Ai Cập và thương vụ Su-35 trị giá 2 tỷ USD

Thứ Năm, 18/06/2020, 13:17
Theo một thỏa thuận mà cả hai nước đã ký trước đó. Cairo sẽ nhận được lô hàng đầu tiên gồm 24 chiến đấu cơ Sukhoi-35 trị giá 2 tỷ USD, dự kiến sẽ được chuyển giao trong quý 3 hoặc quý 4-2020. Việc chuyển giao này đã bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Việc bổ sung chiến đấu cơ của Nga cho quân đội Ai Cập được kỳ vọng sẽ làm gia tăng tầm ảnh hưởng quân sự của Cairo trong khu vực.

Nguy cơ bùng phát căng thẳng

Thỏa thuận mua Su-35 nói trên có nguy cơ kích hoạt cuộc khủng hoảng quan hệ thứ hai giữa Cairo và Washington. Trước đó, hồi tháng 11-2017, những quan ngại ở Washington đã dấy lên sau khi Ai Cập và Nga ký một thỏa thuận cho phép hai bên sử dụng các căn cứ quân sự và không phận của nhau trong vòng 5 năm.

Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper hồi tháng 11-2019 cảnh báo Cairo có thể hứng chịu các đòn trừng phạt nếu tiến tới thương vụ này. Thông điệp được nhấn mạnh ở đây là những thỏa thuận vũ khí như vậy với Moscow có thể làm phức tạp các thương vụ mua sắm vũ khí và hỗ trợ an ninh mà Mỹ dành cho Cairo trong tương lai.

Đáp lại, giới chức Ai Cập khẳng định họ là "một nước độc lập, không phải nghe theo mệnh lệnh của các nước khác liên quan các chính sách đối nội và đối ngoại của mình". Thiếu tướng Yahya Kadwani, thành viên Ủy ban Quốc phòng tại Quốc hội Ai Cập, nói rằng quân đội Ai Cập chịu trách nhiệm nâng cấp hệ thống vũ khí của đất nước và đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực quân sự.

Các nguồn tin giấu tên cho rằng Washington sẽ không áp đặt các đòn trừng phạt mạnh tay đối với Ai Cập nếu Cairo không có ý định sử dụng khí tài này theo những cách đe dọa những lợi ích của Mỹ và Israel ở khu vực. Các nguồn tin này cũng nhấn mạnh rằng Cairo không sẵn lòng hủy hoại mối quan hệ của mình với Mỹ, đồng nghĩa với việc Cairo sẽ thận trọng không làm ảnh hưởng đến những lợi ích của Washington ở khu vực khi sử dụng các chiến đấu cơ của Nga.

Nga cũng thẳng thừng đáp trả khi Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Andrei Krasov cho rằng đe dọa trừng phạt của Mỹ là nỗ lực gây hấn nhằm cản trở cạnh tranh trên thị trường vũ khí, nhằm thúc đẩy những lợi ích kinh tế và địa chính trị của Washington.

Ông Abdel-Moneim Said, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Ai Cập, nhận định Mỹ đang nỗ lực gây sức ép để Ai Cập hủy thỏa thuận vũ khí với Nga, song Washington vẫn cam kết mối quan hệ song phương với Cairo do mối quan hệ thương mại quan trọng và những chiến dịch chung giữa hai bên. Ông Said cho rằng Quốc hội Mỹ sẽ thảo luận về những biện pháp trừng phạt có thể áp đặt đối với Cairo song Mỹ có thể bỏ qua trừng phạt để đổi lại những đảm bảo nhất định từ phía Ai Cập.

Nga sắp chuyển giao lô chiến đấu cơ Sukhoi-35 cho Ai Cập.

