Ai Cập: Những người dám “thách thức“ Tổng thống al-Sisi

Thứ Ba, 10/10/2017, 14:55
Cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập năm 2018 chuẩn bị khởi động, với một loạt người có ý định ra ứng cử, thách thức địa vị độc tôn của đương kim Tổng thống Abdel Fatah al-Sisi. Họ có thể là giáo sư đại học, là công chức, chính trị gia, tạo cho cuộc đua trở nên “cạnh tranh” sôi động ngay từ vòng sơ bộ.

Trong một quán bar kiêm nhà hàng ở khu trung tâm Cairo, nữ giáo sư Anh văn Mona Prince, ứng cử viên tổng thống, ngồi chống khuỷu tay lên cạnh bàn, rít một hơi thuốc lá thật mạnh, trò chuyện với báo chí. Bà nói: “Tôi đang phá vỡ hình ảnh một tổng thống toàn năng, thần thánh”. Trông bà có vẻ “bụi bụi”: đầu đội chiếc mũ lưỡi trai của vận đông viên bóng chày, vừa nói chuyện, vừa uống bia. “Tôi là một con người, và tổng thống cũng là một con người đấy thôi!” - Prince cười giòn tan.

Không chỉ có Mona Prince. Cairo trong những ngày này còn có những người khác cũng can đảm, thẳng thắn tuyên bố tham gia cuộc đua. Họ đều có chung một quan niệm, các lãnh đạo, kể cả đương kim Tổng thống al-Sisi, đều “có thể thay thế”.

Anwar el-Sadat, cháu trai lấy cùng tên cố Tổng thống Anwar Sadat thẳng thắn: “Trước tiên chúng tôi muốn gửi đi một thông điệp rằng không vị tổng thống nào tại vị mãi mãi - rằng còn có những ứng cử viên khác và có sự cạnh tranh”.

Sadat nói trên Báo Guardian của Anh rằng, ông cũng đang xem xét ra ứng cử và người của ông đang chuẩn bị cho việc này. Sadaqt vốn nổi tiếng với quan điểm đối lập trong Quốc hội Ai Cập, vì vậy, nếu ra tranh cử ông sẽ trở thành ứng cử viên lợi hại.

Nhưng xưa nay, cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống ở Ai Cập không phải là cuộc chơi dành cho nhiều người; đó thường là cuộc chơi của chỉ một người nắm trong tay quyền lực mạnh nhất. Năm 2012, Mohammed Morsi tưởng chừng đã viết nên trang sử mới trên chính trường Ai Cập khi giành chiến thắng vang dội, lần đầu tiên một người của Huynh đệ Hồi giáo trở thành Tổng thống Ai Cập.

Có vẻ như quyền lực ở Ai Cập từ đây sẽ được cạnh tranh bình đẳng, ai cũng có quyền và có cơ hội nắm quyền lãnh đạo đất nước. Thế rồi biến cố đã xảy đến vào năm 2013, Morsi bị phế truất trong một cuộc đảo chính êm ái của quân đội, không tiếng súng, không thương vong. El-Sisi, người nắm trong tay nhiều sức mạnh nhờ hậu thuẫn của quân đội, đã trở thành gương mặt quyền lực mới. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2014 đích thực là “cuộc chơi của một người” và al-Sisi giành chiến thắng không tưởng với 96% phiếu bầu, các ứng cử viên khác chỉ tham gia để “góp phần chen lấn cho vui”.

Anwar el-Sadat, cháu trai cố Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat.

Tiếp sau đó là sự tái diễn “màn trình diễn quyền lực” dữ dội nhất, khiến cho các lực lượng đối lập phải im hơi lặng tiếng. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo gần như tan rã sau khi hầu hết lãnh đạo chủ chốt của tổ chức này, bao gồm ông Morsi và các lãnh đạo cao nhất, đều bị bắt giam và tuyên án nhằm triệt tiêu hoàn toàn sức mạnh của họ.

