Tục quà cáp nhiêu khê ở Nhật Bản

Thứ Ba, 02/02/2016, 15:05
Hầu như cả thế giới đều biết, rằng "những kỷ vật nhỏ bé củng cố thêm tình bạn và giá cả không là vấn đề, nếu như chúng được trao "chân thành từ trái tim". Nhưng phong tục của người dân xứ Phù Tang lại hầu như cải chính tiêu chí trên. Với những tập tục được quy định khắt khe, tuy rằng việc tặng quà một cách thành tâm không phải là điều ngoại lệ ở đất nước này và hầu như mang tính tập thể thì đúng hơn.


Của cho quan trọng không kém cách cho

Với vẻ mệt mỏi, cô thư ký Yumiko thở hắt ra. Từ vài ngày nay, sau những giờ làm việc ở công sở, cô phải mất thêm nhiều tiếng đồng hồ nữa trong các siêu thị tổng hợp. Cùng với hàng chục triệu người Nhật khác Yumiko cũng phải mất thời gian, tiền bạc và năng lượng bởi phải chen lấn, và chịu sự ngột ngạt với những hóa đơn tính tiền gồm 3 bản, để mua… tặng phẩm. May mà giới nhân viên bán hàng khắp mọi nơi đều rất lịch thiệp, còn nguồn vật phẩm thì nhiều… vô thiên lủng.

Nhưng Yumiko cần phải nhanh chân lên để trở về nhà trên những toa tàu điện ngầm chật cứng, chăm sóc con cái và chuẩn bị bữa tối cũng như gặp gỡ người chồng. Ơn Chúa nếu như anh ấy kịp trở về trước lúc nửa đêm.

Quảng bá quà tặng nhân lễ Oseibo đầu năm.

"Cuộc sống - Yumiko lại thở hắt ra - không phải lúc nào cũng hào nhoáng như tặng phẩm cả".

Hầu như cả thế giới đều biết, rằng "những kỷ vật nhỏ bé củng cố thêm tình bạn và giá cả không là vấn đề, nếu như chúng được trao "chân thành từ trái tim". Nhưng phong tục của người dân xứ Phù Tang lại hầu như cải chính tiêu chí trên. Với những tập tục được quy định khắt khe, tuy rằng việc tặng quà một cách thành tâm không phải là điều ngoại lệ ở đất nước này và hầu như mang tính tập thể thì đúng hơn.

Để tặng được món quà mong đợi đúng lúc và đúng người còn là một điều gì đó hơn cả tập quán truyền thống. Đây là nghĩa vụ nghề nghiệp cũng như trách nhiệm xã hội, không ai có thể chối bỏ thứ tập tục ấy. Theo thống kê thì 34 triệu gia đình Nhật Bản luôn tuân thủ tục tặng quà đều đặn 2 lần mỗi năm cho đến hết đời; và một điều mà ai cũng biết, rằng người Nhật là một sắc dân bất di bất dịch trong việc thực hiện các nghĩa vụ truyền thống.

Quà cáp thường là những đồ ăn thức uống hay dụng cụ sinh hoạt hàng ngày. Người ta tặng quà nhau từ thấp lên cao tùy theo vị trí của mình trong thang bậc xã hội. Những gói quà ấy khẳng định tư thế, địa vị của những nhóm người khác nhau, cũng như lòng kính trọng theo chuẩn mực phong kiến, nghĩa vụ với người lãnh đạo, thợ cả, hay người trung gian… Quà cáp được trao đổi giữa các hãng với nhau, rồi được dùng làm tặng phẩm cho giới khách hàng quan trọng v.v… Nghi thức tặng quà tuân thủ theo đúng nghĩa vụ nghề nghiệp và xã hội, luôn giúp cho sự thành đạt tiếp nối.

Không một nhà buôn bản xứ hay các hãng sản xuất ngoại quốc nào phàn nàn về thứ tập tục bất thành văn "tặng quà nhau" cả. Thực ra, nếu thiếu cái phong tục truyền đời này thì tỷ trọng thương mại của họ trên thị trường Nhật Bản thật là không đáng kể, cán cân buôn bán sẽ mất đi tính quân bình cố hữu ngay.

Các hãng rượu, mỹ phẩm và thuốc lá của phương Tây luôn là những tặng phẩm dạng "De Luxe", được đánh giá không chỉ theo trị giá hàng hóa, mà còn vì tính "hữu hiệu" của vật được tặng nữa. Đa phần các quà tặng ấy sẽ biến ngay thành món đồ tiêu dùng được ưa thích, còn bao gói đựng chúng được xếp ngăn nắp trên các ngăn kệ ở phòng khách và được lau bụi thường xuyên… Đã hình thành cái quan niệm lâu nay rằng số chai, hộp rượu và vỏ hộp thuốc lá ngoại càng nhiều, thì chủ nhân càng được… trọng vọng(!).

Trong ngày lễ Obon.

Người dân Pháp, Anh hay Mỹ thường rất đỗi kinh ngạc khi thấy các nhóm du khách Nhật Bản xúm đen xúm đỏ quanh các quầy hàng dạng sang trọng. Nhưng xin chớ nghĩ rằng người Nhật ham dùng những thứ đồ xa xỉ ấy, mà đơn giản hơn là họ mua để làm quà tặng khi có dịp, bởi giá cả của chúng rẻ hơn rất nhiều so với ở Tokyo do đánh thuế cao. Ta hãy nghe cô Yumiko giải thích về những món quà mà chồng cô thường đem từ nước ngoài về: "Đồ uống dành cho các bosu - sếp, còn thuốc lá - cho đồng nghiệp. Đó là điều bất di bất dịch". Thế còn mỹ phẩm? "Đôi khi anh ấy tặng tôi, nhưng nhiều lúc dành để làm quà cho vợ một bosu nào đấy cần thiết cho công việc của anh ấy".

