Các công trình của Vatican được “khoác áo” làm từ sữa bò

Thứ Ba, 13/02/2018, 11:34
Bảo tàng Vatican - tọa lạc tại Viale Vaticano, thủ đô Rome của Italy - là một trong những bảo tàng lớn nhất trên thế giới. Nơi đây trưng bày vô số tác phẩm nghệ thuật quý giá có nguồn gốc từ các bộ sưu tập lớn được Giáo hội Công giáo La Mã tạo dựng trong suốt nhiều thế kỷ.


Phần lớn các tác phẩm quý giá nhất lại được cất giữ tại tòa dinh thự Belvedere, công trình có từ năm 1484 và điều độc đáo là tòa lâu đài cổ kính này vừa được phủ một lớp sơn mới làm từ sữa bò.

Dinh Belvedere, được xây dựng từ năm 1484 và hiện lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật quý giá của Viện Bảo tàng Vatican.

Vitale Zanchettin, kiến trúc sư trưởng của Vatican, cho biết, hỗn hợp sơn từ thời cổ xưa này đã chứng minh có khả năng tồn tại lâu hơn các loại sơn tổng hợp hiện đại. "Đôi khi các công thức cũ lại là các công thức tốt nhất. Chúng tôi không lưu luyến quá khứ. Điều quan trọng khiến chúng tôi thấy rằng, giải pháp này cho kết quả tốt hơn hết vì đã được thử nghiệm và kiểm chứng qua thời gian".

Hỗn hợp sữa bò tươi pha màu sơn dầu dùng cho tranh họa hay vôi tôi dùng để sơn phủ các công trình xây dựng bền dai hơn bất cứ loại sơn nhân tạo nào được pha chế theo kỹ thuật hiện đại. Ông đưa ra ví dụ hai bức tranh của danh họa Rafael được thực hiện nhờ kỹ thuật này và sau 500 năm vẫn còn ở trong tình trạng hoàn hảo.

Và người ta đã dùng loại sữa bò nào? Không phải là sữa từ những nông trại chăn nuôi bò trên khắp Italy hay Châu Âu mà phải là thứ sữa được cung cấp từ nông trại của Giáo hoàng Francis thuộc khu dinh thự Castel Gondolfo, nằm cách thủ đô Rome khoảng 25 km về phía đông nam.

Rất nhiều người chưa biết đây là vùng đất nông nghiệp rộng 25 hecta và khu đất này được các giáo hoàng mua từ năm 1929 vừa nhằm mục đích tăng gia trồng trọt, cung cấp nông phẩm cho Tòa Thánh, vừa để nói lên sự gắn bó của Giáo hội Công giáo với vùng nông thôn. Từ đó, đây là nơi cung cấp các thực phẩm tươi cho Tòa Thánh: rau cỏ, trái cây, rau thơm, sữa bò, sữa chua, trứng, gia cầm và tất cả các chế phẩm nông nghiệp khác. Nông trại hiện có 80 con bò, mỗi ngày chúng cung cấp gần 800 lít sữa.

Những bức tượng đá trong khu vườn Vatican.

Dĩ nhiên việc Giáo hoàng Francis đặt tầm quan trọng vào môi sinh đã hướng đến việc dùng sữa từ nông trại Vatican để góp phần vào việc sửa chữa, tu bổ các tòa lâu đài, dinh thự của Giáo hội. Sữa bò được trộn với vôi tôi và các màu tự nhiên để tạo ra hỗn hợp sơn độc đáo này. Khi trùng tu lớp sơn của dinh thự Belvedere, màu trắng ngà nguyên thủy của công trình được giữ nguyên.

Quá trình sơn được thực hiện theo phương pháp thủ công và áp dụng kỹ thuật có từ bao nhiêu thế kỷ qua. Barbara Jatta, Giám đốc của Bảo tàng Vatican, cho biết: "Chúng tôi thực sự cố gắng áp dụng các biện pháp không xâm phạm tới môi trường cũng như không gây hại tới con người". Theo ông Zanchettin, Tòa thánh ưu tiên chọn nhân công dù chi phí đắt đỏ, một phần vì công việc cần những kỹ thuật tỉ mỉ và kinh nghiệm mà máy móc chưa thể đảm nhiệm khi nói: "Trả tiền cho con người tốt hơn là cho máy móc".

Khoảng 100 nhân viên của Bảo tàng Vatican liên tục bảo dưỡng các tác phẩm lẫn công trình cổ để đón 6 triệu du khách tham quan mỗi năm.

Đây không phải là lần đầu tiên Vatican dùng các phương pháp tự nhiên để tu bổ các công trình của mình. Từ lâu các nhà khoa học đã áp dụng các công thức, bí quyết từ thời cổ xưa để dùng tinh dầu thảo mộc trong việc rửa và bảo quản 570 bức tượng cùng các tác phẩm nghệ thuật bằng đá cẩm thạch khác trong khu vườn Vatican rộng đến 22 hecta.

Qua thời gian, những bức tượng đá đã gặp rất nhiều vấn đề vì các loài cây có khi tuổi đời lên đến trăm năm tuy là mảng xanh quý giá nhưng cũng góp phần làm hư hỏng các bức tượng vì nấm, vi trùng sinh trưởng trong môi trường tấn công.

Từ cuối năm 2014, 570 tác phẩm nghệ thuật bắt đầu được phục chế cũng theo mục đích vì môi sinh. Các nhà phục chế đã chia sẻ kinh nghiệm của họ trong một hội thảo quốc tế được tổ chức tại Vatican vào tháng 10-2017. Dùng chất biocide chiết xuất từ lá hương thảo và lá húng tây (thym) - các loại dầu tự nhiên của đảo Sicily - là công việc của phân bộ nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII, Phòng thí nghiệm bảo tồn - khôi phục đá hoa cương và các khuôn đúc cùng phân bộ kỹ thuật của Viện Bảo tàng Vatican đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Kỹ thuật này vừa ngăn chặn được sự thoái hóa của các bức tượng cẩm thạch, giúp chúng có thể trường tồn trong thiên nhiên qua bao nhiêu thời gian vừa không làm phương hại đến sức khỏe của những người làm việc với chất này.

H.T. (theo CNN)
.
.