Pháp: Vì sao nữ Bộ trưởng Tư pháp Rachida Dati bị thất sủng?

Thứ Bảy, 28/03/2009, 10:05
Từ đầu năm 2009 đến nay, râm ran trong dư luận và xuất hiện trên một số phương tiện truyền thông ở Pháp thông tin và tin đồn về việc Bộ trưởng Tư pháp Rachida Dati bị thất sủng. Nhiều người còn dự đoán như "đinh đóng cột" thời điểm mà bà Dati phải rời bỏ chiếc ghế Bộ trưởng Tư pháp là vào cuối tháng 5/2009.

Nếu quả là sự thật thì đây là vị bộ trưởng đầu tiên thuộc nhóm bộ trưởng thân cận với Tổng thống Nicolas Sarkozy (mà giới truyền thông gọi là nhóm G7) phải sớm rời bỏ chức vụ.

Ngay cả Tổng thống Sarkozy, vốn được xem là người bảo trợ cho bà Dati, cũng truyên bố bóng gió rằng bà Dati phải rời bỏ chiếc ghế Bộ trưởng Tư pháp để tham gia tranh cử chức vụ đại biểu Quốc hội châu Âu với tư cách là đại diện của đảng Liên minh vì Phong trào quần chúng (UMP) đang cầm quyền tại Pháp.

Tuy nhiên nhiều người cho rằng, đây chỉ là cách thức để cách chức bà Dati của ông Sarkozy vì hoạt động không hiệu quả của bà trên cương vị người đứng đầu ngành tư pháp và cả vì những vấn đề liên quan đến cuộc sống riêng tư của bà.

Bà Rachida Dati sinh ngày 27/11/1965 trong một gia đình người Bắc Phi di cư đến Pháp vào thập niên 50 thế kỷ trước. Ngay từ nhỏ, bà đã phải lao động vất vả để mưu sinh và cũng để phụ giúp gia đình. Bà là tấm gương phấn đấu bền bỉ trong học tập và cả lao động để thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Bà từng làm y tá vào năm mới 16 tuổi, làm kế toán tại Tập đoàn Dầu khí Elf Aquitaine, làm cố vấn cho Tập đoàn Viễn thông Matra Nortel, làm cố vấn kỹ thuật cho Bộ Giáo dục... Năm 1997, bà theo học tại Học viện Thẩm phán quốc gia và khi tốt nghiệp vào năm 1999 bắt đầu làm việc trong ngành tòa án.

Năm 2002, bà trở thành cố vấn về lĩnh vực bài trừ tội phạm cho ông Sarkozy khi ông này còn làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 2006, bà rời bỏ đảng Xã hội để gia nhập đảng UMP và đến tháng 1/2007 trở thành phát ngôn viên của ông Sarkozy khi ông này được đảng UMP chỉ định làm ứng cử viên tham gia cuộc tranh cử chức vụ tổng thống Pháp vào tháng 4/2007.

Sau khi ông Sarkozy trở thành Tổng thống vào tháng 5/2007, bà Dati được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp. Vậy mà mới đây, vào ngày 23/2/2009, ông Sarkozy đã "phũ phàng" tuyên bố là chậm nhất vào tháng 5/2009 bà Dati phải rời Bộ Tư pháp để tham gia tranh cử chiếc ghế đại biểu Quốc hội châu Âu.

Theo nhận định của giới chuyên môn, có ba nguyên nhân chính đã đưa đến việc bà Dati bị thất sủng. Thứ nhất là hoạt động chuyên môn không hiệu quả. Khi giao cho bà Dati chiếc ghế Bộ trưởng Tư pháp, Tổng thống Sarkozy cũng giao cho bà Dati nhiệm vụ cải tiến hoạt động tư pháp nhất là trong lĩnh vực xét xử và giam giữ.

Nhưng dường như bà Dati chỉ quan tâm đến việc đánh bóng tên tuổi bằng việc tỏ rõ quyền uy hơn là tham khảo ý kiến của các thẩm phán, công tố viên, luật sư và chuyên gia tư pháp nhằm đẩy mạnh việc cải cách hoạt động tư pháp tại Pháp.

