiệm đầy đủ cần nghiên cứu các nhóm mục tiêu khác nhau chứ không chỉ có nhóm người thất nghiệp; cần thử nghiệm các mức thu nhập cơ bản khác nhau, xem xét các yếu tố tác động tại chỗ. “Đây thật sự là việc xem xét một khoản thu nhập vô điều kiện tác đông thế nào đến việc làm của những người thất nghiệp” - ông Kanerva giải thích.

Đầu tháng 4-2018, sau hơn 1 năm triển khai thử nghiệm, Chính phủ Phần Lan thông báo chưa mở rộng nhóm đối tượng thử nghiệm trong năm 2019 vì phải tiếp tục theo dõi thêm hiệu quả của nhóm thử nghiệm hiện tại.

Khi phát động cuộc thử nghiệm vào đầu năm ngoái, Chính phủ Phần Lan đặt mục tiêu giảm chi tiêu an sinh xã hội và kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp còn khá cao (hơn 8%). Ý định của mô hình là kiểm nghiệm xem khoản thu nhập vô điều kiện này có thể kích thích người ta tìm việc làm để có thêm thu nhập hay không.

Juha Jarvinen (bên phải), một trong số 2.000 người tham gia thử nghiệm mô hình “thu nhập cơ bản toàn dân” của Phần Lan.

Các chuyên gia thiết kế mô hình cho rằng, các dữ liệu thu thập trong thời gian theo dõi cuộc thử nghiệm sẽ giúp ích cho Chính phủ Phần Lan trong việc hoạch định chính sách trong tương lai. Chưa có kết luận xã hội học nào được rút ra sau 1 năm thử nghiệm nhưng các dữ liệu ban đầu cho thấy rằng khoản thu nhập vô điều kiện này đang giúp một bộ phận người thất nghiệp bớt đi tâm lý lo lắng thường trực, giúp họ có kế hoạch chăm sóc y tế tốt hơn nhờ vào khoản chi trả ổn định.

Các dữ liệu từ cuộc thử nghiệm còn có thể giúp Chính phủ Phần Lan đúc kết xây dựng những mô hình kinh tế trong tương lai.

Và Phần Lan không phải là nước đầu tiên có ý định trả lương cơ bản cho công dân. Thụy Sĩ từng có bước đi thật sự tiến tới việc áp dụng UBI. Nước này đã thiết kế một kế hoạch chi tiết trả lương cơ bản hằng tháng cho công dân, với mức 2.500 franc Thụy Sĩ mỗi người một tháng. Để đổi lại việc nhận khoản tiền UBI này, người dân Thụy Sĩ sẽ không được nhận bất cứ khoản phúc lợi xã hội nào khác.

Đây có thể được xem là một mô hình an sinh xã hội mới thay thế cho các khoản phúc lợi truyền thống. Tuy nhiên, khi vấn đề này được đưa ra trưng cầu dân ý vào tháng 6-2016, có đến 77% người dân Thụy Sĩ bác bỏ. Chính phủ và một số nghị sĩ Quốc hội Thụy Sĩ không ủng hộ chính sách lương cơ bản toàn dân này. Chính phủ Thụy Sĩ có lý do rõ ràng, đó là mỗi năm họ phải tìm kiếm 24 tỉ USD để chi cho khoản UBI này.

Còn các nghị sĩ thì cho rằng, rất may là UBI không được người dân đồng tình và nó không được áp dụng. Bởi vì nếu UBI được thông qua và áp dụng vào thực tế sẽ tạo ra một xã hội bạc nhược, ỷ lại vào thu nhập có sẵn, làm cho người thất nghiệp không mong muốn tìm kiếm việc làm, người có thu nhập thấp mất đi động lực phấn đấu vươn lên, từ đó nền kinh tế có nguy cơ lâm vào trì trệ, chậm phát triển.

Mô hình chi trả thu nhập kiểu UBI thật ra từng xuất hiện từ cách đây vài chục năm. Trong thập niên 1980, ý tưởng UBI từng được lan truyền trong giới chính trị trung tả, chủ yếu là để giải quyết các hậu quả kinh tế xã hội của thời kỳ giảm sút lao động công nghiệp do việc cơ giới hóa, tự động hóa gây ra.

Từ những quốc gia giàu có như Na Uy, Thụy Điển, Singapore hay Thụy Sĩ cho đến những vùng đô thị như Ontario (Canada), Glasgow (Scotland), Barcelona (Tây Ban Nha), và cả vùng nông thôn Kenya, UBI trở thành mô hình thu hút sự quan tâm bởi những cảnh báo thất nghiệp do tự động hóa, điện tử hóa.

Bất chấp sự phản đối của những người không ưa thích thu nhập vô điều kiện ở Thụy Sĩ, các dữ liệu thử nghiệp từ vài chục năm trước ở Alaska (Mỹ), Dauphin (Canada) đã chứng minh có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống, và nhất là không khiến người ta từ bỏ thói quen làm việc.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.