Quan tài cho những người bị chôn sống

Thứ Tư, 29/09/2004, 11:55

Đào huyệt mộ của một phụ nữ vừa mới chôn, những kẻ trộm táo tợn không lấy được nữ trang, ngược lại bị một mẻ kinh hoàng khi thấy “xác chết” cử động rồi ngồi dậy. Chôn sống không còn là chuyện lạ, thậm chí người ta nghĩ cách chế tạo kiểu quan tài phòng khi... chôn nhầm.

Kỹ thuật cổ điển là nạn nhân có thể lắc một cái chuông để kêu cứu. Mới đây, ý tưởng này được áp dụng tại Chile, trong một nghĩa trang ở ngoại ô thủ đô Santiago.

Nếu không thích tiếng chuông, người ta sẽ giới thiệu vài kiểu khác. Chẳng hạn như kiểu quan tài do một bác sĩ Đức chế ra vào năm 1827. Nó có một cái ống thông lên mặt đất, nối với một cái loa. Nạn nhân có thể gọi cầu cứu.

Kiểu quan tài của một người Nga nghĩ  ra vào cuối thế kỷ XIX có một lá cờ. Bình thường lá cờ nằm xếp xuống, nhưng nếu người chết sống lại, người ấy có thể kéo một cái chốt để giương cờ lên.

Nhưng tài ba nhất là một người Pháp tên là Angelo Hays, cũng từng là nạn nhân bị chôn sống vào cuối những năm 30 của thế kỷ trước. Ông nghĩ ra kiểu quan tài mà người ta có thể ngồi trong đó. Nó có một tủ sách nhỏ, một tủ thức ăn, một bình oxy...  

Khi các trường hợp bị chôn sống chỉ là những người vô danh, người ta chỉ lắng nghe và nhún vai. Nhưng sẽ có chuyện nếu nạn nhân là một nhân vật nổi tiếng. Chẳng hạn như nhà triết học và thần học John Duns Scot. Scot mắc chứng tràn máu não, mỗi lần như thế ông lại hôn mê giống như chết. Cặp kè bên cạnh ông là một người hầu có nhiệm vụ thông báo cho bác sĩ về tình trạng thật sự của ông.

Một lần Duns Scot đi du lịch nước ngoài một mình. Khi ông bị lên cơn, người ta ngỡ ông đã chết và chôn cất ông. Lúc người hầu nghe được tin, anh ta hiểu ngay sai lầm bi thảm. Theo lời anh, người ta quật mồ lên và mang ra... một cái xác với 2 bàn tay cong vẹo như cành nho, móng tay bị gãy vì đã cào cấu vào thành quan tài. Sau đó ngôi mộ của Duns Scot được khắc dòng chữ: “Được chôn 1 lần, nhưng chết 2 lần”.

Những câu chuyện như thế khiến người ta rất lo sợ bị chôn sống. Vào thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, nỗi sợ hãi đó đã đến đỉnh điểm, và các bác sĩ  viết rất nhiều tác phẩm về vấn đề đó. Mục tiêu của họ là xác định các đặc điểm của một người chết để không còn xảy ra trường hợp chẩn đoán sai nào nữa, và người ta sẽ không còn chôn sống một ai đó.

Trước tiên phải lưu ý đến những dấu hiệu thông thường: ngưng thở (nếu đặt một tấm gương nhỏ ở miệng, gương sẽ không bị mờ), không còn mạch. Một số bác sĩ đề nghị giữ người chết trong nhà xác cho đến khi bắt đầu phân hủy, dấu hiệu chắc chắn của cái chết. Nhiều người lại đề nghị những phương cách để làm thức tỉnh nạn nhân bị hôn mê: dùng lông gà ngoáy vào mũi, kề vào tai hét thật to hay chà nướu răng bằng tỏi. Có người lại khuyên nên mạnh tay bằng cách dùng que sắt nung đỏ hay dao lam rạch da.

Phân biệt một người sống với kẻ chết thì cũng dễ như phân biệt ngày và đêm. Trong đa số trường hợp thì đúng như thế, nhưng ở một vài tình huống, cần phải rất thận trọng trước khi chính thức tuyên bố cái chết của một ai đó. Một vài trường hợp chấn thương sọ não, động kinh, chết đuối, bị sét đánh, điện giật, nạn nhân có thể có những dấu hiệu đã chết: tim hầu như ngừng đập, hạ thân nhiệt, không có mạch, da xanh tái. Nhất là nếu các yếu tố đó kết hợp lại, người ta dễ lầm là nạn nhân quả thật đã chết.

Trong quá khứ, khi có chiến tranh hay có dịch, cần phải chôn cất nhiều người trong thời gian rất ngắn, có thể đã xảy ra những sai lầm bi thương. Nhưng hiện nay điều này khó tái diễn. Trước tiên bởi các bác sĩ đã có những trang thiết bị mà trước đây không hề có. Các máy móc theo dõi những dấu hiệu sự sinh tồn của bệnh nhân trong phòng phẫu thuật, khoa hồi sức hay cấp cứu: điện tâm đồ, máy hô hấp, hoặc một mạch cảm biến gắn ở đầu ngón tay để kiểm tra lượng oxy trong máu. Nếu người ta chết tại nhà, bác sĩ phải xem xét các dấu hiệu như ngưng thở, mạch không có, da tái xanh, tay chân cứng...  

Còn một sự bảo vệ khác nữa, đó là thời hạn luật định trước khi đưa người chết đến nghĩa trang. Thời hạn này thường là 24 giờ. Trong thực tế, tang lễ thường kéo dài 2-3 ngày, đủ để đảm bảo rằng người chết quả thật đã... chết

Minh Luân (theo S & V Junior)
.
.