Người “chớp hồn” những khoảnh khắc nhân gian

Thứ Ba, 09/11/2004, 09:44

Hoàng Kim Đáng là một trong số không nhiều nghệ sĩ cầm máy chớp được những bức ảnh để đời mang đậm dấu ấn lịch sử. Và cũng ít người như ông, bằng tài nghệ chụp chân dung mà được các bậc văn nhân như Nguyễn Tuân, Tào Mạt xem là kẻ ân tình, tri kỷ.

Nguyễn Tuân trước khi mất, đã để lại di bút rằng: “Nếu tôi còn trẻ tráng, sẽ xin vui lòng đi theo cầm ống ảnh của anh Hoàng Kim Đáng...”. Lạc vào căn gác nhỏ nơi dành để tiếp khách, và cũng là chốn mà Hoàng Kim Đáng đắm mình trong đó kể từ ngày nghỉ chế độ ở Vụ Văn nghệ, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, là lạc vào một thế giới sáng rực bởi vô số màu sắc, và chật chội bởi bộn bề những ảnh. Tựa như không gian và thời gian tụ về hết nơi đây để ngưng đọng lại trong từng khoảnh khắc bất chợt của những bức ảnh mà người nghệ sĩ đã dày công thể hiện. Những sự kiện lịch sử, những địa danh hữu tình, những cái đẹp thăng hoa của cuộc sống…, tất cả như muốn cùng chủ nhân phơi bày cái vốn liếng giàu có, đồ sộ của một kho ảnh quý giá. Hoàng Kim Đáng đang chuẩn bị cho khoảng 10 tập sách ảnh ra mắt bạn đọc...

Nghe Hoàng Kim Đáng say sưa giới thiệu, kể về dự định của những tập sách ảnh, và tận mắt nhìn hàng đống tư liệu bằng ảnh xếp ngút mắt trên bàn làm việc và bày biện la liệt giữa sàn nhà mà lo xa cho cái sự rất có thể lẫn lộn giữa tập sách này sang cuốn sách nọ của người già. Nói vậy để thấy rằng ở tuổi 65, ông như một lão nông tri điền chạy đua hết tốc lực với thời gian để kịp cho ra đời những bộ sách ảnh mà ông hằng ấp ủ mấy chục năm nay. Những bộ sách ấy là những đứa con tinh thần Hoàng Kim Đáng trao gửi với niềm mong mỏi chúng sẽ là tác phẩm để đời, là danh dự của một nghệ sĩ nhiếp ảnh trọn một đời đam mê như ông.

Thực ra, Hoàng Kim Đáng không bắt đầu sự nghiệp của mình bằng nghệ thuật nhiếp ảnh. Sinh ra ở Hưng Yên, vốn làm nghề “gõ đầu trẻ”, năm 1965, Hoàng Kim Đáng lên đường nhập ngũ và chiến đấu suốt gần 10 năm ở chiến trường miền Nam. Lẽ ra, trong 10 năm ấy, ông đã ra quân sớm hơn nếu như không nằng nặc đòi trở lại chiến trường sau lần bị thương nặng vào năm 1976.

Ra viện, xung phong trở lại tuyến lửa, ông từ giã cây súng để làm một phóng viên xông pha với những bài báo nóng hổi tin tức chiến sự. Hoàng Kim Đáng chính là một trong năm người đầu tiên hình thành tờ báo Trường Sơn của Bộ Tư lệnh 559. Chính 10 năm ở Trường Sơn, gắn bó đến thân thuộc những nẻo đường trên tuyến đường mòn đánh Mỹ mang tên Hồ Chí Minh, Hoàng Kim Đáng đã để lại nhiều bộ ảnh quý giá mà ông chớp được những khoảnh khắc lịch sử của cuộc chiến ác liệt. Ông là tác giả của hàng ngàn bức ảnh Trường Sơn.

