15 năm cố gắng của đảng Mặt trận Quốc gia

Thứ Tư, 26/04/2017, 16:45
Ngày 21-4-2002 và ngày 23-4-2017 có nét tương đồng đối với đời sống chính trị Pháp nói chung và với đảng Mặt trận quốc gia (FN) nói riêng. Trong vòng 15 năm, FN hai lần bước vào vòng hai của bầu cử Tổng thống Pháp. Liệu sau ngần ấy năm cố gắng, họ sẽ thành công?

Cách đây 15 năm, người dân Pháp bất ngờ “phát hiện” gương mặt của ông Jean-Marie Le Pen trên truyền hình khi đảng FN của ông vượt qua vòng một của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Tại vòng 2, FN bị ứng viên tổng thống mãn nhiệm Jacques Chirac đánh bại với tỉ lệ áp đảo, 82,21/17,79 số phiếu bầu.

15 năm sau, FN lần thứ hai lọt vào vòng chung kết cuộc bầu cử Tổng thống Pháp với 21,43% số phiếu bầu. Bối cảnh chính trị giữa hai khoảnh khắc lên ngôi của FN trong 15 năm qua có phần khác.

Nếu sự vụt sáng của Jean-Marie Le Pen vào năm 2002 là nhờ sự chia rẽ sâu sắc trong hàng ngũ cánh tả (có đến 8 ứng viên chia nhau 42% số phiếu bầu), thì chiến thẳng của bà Marine Le Pen năm nay diễn ra trong bối cảnh cánh tả Pháp ít phân tán hơn, chỉ có 4 ứng viên tham gia tranh cử.

Sau khi khá thuận lợi ở vòng một, bà Marine Le Pen bước vào vòng hai với nhiều khó khăn hơn do phải đối đầu với ứng viên về nhất Emmanuel Macron, người vừa nhận được sự ủng hộ của các ứng viên thất bại như Francois Fillon. Bên phía đảng Xã hội cầm quyền, hầu như mọi nhân vật lớn đều kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron.

Thông báo kết quả bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 tại trụ sở của FN.

Nhiều chính trị gia lớn phía cánh hữu như cựu Thủ tướng Alain Juppé hay cựu Bộ trưởng Kinh tế thời ông Sarkozy là ông Francois Baroin cũng kêu gọi cử tri cánh hữu bỏ phiếu cho ông Macron vào ngày 7-5. Việc các chính trị gia ở nhiều đảng phái khác nhau đồng loạt kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron không phải xuất phát từ sự ủng hộ chính trị với ứng cử viên tự do này mà nguyên nhân chính là để ngăn chặn bà Marine Le Pen trở thành Tổng thống Pháp.

Còn nhớ năm 2002, khi cha của bà Le Pen lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống năm đó, mọi lực lượng chính trị ở Pháp cũng đã kêu gọi đoàn kết chặn đứng ông này và đã giúp ông Jacques Chirac chiến thắng áp đảo. Nói như vậy thì liệu cơ may đắc cử của lãnh đạo phong trào dân túy Pháp có thật sự là “con số không” hay không?

Đây không phải là ý kiến của ứng cử viên Marine Le Pen mà cũng không phải là dự báo của tổng thống sắp mãn nhiệm. Tổng thống Francois Hollande đã cảnh báo cử tri: “Rủi ro Marine chiến thắng là có thật”.

Nhưng cú sốc năm 2002 mà FN tạo ra đã khiến Lionel Jospin, thủ tướng thời đó, đã phải về hưu sớm, còn đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa (RPR) phải giải thể để thay thế vào đó là Liên minh vì đa số tổng thống, sau đổi tên thành Liên minh vì phong trào nhân nhân (UMP) để ủng hộ cho Jacques Chirac. Lần này, bối cảnh chính trị có vẻ khác, đảng FN đã có một chỗ đứng vững chắc hơn nhờ sự thắng thế của đường lối dân túy trên khắp thế giới, đặc biệt ở Anh và Mỹ.

Tại Pháp, FN khai thác những lo lắng của người Pháp trước những vấn đề mà cánh tả lẫn cánh hữu không giải quyết được. Thứ nhất là công ăn việc làm, thứ hai là giảm nhập cư và thứ ba là phục hưng kinh tế...

Bà Marine Le Pen nói rằng bầu cho bà lên cầm quyền thì giải quyết được hết tình trạng này tức khắc như là bế quan, trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp...điều này hấp dẫn được thành phần người Pháp lo âu trong khi các đảng cánh hữu cũng nói như vậy nhưng bị xem là những bản sao lu mờ.

Theo giới quan sát, dù không giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, thì FN cũng sẽ khiến các đảng phái khác khốn khổ. “Ngay bây giờ lực lượng cực hữu của bà Le Pen chắc chắn sẽ không thể lên cầm quyền nhưng thế lực của họ vẫn còn tiềm tàng trong quần chúng và họ có thể thắng cuộc bầu cử lập pháp, có thêm dân biểu tại quốc hội.

Rồi từ từ họ giành các chức vụ ở địa phương, tỉnh thành, làng xã... tạo ra một địa bàn lớn mạnh, lần lần sẽ chiếm đa số tại quốc hội...” - giáo sư Jan-Werner Müller, Đại học Princeton, Mỹ, nhận xét.

M.T. (tổng hợp)
.
.