Hầu hết các ứng cử viên tiềm năng hiện nay đều đang “có vấn đề”, và đều có khả năng bị cấm tham gia tranh cử hoặc bị tước quyền bầu cử. Sadat từng là một nghị sĩ có tiếng nói đối lập, phản biện mạnh mẽ đối với thế lực cầm quyền. Ông đã từ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội để phản đối việc Quốc hội chỉ là một “cánh tay” phục vụ quyền lực cho quân đội và Tổng thống al-Sisi.

Sau nhiều màn chỉ trích, tra vấn quyết liệt đối với Chủ tịch Quốc hội Ali Abdel Al, Sadat bị Quốc hội bỏ phiếu trục xuất hồi tháng 2-2017 với cáo buộc tiết lộ cho các đại sứ quán nước ngoài nội dung dự thảo của đạo luật gây tranh cãi về các tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra, Sadat còn bị cáo buộc giả chữ ký các nghị sĩ để thông qua một dự luật do chính ông đề xuất.

Người gây chú ý nhiều nhất là giáo sư Anh văn của Đại học Suez Mona Prince. Phong cách mạnh mẽ của một phụ nữ Arập khiến Prince chuốc lấy rắc rối nhiều hơn là sự ủng hộ, bởi xã hội Ai Cập còn khá bảo thủ, không dễ dàng chấp nhận những phá cách từ vị nữ giáo sư năng động.

Với tinh thần quật khởi, Prince thường bộc lộ quan điểm “Chúng tôi không phải đã chấm hết”. Đó là một thông điệp nổi loạn nhằm vận động các tầng lớp không chịu khuất phục. Prince muốn lấy giáo dục và văn hóa nghệ thuật làm giải pháp cho những khó khăn chưa có lối thoát của Ai Cập, trong đó nổi cộm nhất là khủng hoảng kinh tế và khủng bố thánh chiến đang ngày càng tăng.

Prince đã thông báo ý định ứng cử theo kiểu phá cách, khiến cho những người bảo thủ không hài lòng: Tung video lên mạng xã hội Facebook trong đó thể hiện hình ảnh bà leo lên mái nhà ngồi uống bia và thảo luận chuyện chính trị. Prince thừa nhận, không một ứng cử viên nào dám hành động như bà, cho rằng bà muốn thể hiện sự chân thực của mình.

Nhưng giới bình luận cho rằng như thế là không ổn trong khi Prince đã quen với những chuyện rắc rối trong cuộc sống. Bà từng bị Đại học Suez đình chỉ giảng dạy do đã dạy cho sinh viên trường này tác phẩm “Paradise Lost” (Thiên đường đã mất) của nhà văn Anh John Milton, bị nhà trường buộc tội “tuyên truyền tư tưởng đồi bại” và “tôn vinh quỷ Satan”.

Bên cạnh đó, Đại học Suez hiện cũng đang làm thủ tục kỷ luật bà vì những hành vi không phù hợp sau khi bà cho đăng video nhảy múa lên Feacebook và chụp ảnh mặc bikini. Nếu bị truy tố ra trước pháp luật vì việc này, Prince có thể bị cấm tham gia ứng cử.

Một cái tên cũng rất đáng chú ý khác là cựu ứng cử viên tổng thống Ahmed Shafiq, từng thất bại trước ông Mohammed Morsi vào năm 2012. Shafiq vừa để lộ ý định sẽ lại ra thử thời vận lần thứ hai vào năm 2018. Là cựu Thủ tướng và cựu Tư lệnh Không quân Ai Cập, Shafiq có lợi thế hơn các ứng cử viên khác ở chỗ ông có mối quan hệ tốt với quân đội vốn được xem là một thế lực hùng mạnh ở Ai Cập.

Tuy nhiên, Shafiq hiện sống lưu vong tại Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) vì bất đồng với Tổng thống al-Sisi, tên ông từng bị đưa vào danh sách theo dõi tại các cửa khẩu sân bay. Hiện tên của Shafiq đã được rút khỏi danh sách theo dõi, và cũng được phép trở về nước tham gia hoạt động chính trị, nhưng ông vẫn chưa quyết định trở về.

An Châu (tổng hợp)
.
.