Sống chung không hôn thú đang phổ biến ở Iran

Thứ Tư, 08/06/2016, 18:10
Bất chấp những điều luật Hồi giáo nghiêm khắc, ngày càng có nhiều cặp đôi trẻ tuổi chọn cách sống chung với nhau mà không cần hôn thú.

Tình trạng phổ biến đến mức  Mohammad Mohammadi Golpayegani - chánh văn phòng của Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei - phải phát đi thông điệp thất vọng và tuyên bố "đáng hổ thẹn cho một nam và một nữ sống chung mà không kết hôn".

Thế nhưng giới trẻ Iran dường như bỏ ngo mặc dù với nhiều người, chọn cách sống chung không hôn thú cũng chẳng phải là một lựa chọn dễ dàng!

Tạp chí Zanan dành riêng một số đặc biệt khai thác về vấn đề sống chung không hôn thú trong giới trẻ Iran hiện đại ngày nay.

Sarah, cư dân thủ đô Tehran của Iran cho biết nguyên nhân trong sự lựa chọn của mình: "Tôi quyết định sống chung với bạn trai vì muốn hiểu rõ hơn về con người anh ấy. Thật khó biết được một người như thế nào khi chỉ đi nhà hàng hay quán cà phê với nhau".

Mới đây, tạp chí Zanan của Iran đã dành trọn một số đặc biệt khai thác vấn đề này.  Người ta đánh giá giới trẻ thành thị ở Iran ngày nay không còn tôn trọng các giá trị Hồi giáo của thế hệ cha mẹ họ.

Mehrdad Darvishpour, nhà xã hội học Iran hiện đang sống ở Thụy Điển, nhận định: "Đương nhiên, sống chung không kết hôn là điều không thể chấp nhận được đối với những người Hồi giáo mộ đạo. Nhưng  giới trung lưu ở Iran bắt đầu thích kiểu sống như thế hơn là hôn nhân truyền thống. Tình dục trước hôn nhân đã không còn là điều cấm kỵ nữa".

Nhiều nhà quan sát cho rằng tỷ lệ ly hôn tăng mạnh ở Iran chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho giới trẻ ngày nay không thiết tha với hôn nhân và thậm chí gia đình cũng tán đồng theo họ.

Ở Iran, gia đình chú rể phải chịu toàn bộ chi phí cho đám cưới, họ phải trả số tiền gọi là "mahrieh" - tức là số tiền "bồi thường" cho cô dâu nếu cuộc hôn nhân bị hủy bỏ. Số tiền cưới khổng lồ có thể đẩy một người đàn ông vào vực sâu nợ nần kéo dài suốt nhiều năm sau khi ly hôn và có thể dẫn đến tù tội nếu không trả được nợ.

Đối với phụ nữ Iran, viễn cảnh một cuộc đổ vỡ cũng vô cùng ảm đạm. Luật Hồi giáo càng gây khó khăn thêm cho phụ nữ nếu họ là người đầu tiên và chủ động đề nghị ly hôn. Dĩ nhiên, cuộc sống sau này trong xã hội của một phụ nữ đã ly hôn cũng không dễ dàng gì.

Theo nữ luật sư và nhà hoạt động quyền phụ nữ Mehrangiz Kaar, vấn đề khác nữa là sống chung mà không làm thủ tục kết hôn là bất hợp pháp, và không có sự hỗ trợ pháp lý nếu như cặp đôi có chuyện gì bất ổn xảy ra. Nghĩa là, nếu phụ nữ bị xâm hại thì cô ta không thể gặp cảnh sát vì như thế thì hai người sẽ bị buộc tội ngoại tình!

Mùa hè năm nay, Siavash Shariar - lãnh đạo các vấn đề xã hội và văn hóa Văn phòng Thống đốc Tehran - thông báo kế hoạch "quảng bá sự ổn định gia đình" nhưng thời gian triển khai cụ thể  không được tuyên bố. Nhà xã hội học Mehrdad Darvishpour hoài nghi về nỗ lực sử dụng luật pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống cá nhân.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.