Một con người mà dù ở cương vị nào, công việc nào cũng hết lòng tận tụy, Hoàng Kim Đáng được ví như con ong thợ cần mẫn, vắt kiệt mình cho đời. Nhưng, chỉ khi đến với ảnh, ông mới thực sự tìm thấy mảnh đất của chính mình. Không được học hành, đào tạo bài bản về ảnh, nhưng những gì mà ông làm được với 4 triển lãm ảnh cá nhân và hàng chục cuốn sách cùng với nhiều danh hiệu, giải thưởng để lại cho đời thật đáng cho bậc hậu sinh phải kính nể.

Năm 1974, khi chuyển ngành ra Hà Nội làm ở báo Văn Nghệ, ông bàn giao lại hàng ngàn bức ảnh chiến trường cho Bộ tư lệnh Trường Sơn. Và, những bức ảnh như: Đường Hồ Chí Minh trong chiến dịch, Hành quân qua Trường Sơn đầy chất sử thi hùng tráng ghi lại những khoảnh khắc có một không hai của lịch sử ông chụp cách đây hơn 30 năm sẽ là những tác phẩm quý giá trong cuốn sách ảnh đồ sộ và sang trọng về Trường Sơn sắp xuất bản.

Trở thành một nhiếp ảnh gia có tiếng của Trường Sơn, nhưng tên tuổi Hoàng Kim Đáng thực sự đọng lại trong đời sống văn chương và trong cuộc sống của các bậc văn nhân tiền bối lại là những bức chân dung chụp các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Trong số đó phải kể đến Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Tào Mạt với những bức chân dung ông dày công chờ đợi chỉ để chớp lấy linh hồn của nhân vật mình thể hiện vụt hiện lên trong một khoảnh khắc. --PageBreak--

Là một người kỹ lưỡng và nghiêm túc trong công việc, khi được tòa soạn giao chụp ảnh về cụ Nguyễn Tuân, Hoàng Kim Đáng đã đọc bằng hết những tác phẩm của cụ Nguyễn để thấu hiểu con người mà ông sẽ thể hiện qua những bức ảnh. Khoảnh khắc để làm nên bức chân dung Nguyễn Tuân được nhà văn Tô Hoài nhắc đến trong Cát bụi chân ai là “rất Nguyễn Tuân”, sau này được cụ Nguyễn chọn là bức chân dung ưng ý nhất để in vào các tuyển tập tác phẩm của mình, hay các bài trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước.

Để chụp được bức chân dung ấy Hoàng Kim Đáng phải mai phục và chờ đợi khoảnh khắc cụ Nguyễn bộc lộ tính cách hết mình. Và rồi thời khắc vàng của một nhà nhiếp ảnh biết kiên tâm đã đến khi cụ Nguyễn bước vào tòa soạn báo Văn nghệ. Mọi người ở đây được Hoàng Kim Đáng dặn trước, khi nào cụ Nguyễn đến thì hãy nhắc tới một tác giả mà cụ vốn ghét cay, ghét đắng. Quả nhiên vừa nghe người khác khen kẻ cụ Nguyễn coi thường, cụ Nguyễn bèn nổi đóa. Đúng lúc ấy, Hoàng Kim Đáng bấm máy ảnh.

Nhà văn Nguyễn Tuân (phải) và nhà văn Nguyễn Văn Bổng trên nông trường Sông Bôi -Hoà Bình (1983).
Ngay cả bức chân dung cụ Nguyễn với mái tóc bắt nắng bạc trắng và chiếc đầu ba tong cũng bạc lên ánh nắng trời khá nổi tiếng của Hoàng Kim Đáng cũng được ông chụp rất kỳ công. Hoàng Kim Đáng không bao giờ vội vàng với những bức ảnh chân dung. Sự chờ đợi của ông là quá kiên nhẫn và kỹ lưỡng. Bức ảnh ấy Hoàng Kim Đáng chớp được đúng vào lúc cụ Nguyễn đi dự Hội nghị Nhà văn ở Đồ Sơn, Hải Phòng năm 1983.