Hậu quả là vào tháng 10/2008 đã xảy ra hàng loạt các cuộc xuống đường của hàng ngàn thẩm phán, công tố viên, chuyên gia tư pháp để phản đối "cung cách điều hành không hiệu quả, chuyên quyền, thiếu dân chủ trong ngành tư pháp" của bà Dati.

Tiếp theo là đe dọa đình công của hàng chục ngàn quản giáo và giám thị trại giam về sự quá tải trong công tác giam giữ phạm nhân tại các nhà tù ở Pháp và là nguyên nhân khiến 91 phạm nhân đã tự tử trong năm 2008, tăng 18% so với năm 2007.

Cuối cùng đích thân Tổng thống Sarkozy phải gặp gỡ với đại diện thẩm phán, công tố viên, chuyên gia tư pháp và đại diện quản giáo, giám thị trại giam để giải quyết các tồn tại. Việc làm này của người đứng đầu Nhà nước Pháp cho thấy ông đã giảm tin tưởng vào năng lực làm việc của bà Dati.

Nguyên nhân thứ hai là từ mối quan hệ giữa bà Dati và cựu đệ nhất phu nhân Cécilia Sarkozy và đệ nhất phu nhân hiện nay là Carla Bruni. Bà Dati vốn có quan hệ mật thiết với bà Cécilia khi bà này còn là vợ chính thức của ông Sarkozy. Bà Dati từng tuyên bố với báo giới rằng bà Cécilia là "chị gái của tôi".

Bà Dati thường xuyên xuất hiện như hình với bóng với cặp Sarkozy-Cécilia ở bất cứ nơi nào, từ các buổi tiệc tùng cho đến những chuyến nghỉ mát, du lịch trong nước và nước ngoài. Nhiều người còn cho rằng chính bà Cécilia đã tác động tích cực để ông Sarkozy bổ nhiệm bà Dati vào chức vụ Bộ trưởng Tư pháp.

Tuy nhiên, điều mà bà Dati không ngờ là việc bà Cécilia lại sớm chia tay với ông Sarkozy vào cuối năm 2007 và người thay thế bà Cécilia chính là bà Carla Bruni, nhân vật mà trước đó bà Dati từng chỉ trích về lối sống tai tiếng cá nhân của bà này.

Khi trở thành đệ nhất phu nhân, bà Carla đã nói thẳng với bà Dati rằng không nên tùy tiện đến Điện Élysées nếu không vì công việc quốc gia, ngừng ngay thói quen điện thoại cho ông Sarkozy vào mỗi buổi sáng và nên giữ khoảng cách cần thiết với gia đình Tổng thống. Nhiều người còn cho rằng trong vụ bà Dati bị thất sủng chắc chắn có sự tác động tích cực của đệ nhất phu nhân Carla Bruni.

Nguyên nhân thứ ba thuộc về cuộc sống riêng tư của bà Dati. Là người đứng đầu ngành tư pháp nhưng bà Dati lại có một người anh trai bị bắt giữ và lãnh án về tội buôn lậu ma túy.

Dư luận còn cho rằng bà Dati có quan hệ tình ái bí mật với cựu Thủ tướng Tây Ban Nha José Maria Aznar và cả Bộ trưởng Thể thao Pháp hiện nay là Bernard Laporte.

Bà Dati có sở thích mặc những bộ áo quần đắt tiền của các hãng thời trang nổi tiếng, xuất hiện trong các buổi tiệc tùng của giới thượng lưu. Những thói quen này tương phản với biết bao vất vả  của các nhân viên tư pháp, quản giáo nhà tù khi thi hành nhiệm vụ.

Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến bà Dati bị Tổng thống Sarkozy loại  khỏi nhóm G7 và nhiều khả năng sẽ phải rời bỏ chiếc ghế Bộ trưởng Tư pháp sau 2 năm đảm nhiệm

Hoàng Phú (theo La Revue)
.
.