Số 13 “xui xẻo”?

Thứ Ba, 17/04/2018, 13:24
Bất cứ năm dương lịch nào cũng có ít nhất một ngày 13 Thứ sáu, nhưng với những người “sợ” con số 13, xui nhất là những năm có tới 3 lần Thứ sáu ngày 13. Tỉ như năm 2015 gần đây được coi là “năm hạn” của họ, với các ngày 13 - Thứ sáu rơi vào các tháng 2, tháng 3 và tháng 11 - tương tự các năm 2009 và 2012 trước đấy, cũng như năm 2026 trong tương lai vậy. Còn riêng năm 2018 này có 2 ngày trong tháng 4 và tháng 7.

Ai cũng biết rằng, cho dù chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của sự phát triển như vũ bão từ các ngành khoa học kỹ thuật, nhưng số 13 không được đặt cho các tầng cao ốc hay các phòng bệnh (nhất là ở Mỹ).

“Hiểm họa 13” cũng lan tới cả ngành chinh phục vũ trụ, như trường hợp của phi thuyền Apollo-13 được phóng lên hồi 13 giờ 13 phút từ đường băng số 39 (3 lần 13) và gặp sự cố hôm 13-4-1970.

Thứ sáu lại trùng với ngày 13 thì sự xui xẻo… tăng gấp đôi (!?).

Lịch sử cũng ghi nhận nhiều con số 13 “quỷ quái”. Trong truyện thần thoại Na Uy thần Lửa Loki bất ngờ xuất hiện trên bàn tiệc có 12 vị thần khác đang dùng bữa, với hệ lụy là cái chết của thần Ánh sáng Balder. Hoàng đế Pháp lừng danh Napoleon Bonaparte (1769-1821); hay Tổng thống Mỹ kỳ cựu Franklin D. Roosevelt (1882-1945), vị tổng thống duy nhất được bầu hơn 2 nhiệm kỳ trong lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng là những nhân vật rất “kiềng” con số 13.

Trong hệ số học: 12 là con số của sự hoàn thiện. Một năm có 12 tháng, có 12 vị thần Olympic, ngày có 12 giờ, thần Sức mạnh Hercules hoàn thành 12 động tác, dân Do Thái có 12 bộ tộc, hay 12 con giáp trong lịch phương Đông v.v... Trong khi 13 chỉ lớn hơn 12 một con số, có nghĩa là nó đã đứng đằng sau nấc thang hoàn thiện, ẩn chứa điều xui xẻo, không lành...

Thái tử Tây Ban Nha Alfonso XIII (trái) được đặt tên theo gợi ý từ Club 13 ở New York.

Ngày 13 mà lại là Thứ sáu, thì “sự xui xẻo” tăng gấp đôi. Thứ sáu - đó là ngày Chúa Jesus bị đóng đinh lên thánh giá; đó là ngày liên quan tới một sự “kết thúc”, chứ không phải “mở đầu”. Với “tội lỗi đầu tiên” của loài người cũng vậy, người ta cho rằng Eva đã đưa cho Adam quả táo cấm vào ngày Thứ sáu. Thứ sáu không nên làm đám cưới; không được đi xa; chuyển nhà; nhận việc; thăm trẻ mới sinh; cắt móng tay chân; hay giũ thảm(?!).

Tới cuối thế kỷ XIX tại châu Âu, người ta vẫn coi Thứ sáu là “Ngày của đao phủ” và mọi cuộc hành quyết đều diễn ra nhằm ngày này. Riêng giới hình sự học phương Tây đã liệt kê những tên hung thủ giết người hàng loạt cộm cán nhất trong lịch sử, thường có danh tính bằng... 13 chữ cái cộng lại, tiêu biểu như Jack the Ripper, John Wayne Gacy (1942-1994), Charles Manson (1934-2017), Jeffrey Dahmer (1960-1994), hay Theodore Bundy (1946-1989)...

Hôm 13-1-1882, Thứ sáu, 13 chàng trai “dũng cảm và háo danh” đã tụ tập nhau lại tại New York (Mỹ). Những kẻ “không biết sợ ai” ấy đã lập ra Club 13, với mức hội phí cả năm là 1,13 USD, mỗi tháng là 13 xu cents (1 USD = 100 cents), hay... 13 USD cả đời. Số hội viên sau 1,3 thế kỷ tồn tại của Club 13 hiện giờ đã vượt quá con số 1.300 người như “dự tính ban đầu”.

Tổng thống Mỹ F. Roosevelt vốn là người rất “kỵ” con số 13.

Những dạng câu lạc bộ “bất hạnh” tương tự cũng có cả ở London (Anh), Munich (Đức) và nhiều thành phố phương Tây khác... Trong năm 1886 Club 13 ở New York thậm chí còn thuyết phục được cả Nữ hoàng Tây Ban Nha Isabella II (1830-1904), tấn phong tước hiệu cho con trai mới sinh là Thái tử Alfonso XIII (1886-1941).

Nếu các vĩ nhân lừng lẫy còn phải kiêng cữ, e dè với con số 13, vậy chẳng có gì lạ khi xã hội cũng “bắt chước - theo gương” họ. Một cuộc thăm dò mới được tiến hành với 403 sinh viên Khoa Tâm lý học của Viện đại học Columbia ở Mỹ, cho thấy 40 người (tương đương 10%) quả quyết nếu một công việc liên quan tới con số 13 thì đó là một điều... xui(!).

Còn theo số liệu khảo sát của Hiệp hội Thống kê Hoa Kỳ (ASA), thì “bệnh dịch 13” đã làm nước Mỹ mất đi mỗi năm chừng 1 tỉ USD, do sự “cáo bệnh” không chịu đi làm, thay đổi vé tàu xe đã mua, cũng như mức tiêu thụ hàng hóa sụt giảm vào ngày 13 hằng tháng.

Thu Hường (theo The Observer)
.
.