Đang lúc uống rượu say khật khưỡng, cụ Nguyễn bước xuống sân và gặp nhà văn Bùi Hiển đứng tán chuyện với cô Hiền, con gái nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cụ Nguyễn giương mắt dứ dứ chiếc ba tong vào Bùi Hiển và quát: “Này anh Bùi Hiển, cô Hiền là con gái của bạn chúng ta đấy nhé”. Nói rồi ông khà khật bước đi, gương mặt đẫm men nồng ngà ngật trong ánh chiều. Đúng vào lúc cụ Nguyễn bước đến cây phượng vĩ, toàn bộ bóng nắng hắt lên mái tóc bạc trắng và gương mặt cụ đang mỉm nụ cười khinh bạc, chiếc đầu ba-tong nhô lên ngang tầm mặt cụ Nguyễn bắt nắng bạc sáng lên trong chiều, Hoàng Kim đáng đã chớp lấy khoảnh khắc ấy. Cả hai bức ảnh Nguyễn Tuân yêu thích nhất đều được chụp vào lúc cụ không hề hay biết. Sau này Nguyễn Tuân nói vui: “Đáng ơi! Chú mày giỏi lừa nhỉ. Chú mày 'chụp' được lắm”.

Có một bậc tao nhân nữa mà Hoàng Kim Đáng gặp gỡ và gắn bó từ ngày còn ở chiến trường, và là người bạn tri ân, tri kỷ của gia đình ông, chính là ông “vua chèo” Tào Mạt. Nhắc đến Tào Mạt những ngày cuối đời, Hoàng Kim Đáng rưng rưng nước mắt khi nhớ về những ân tình giữa hai người. “Khi Tào mạt đã bệnh trọng, thi thoảng ông lại nhắn tôi, chủ nhật này vợ chồng chú đi chợ mua những thức này về để Tào Mạt đến tự tay vào bếp làm món ăn nhé”. Đã nói là đến, Tào Mạt lọ mọ tới nhà bạn để nấu ăn. Nhưng ngồi vào bàn được dăm phút, nhấp mềm môi chén rượu từ tay bạn, Tào Mạt như quên hết mọi chuyện. Ông lại cuốn bạn mình vào câu chuyện hát chèo mà ông mê đắm. Rồi ông vừa nói, vừa hát, tay này cầm chén rượu, tay kia xoè những ngón thô sần hình nan quạt nhưng mềm và dẻo như chiếc quạt múa của diễn viên chèo, cứ thế vừa múa, vừa hát. Mãi đến khi xế bóng, vợ Hoàng Kim Đáng bưng mâm lên, Tào Mạt mới vỗ trán: “Tao nói là đến để nấu ăn cơ mà”. Chính những khoảnh khắc Tào Mạt như người lên đồng, Hoàng Kim Đáng đã chớp lấy để thành những bức chân dung tuyệt kỹ.

Đó là những thời khắc thấm đẫm những kỷ niệm với những người bạn mà Hoàng Kim Đáng trân trọng và ngưỡng mộ. Bây giờ, chỉ còn dăm năm nữa là bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, cuộc sống bắt đầu đo đếm tháng ngày thì Hoàng Kim Đáng như vội vã, và sợ thời gian không đủ để ông hoàn thành khoảng 10 cuốn sách ảnh công phu và dày dặn. Độc giả cả nước đã từng biết Hoàng Kim Đáng trong bộ sách Hồ Gươm, thì tới đây sẽ được chiêm ngưỡng bộ sách đồ sộ Đường mòn Hồ Chí Minh, dày 400 trang, in 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp với dự kiến chi phí đến hàng trăm triệu đồng và cuốn Thăng Long Hà Nội, tuyển các tác phẩm ảnh về Hà Nội từ 1896 đến hết thế kỷ XX, Một thế kỷ nhiếp ảnh Việt Nam...

Hoàng Kim Đáng là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh vinh dự vừa được tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Trong căn phòng chật chội bởi ảnh, ông hối hả làm việc, hối hả với những dự định chưa hoàn thành. Ông nói: “Lạy giời cho tôi sống đến 70 tuổi, để tôi làm nốt mấy cuốn sách cả đời ấp ủ, xong xuôi sẵn sàng xếp nghiên bút đi cùng giời”

.
.