Phẫu thuật bộ ngực dài 45 cm của một nữ bệnh nhân

Chủ Nhật, 25/11/2007, 10:30
Ngày 14/11/2007, Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn và các cộng sự đã tiến hành phẫu thuật cho một nữ bệnh nhân đến từ TP Hải Dương có vú phát triển bất thường, dài tới 45 cm và nặng khoảng 3,5kg (mỗi bên).

Theo TS Trần Thiết Sơn, đây là bệnh Phyllod, còn gọi là bệnh phì đại tuyến vú, một chứng bệnh rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1/20 lần so với chứng thiểu sản tuyến vú (vú không phát triển) ở Việt Nam. Tác nhân gây nên hiện tượng này là bệnh lupus ban đỏ hệ thống (một bệnh của hệ miễn dịch).

Khi hệ miễn dịch bị rối loạn, thụ thể tiếp nhận hoóc môn giới tính của bệnh nhân tăng độ nhạy cảm lên rất nhiều lần, dẫn đến việc tuyến vú phát triển bất thường.

Nếu không phẫu thuật, đôi vú nặng sẽ kéo trọng tâm cơ thể về phía trước, về lâu dài có thể gây cong vẹo và biến dạng cột sống, nhất là các đốt sống cổ, làm giảm lượng máu lên não, kéo theo những vấn đề nghiêm trọng khác.

Trong 2 giờ rưỡi, các bác sĩ đã áp dụng phương pháp tạo hình bằng kỹ thuật Thoreck. Toàn bộ phần quầng và núm vú được ghép lên đúng vị trí để khôi phục thẩm mỹ. Để tránh khả năng tái phát, các bác sĩ cắt 1/5 tuyến vú, chỉ giữ lại một phần giúp bệnh nhân còn cơ hội có sữa trong lần sinh con tới.

Kíp phẫu thuật tiếp tục lược bỏ một phần da của mặt trước mỗi bầu vú, sau đó cuộn tròn vào bên trong (theo chiều từ dưới lên trên). Cả phần bầu vú (phần bị lao xuống dưới thắt lưng) được giữ nguyên, dịch chuyển lên đúng vị trí. Sau đó, các bác sĩ tiến hành khâu nối. Phần núm vú cũng được giữ nguyên, để đảm bảo tính thẩm mỹ và khả năng cho con bú.

Tuy nhiên, theo TS Sơn, lần phẫu thuật đầu tiên này mới chỉ tiến hành tạo hình dáng như ban đầu, về thẩm mỹ chưa thật đẹp vì toàn bộ phần vạt da ngực của bệnh nhân đã bị kéo dài biến dạng. Nếu muốn đẹp, phải thực hiện tiếp một lần phẫu thuật tạo hình nữa.

Đây là ca phẫu thuật thứ hai TS Sơn và các cộng sự áp dụng kỹ thuật Thoreck đối với bệnh nhân mắc bệnh phì đại tuyến vú. Ca đầu tiên được tiến hành vào ngày 30/8/2006, phẫu thuật cắt hai bầu vú nặng tới 8 kg (một bên 3,5 kg, một bên 4,5 kg) và dài 45 cm. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân hoàn toàn ổn định, chưa có dấu hiệu tái phát bệnh

Lê Hồng
.
.