Cứ 2 lần trong một năm: cuối năm là lễ Oseibo và đến mùa hè là lễ Ochugen, với thời gian chênh nhau 6 tháng một, người Nhật lại tất bật với những món quà phải tặng của mình.

Tặng phẩm được tặng cho những người có địa vị xã hội cao hơn, chứ không bao giờ ngược lại. Mức độ cũng như giá cả của vật phẩm phụ thuộc trước hết vào đẳng cấp, thứ đến mới là tuổi tác. Trị giá món quà có thể từ vài nghìn cho đến hàng trăm nghìn yên. Không chỉ giới lãnh đạo các xí nghiệp, hay công sở mới là mục đích tặng quà trong các dịp lễ nói trên; cha mẹ, bạn bè, bạn hàng, thầy cô giáo… và nhất là người đã mai mối đem lại hạnh phúc cho cặp vợ chồng cũng được nhận quà. Nói tóm lại, tất cả những ai có liên quan trong cuộc đời của một người Nhật, đều có tên trong danh sách tặng quà cho nhau.

Bên kiếm lợi nhiều nhất trong tập tục quà cáp nhiêu khê này là các cửa hàng lớn và giới cung cấp các tặng phẩm. Cứ tháng 7 và tháng 12 hằng năm, lợi tức của các cơ sở này  luôn tăng đột biến. Mỗi một tập tục đều có một quy tắc bất thành văn nào đó và trong thực tế là các quy ước ấy luôn phối hợp đồng bộ với hủ tục. Tại Nhật đang thịnh hành thứ nghệ thuật bắt chước người ngoại quốc, lẽ dĩ nhiên mỗi dịp lễ lạt đều khiến các cơ sở kinh doanh hốt bạc.

Thị trường chợ đen bán lại… tặng vật

Chỉ một con số cũng nói lên sự ràng buộc khăng khít giữa kinh doanh và tập tục: các cuộc thăm dò cho thấy, các siêu thị lớn đạt tới 40% tổng doanh thu hàng năm chỉ trong hai kỳ lễ hội ngắn ngủi Oseibo và Ochugen. Chúng ta có thể tưởng tượng ra lượng người mua sắm khổng lồ tràn ngập những nơi ấy như thế nào.

Bên ngoài một siêu thị bán hàng chính giá lẫn quà ủy thác - ký gửi.

Nhưng cũng song song tồn tại một thị trường chợ đen về quà cáp. Nhiều người - giữ những ghế quan trọng mang tính "chiến lược" - nhận được hàng chục gói quà mỗi dịp và họ luôn tìm kiếm khả năng: hoặc là trao đổi, hoặc là bán chúng đi. Tất cả mọi người, kể cả cơ quan thuế vụ đều biết chuyện này, nhưng họ hầu như nhắm mắt làm ngơ bởi việc tôn trọng các tập tục luôn là nghĩa vụ mà.

"Nào, Yumiko, lễ Oseibo sắp qua và bạn sẽ được nghỉ ngơi. Trong suốt 6 tháng tới sẽ không phải lo quà cáp gì nữa". Nghe vậy cô thư ký Yukimo lại giải thích: "Người nước ngoài hẳn có thể sẽ không hiểu nổi, nhưng đã là người Nhật thì phải tuân thủ "luật chơi" truyền đời". Đến lễ Obon (tưởng nhớ người quá cố) vào giữa tháng 7 thường niên Yumiko sẽ xin nghỉ vài ngày phép về với cha mẹ chồng trên đảo Hokkaido. Cô  lên đường với cả đống quà. "Tặng quà cho người chết là một điều tốt, nhưng chớ nên quên cả những người đang sống nữa đấy", Yumiko cho biết.

Có nghĩa là 8 gói quà. Số quà tương tự cũng được dành ra khi vợ chồng cô ghé thăm bên ngoại. Lễ Obon diễn ra trong tháng 7 sau lễ Ochugen chút ít, còn ngay sau lễ Oseibo là lễ mừng năm mới. Thế là cũng phải sửa soạn thêm "ngoài kế hoạch" một lượng quà cáp không nhỏ nữa.

Rồi thì quà đám cưới, sinh nở, đầy tháng, thôi nôi, tân gia, tất niên, tân niên… nhưng trong các dịp này dạng "phong bì chứa tiền" tiện dụng cũng thường được chấp nhận. Song song là Okaeshi (lễ lạy chủ) thường xảy ra 1-2 lần trong tháng, với tính chất người được tặng quà tặng lại người cho quà, cùng số quà tương đương phân nửa trị giá gói quà trước - dạng "có đi có lại". Okaeshi thường chỉ diễn ra trong vòng thân bằng quyến thuộc và hàng xóm kề cận.

Đó là cuộc sống đã được xếp đặt trong năm của bất cứ người Nhật nào từ ngày 1-1 đến ngày 31-12 hằng năm, với những tập tục rối rắm và nhiêu khê phải phục tùng vô điều kiện, không được nhầm lẫn cũng như sai sót: giá cả, cách cúi người và… độ cúi thấp khi trao quà tặng, phục sức ăn mặc, đi đứng ra sao…

Tất cả những điều luật bất thành văn ấy đều có đầy đủ trong các cuốn sách "Cẩm nang đời sống", dạy mọi người cách cư xử trong xã hội từ khi lọt lòng tới lúc lìa đời. Những đầu sách chuyên đề ấy luôn được liệt vào dạng bán chạy nhất ở đất nước Mặt trời mọc với hàng chục triệu bản bán ra mỗi năm song song với… số quà cáp tương ứng đầy nỗi nhiêu khê bất khả kháng,

Kim Dung (tổng hợp)
.
.