Thang máy "thông minh"

Thứ Sáu, 30/04/2010, 11:45

Thang máy xuất hiện lần đầu vào năm 1853 do W.Otic, một cựu công nhân xây dựng người Anh tự thiết kế và lắp ráp. Nhưng lúc đó chẳng mấy ai quan tâm tới cái sáng kiến tiện dụng ấy. Vài chục năm sau, hai kỹ sư mỏ người Đức Fridrid Kope và Verner Fon Siemens đã tạo ra loại thang máy đáp ứng yêu cầu của kỹ thuật hiện đại. Tới năm 1880 thì Siemens thiết kế loại thang sử dụng động cơ chạy điện đầu tiên.

Giới kỹ sư của thế kỷ XX vừa qua chỉ còn việc lắp đặt các thiết bị điện tử và tăng vận tốc cùng sức tải đến độ người sử dụng có thể chấp nhận được, tối đa là ngang với mức "ù tai" từ những chiếc phi cơ chở khách phản lực đang cất hoặc hạ cánh. Rồi "cơn sốt" xây cất những ngôi nhà chọc trời bùng phát, đòi hỏi phải có hàng trăm buồng thang cùng hoạt động trong một tòa cao ốc "chạm mây trời" đồ sộ. Ví như tại cặp tháp đôi của Trung tâm Thương mại Quốc tế  ở New York (đã bị bọn khủng bố  đánh sập hôm 11/9/2001), có tới hơn 200 thang máy, một giờ vận chuyển được 40 ngàn nhân viên, khách hàng cũng như du khách tham quan.

Đồng thời nhiều khi thang máy hướng về các tầng, chẳng có ai đợi cả; đôi khi một anh chàng nghịch ngợm nào đó, trước khi ra khỏi cửa buồng thang đã nhấn mọi nút trên bảng điều khiển, khiến thang cứ việc "đi tuần" hết tầng này qua tầng khác, gây ra sự lãng phí không đáng có cùng các nỗi bực mình. Các kỹ sư của Hãng Fujitec (Nhật Bản) đã loại trừ các khả năng trên bằng cách đo sức nặng trên mặt sàn buồng thang (đã được dùng trong nhiều thang máy hiện đại).

Khi ở trung tâm điều độ đèn bật sáng báo hiệu thang đang trống hay chỉ có một người, lập tức chiếc thang này được cho lao thẳng xuống tầng một - nơi có nhiều người đang đợi để đi lên. Song song là các thiết bị đo độ ẩm cơ thể người, cũng như thông báo tầng nào đông người chờ nhất; đồng thời thang cũng sẽ không đến những tầng có hiệu gọi, nhưng thực ra là người gọi đã bỏ đi.

Hiện các nhà chế tạo đang tìm tòi nhằm phát kiến những kiểu thang thông minh hơn nữa, tỉ như biết được chiều thứ Sáu lượng người xuống nhiều hơn là lên; hoặc ngược lại vào sáng thứ Hai đầu tuần làm việc mới: số người cần lên luôn nhiều hơn lượng người đi xuống

X.H. (theo Discovery)
.
.