Thái Lan triển khai đề án “dạy ít, học nhiều”

Thứ Hai, 09/11/2015, 16:35
Có hơn 3.000 trong tổng số 38.000 trường công lập trên toàn Vương quốc Thái Lan sẽ phải cắt giảm 2 giờ học trên lớp một ngày để hưởng ứng Đề án thí điểm “Dạy ít, học nhiều” của Bộ Giáo dục trong tình hình nhiều trường có chất lượng yếu kém.

Đề án bắt đầu khởi động cuối tháng 10 vừa qua. Đây là sáng kiến của tân Bộ trưởng Giáo dục Gen  Dapong Ratanasuwan. Ông Gen khẳng định giờ học trên lớp của học sinh Thái Lan thuộc diện cao nhất trên thế giới. Học sinh tiểu học phải ngồi 1.000 giờ/năm, và học sinh trung học cơ sở là 1.200 giờ/năm, so với 800 giờ ở hầu hết các quốc gia phát triển.

Theo đề án thí điểm, các lớp học sẽ kết thúc vào lúc 2 giờ chiều hàng ngày, và 2 giờ sau đó, học sinh được phép lựa chọn các hoạt động ngoại khóa. Hoạt động ngoại khóa sẽ chia làm 3 chủ điểm: 1/Khuyến khích khả năng học tập, tiếp thu và hiểu bài; 2/Trau dồi đạo đức và hành động sống đẹp; 3/Tăng cường tính siêng năng trong lao động và kỹ năng sống.

Mỗi chủ điểm có 13 hoạt động, chẳng hạn phát triển kỹ năng tư duy và giao tiếp, hướng nghiệp - đào tạo nghề, sử dụng công nghệ và phát huy lòng tự hào dân tộc, quốc giáo (Phật giáo) và nền quân chủ.

Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan tự tin về sáng kiến của ông và nhấn mạnh ý tưởng đó không phải là một lời kêu gọi giáo viên làm việc ít đi, mà là lời kêu gọi giáo viên cần phải có trách nhiệm hơn để có chất lượng giáo dục tốt hơn.

Học sinh một trường Tiểu học Thái Lan trong giờ học thông qua hoạt đồng dã ngoại giúp nông dân gặt lúa.

Ông Amnuay Puttamee, Hiệu trưởng Trường Phyathai, một trong những cơ sở giáo dục áp dụng đề án thí điểm cho biết chưa có hướng dẫn từ Bộ Giáo dục, mặc dù chương trình đã bắt đầu triển khai thí điểm. Thiếu giáo viên và nguồn cung hoạt động ngoại khóa là những vấn đề nan giải đối với nền giáo dục Thái Lan. Ông Amnuay tỏ ra quan ngại rằng cắt giảm giờ học trên lớp sẽ làm điểm số của học sinh sa sút trong kỳ thi Giáo dục Phổ thông toàn quốc (ONET).

Giảng viên Sompong Jitradab, Khoa Giáo dục Đại học Chulalongkorn cho rằng, Bộ Giáo dục Thái Lan cần phải đưa ra khung thời gian ít nhất 8-9 tháng để các trường áp dụng chương trình cải cách thí điểm, trong đó bao gồm sự thay đổi đối với chương trình giảng dạy cũng như công tác đánh giá nó.

Trước hết, ông đề nghị giáo viên cần phải được tập huấn kỹ để hiểu khái niệm "Dạy ít, học nhiều" để tạo ra một thế hệ trẻ có thể đáp ứng nhu cầu tương lai thông qua tư duy độc lập và có khả năng tự giải quyết khó khăn. Thứ đến, Bộ Giáo dục Thái Lan cần phải thay đổi suy nghĩ đằng sau hệ thống đánh giá của họ, bởi nếu trẻ em vẫn bị áp lực thi để lấy điểm số, thật sự sẽ không có gì thay đổi.

Bà Prapat Niyom, chuyên gia giáo dục Đại học Roong Aroon cho biết, nếu Bộ Giáo dục Thái Lan muốn giảm giờ học, trước hết họ cần phải thay đổi công tác thi và xếp loại học sinh. Bà nói: "Chỉ giảm giờ học trên lớp thôi sẽ không thay đổi chất lượng giáo dục Thái Lan, bởi vì nền văn hóa học vẹt, giảng dạy độc đáo và chính sách luôn thay đổi xoèn xoẹt cũng là những vấn đề mà hệ thống giáo dục Thái Lan cần phải giải quyết ngay".

Phạm Khôi (tổng hợp)
.
.