Lý do Cairo cần chiến cơ Su-35

Quan hệ Ai Cập-Mỹ trở nên căng thẳng từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 7-2013 khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi vốn được phong trào Anh em Hồi giáo ủng hộ. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama khi đó đã phải đau đầu tìm ra một chính sách mới nhằm đối phó với tình hình này.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ khi đó là đại tướng Martin Dempsey và Cố vấn An ninh Quốc gia khi đó là Ben Rhodes thừa nhận rằng nếu Nhà Trắng không coi đây là một vụ đảo chính thì Mỹ có nguy cơ mất đi uy tín của mình. Trong khi đó, giới chức khác trong đó có Ngoại trưởng John Kerry cho rằng nếu Mỹ coi đây là cuộc đảo chính thì Mỹ sẽ mất tầm ảnh hưởng đối với Ai Cập, theo đó, Nga và Trung Quốc sẽ lấp đầy chỗ trống nếu Mỹ cắt đứt quan hệ với chính quyền mới do tướng Abdul Fattah al-Sisi lập nên.

Rốt cục, chính quyền ông Obama đã phải quyết định tiếp tục hợp tác với chính quyền mới của Ai Cập, song áp đặt những hạn chế quan trọng, bao gồm cắt giảm viện trợ nước ngoài và đình chỉ việc chuyển giao chiến đấu cơ F-16 và máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache.

Giới chức Ai Cập coi động thái này của Washington là dấu hiệu cho thấy Mỹ không còn là đồng minh hoàn toàn tin cậy. Do đó, Cairo đã vạch ra chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và mở rộng quan hệ ngoại giao, quân sự và kinh tế với nhiều đối tác khác.

Hồi tháng 2-2014, nhà lãnh đạo Ai Cập Abd el-Fattah el-Sisi khi đó vẫn chỉ là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang chứ chưa phải tổng thống, đã có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin tại Nga. Chuyến thăm này đánh dấu sự khởi đầu của quan hệ đối thoại chiến lược của Cairo với điện Kremlin.

Ngoài ra, việc Ai Cập đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ cũng liên quan đến những lợi ích chung mà nước này chia sẻ với Nga về những vấn đề quan trọng mà quan điểm của Cairo và Washington đôi khi “lệch pha”, ví dụ vấn đề ổn định tình hình Syria.

Trục Moscow-Cairo-Washington

Thỏa thuận xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Ai Cập trở thành trụ cột trong mối quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Moscow và Cairo, đồng nghĩa với việc thắt chặt quan hệ song phương lâu dài khi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân này kéo dài hơn 50 năm. Với thỏa thuận đối tác chiến lược hồi năm 2018, Cairo trở thành một “mắt xích” quan trọng trong chiến lược của Moscow ở Trung Đông, giúp Nga gồm tăng cường sức mạnh và lợi thế trong khu vực, tăng cường bán vũ khí, tham gia các thỏa thuận khai thác dầu khí và phá vỡ sự cô lập quốc tế.

Mặc dù Ai Cập và Nga đã tiến tới hợp tác về một số lĩnh vực nhạy cảm về vũ khí và hạt nhân dân sự kể từ năm 2014, song sẽ là sai lầm khi cho rằng Sisi đang nỗ lực thoát dần khởi sự hỗ trợ của Mỹ. Giới chính trị và quân sự Ai Cập khẳng định họ không muốn hạ thấp mối quan hệ với Washington đồng thời thừa nhận Cairo không thể thay thế sự phụ thuộc vào vũ khí Mỹ.

Tuy nhiên, Ai Cập vẫn đa dạng hóa danh sách các nước cung cấp vũ khí. Việc không phải chịu bất kỳ điều kiện gì khi mua vũ khí của Nga đã trở nên hấp dẫn hơn với Cairo trong khi Washington rút lại việc bán vũ khí vì Ai Cập chưa đạt được cải cách chính trị. Các động thái của Sisi đều là những thông điệp được tính toán đối với Washington và cũng là nỗ lực tinh tế nhằm tăng cường vị thế của mình đối với Mỹ đồng thời vẫn duy trì và thậm chí cải thiện quan hệ với Washington.

Hà Ngọc (Tổng hợp)
.
.