Ai bẻ gãy những toan tính phế truất Tổng thư ký LHQ?

Thứ Hai, 20/12/2004, 07:41
Mọi việc không còn suôn sẻ với Kofi Annan khi ông trở thành cái gai trong mắt của chính quyền mới ở Mỹ do George W. Bush làm tổng thống, mà đỉnh điểm là việc vị Tổng thư ký (TTK) này lên án cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq đầu năm 2003 là bất hợp pháp.

Khi ông Kofi Annan thay thế ông Boutros Boutros Ghali ở cương vị TTK LHQ vào ngày 1/1/1997, hầu như mọi việc đều diễn ra một cách thuận lợi với vị tân TTK này. Từng theo học tại Mỹ và Thụy Sĩ, ông Annan có tư tưởng thân phương Tây và được bầu chọn vào cương vị TTK khi nhận được sự hậu thuẫn của Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Madeleine Albright. Các quốc gia thành viên của LHQ đều tỏ ra phấn khởi khi tổ chức quốc tế này được điều hành bởi một người rất am hiểu mọi hoạt động của LHQ.

Thế nhưng, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, bắt đầu từ tháng 1/2001, mọi việc không còn suôn sẻ với Kofi Annan khi ông trở thành cái gai trong mắt của chính uyền mới ở Mỹ do George W. Bush làm tổng thống. Hơn nữa, thái độ phản đối Mỹ của ông Kofi Annan lại được nhiều quốc gia thành viên của LHQ ủng hộ, trong đó có cả các quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an là Nga, Trung Quốc và Pháp. Vì vậy, quyết tâm của Chính phủ Bush là phải gạt cho bằng được ông Kofi Annan ra khỏi chức vụ TTK LHQ, bằng cách đánh vào uy tín của ông nhưng lại phải do chính nội bộ LHQ thực hiện. Một sự kiện tầm cỡ quốc tế như Chương trình đổi dầu lấy lương thực (OFF) một khi được thổi bùng thành tai tiếng chắc hẳn sẽ là cái cớ "chính đáng" để ông Kofi Annan phải sớm rời khỏi ghế của mình.

Để đối phó với Mỹ, ông Kofi Annan sử dụng sách lược "gậy ông đập lưng ông". Đó là việc thành lập vào tháng 2/2004 một ủy ban điều tra độc lập về Chương trình OFF và bổ nhiệm Paul Volcker, người Mỹ, cựu Chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang Mỹ làm người phụ trách.

Báo cáo kết luận điều tra của Ủy ban Volcker công bố vào ngày 22/11/2004, chỉ ba ngày sau khi Ủy ban những người làm việc tại LHQ thông qua kiến nghị bất tín nhiệm đối với ông Kofi Annan, đã cứu cho vị TTK này thoát khỏi vụ đảo chính do Mỹ giật dây. Trong báo cáo của mình, Ủy ban Volcker đã nêu ra ba điểm quan trọng:

1- Hầu như không phát hiện bất cứ sự “rơi vãi” bất hợp pháp nào trong tổng số tiền 70 tỉ USD thu được từ Chương trình OFF, trong đó có gần 39 tỉ USD được giữ lại cho Chính phủ Iraq sử dụng vào những mục đích nhân đạo, 18 tỉ USD đền bù cho Kuwait vì những thiệt hại mà quốc gia này phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, gần 3 tỉ USD được sử dụng để trang trải chi phí cho hoạt động điều hành của Chương trình OFF và của Chương trình thanh tra vũ khí chiến lược tại Iraq (UNSCOM). Sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, 9,7 tỉ USD còn lại được giữ trong một tài khoản quản lý của LHQ.

2 - Việc tố cáo ông Kofi Annan đã bật đèn xanh cho Saddam Hussein bán dầu với giá thấp hơn giá thị trường để chiếm đoạt số tiền chênh lệch lên đến hàng tỉ USD là không có cơ sở. Do Nghị quyết 986 của Hội đồng Bảo an LHQ về Chương trình OFF cho phép bán dầu với giá thỏa thuận nên Saddam Hussein có quyền tìm đối tác để bán theo giá thỏa thuận nhằm nhanh chóng thu tiền phục vụ những nhu cầu thiết yếu của đất nước.

Kiểm tra hồ sơ của 248 tập đoàn, công ty có quan hệ mua dầu của Iraq và cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Iraq theo Chương trình OFF, Ủy ban Volcker không phát hiện được bất cứ dấu vết nào liên quan đến việc “lại quả” tiền chênh lệch cho Saddam Hussein hay hối lộ cho nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền Iraq và cả những viên chức của LHQ.

3 - Việc tố cáo Kojo Annan, con trai ông Kofi Annan có liên quan đến tham nhũng, hối lộ từ Chương trình OFF cũng không có cơ sở, bởi vì vào thời điểm mà Cotecna, một Công ty Thụy Sĩ nhận được hợp đồng trị giá 4,8 triệu USD của LHQ để kiểm tra chất lượng những lô hàng cung ứng cho Iraq vào năm 1998 và Hazy Investment, một công ty của Arập Xêút, nhận được hợp đồng mua 60 triệu USD tiền dầu của Iraq, cả hai hợp đồng mua bán đều nằm trong Chương trình OFF của LHQ, thì Kojo Annan đều không còn làm việc cho hai công ty này nữa. Vì vậy không có cơ sở để buộc tội Kojo Annan đã sử dụng thanh thế của cha mình để kiếm những hợp đồng béo bở cho hai công ty trên nhằm nhận được những khoản tiền hoa hồng lớn.

Bản báo cáo kết luận điều tra của Ủy ban Volcker không những cứu nguy cho ông Kofi Annan mà còn giúp cho LHQ thoát khỏi một cuộc "xào xáo", mà nếu có thì là lần đầu tiên xảy ra trong suốt hơn nửa thế kỷ thành lập của tổ chức này.

Và thế là vào ngày 26/11/2004, Đại hội đồng LHQ tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm ông Kofi Annan trên cương vị TTK LHQ. Đương nhiên Mỹ sẽ không dễ dàng buông tha cho vị TTK người Ghana này một khi ông còn tiếp tục phê phán những hành động qua mặt LHQ của Mỹ

Văn Hòa (Theo L'Évènement)
.
.