Ấn Độ: “Không wifi thì không có chính khách”

Thứ Ba, 07/06/2016, 14:10
Một chính khách quyền lực thu thập được bao nhiêu "like" trong một thông tin đăng tải trên trang Facebook hay có bao nhiêu người theo dõi trên Twitter? Đó là chuyện hết sức quan trọng ở Ấn Độ.

Vừa qua, hàng chục nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP, đảng Nhân dân Ấn Độ) đã bị ban lãnh đạo trừng phạt vì tội không hoạt động tích cực trên Internet - một trong nhiều lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ.

Tháng 4-2016, ban lãnh đạo đảng BJP quyết định mở cuộc điều tra 280 thành viên Lok Sabha (Hạ viện Ấn Độ) hoạt động như thế nào trên Internet. BJP muốn kiểm tra xem các nghị sĩ có sử dụng nền tảng mạng xã hội để truyền bá những chiến lược kinh tế của chính quyền hay không, tương tác với người dùng Internet như thế nào, nhận được bao nhiêu "like" với một thông tin đăng tải trên Facebook và chia sẻ các tweet trên Twitter bao nhiêu lần.

Narendra Modi đọc hàng trăm email mỗi ngày trên laptop.

Cuộc điều tra của BJP sau đó phát hiện nhiều chính khách thậm chí không có tài khoản Twitter. Không lâu sau đó, mọi vấn đề của BJP đều được chia sẻ trực tuyến. Internet trở nên quan trọng đối với người dân Ấn Độ sau khi giới lãnh đạo bắt đầu hứa hẹn cung cấp wifi miễn phí. Năm 2014, Arvind Kejriwal - lãnh đạo đảng đối lập Aam Aadmi (AAP) - hứa hẹn cung cấp Internet miễn phí cho công dân thủ đô Delhi.

Tháng 1 2015, AAP đè bẹp các đối thủ cạnh tranh trong cuộc bầu cử tại cơ quan lập pháp bang Delhi - giành được đa số tuyệt đối là 65 trên tổng số 70 ghế, tăng 37 ghế so với cuộc bầu cử hồi tháng 12-2013.

Cách mảnh đất của Kejriwal hàng trăm km về phía đông, Thủ hiến bang Bihar miền bắc Ấn Độ Nitish Kumar cũng cung cấp Internet miễn phí cho công dân thủ phủ Patna. Kumar cũng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại bang của ông vào mùa thu năm 2015.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai người là Kejriwal chỉ hứa hẹn wifi cho người dân (nhưng vẫn chưa thực hiện đầy đủ lời hứa) trước khi giành chiến thắng trong bầu cử, còn với Kumar thì cung cấp wifi trước rồi mới có được chiến thắng sau đó. Do đó, có thể hiểu rằng wifi đã thực sự trở thành yếu tố quan trọng nhất tác động đến kết quả bầu cử ở Ấn Độ.

Bộ trưởng Đường sắt hiện nay Suresh Prabhu nổi tiếng với việc quan tâm đến sự bất bình và kêu gọi sự giúp đỡ thông qua Twitter. Suresh Prabhu, người có tuổi thơ cay đắng, thường phản ứng trước những tweet phàn nàn bằng sự nhanh chóng thúc giục những cấp dưới liên quan để giải quyết vấn đề. Do đó, Internet không chỉ là công cụ giúp giải quyết nhanh mọi bức xúc của người dân mà còn là nền tảng đặc biệt quan trọng cho giới chính khách nước này.

Đối với hơn một nửa dân số Ấn Độ, Internet là phương tiện hiệu quả cho người dân bình thường tiếp xúc với giới lãnh đạo cũng như cho phép họ hành động vì hàng trăm triệu công dân. Ở Ấn Độ đã có khẩu hiệu nổi tiếng "không nhà vệ sinh thì không có vợ". Và bây giờ là "Không wifi thì không có chính khách"!

Một lãnh đạo nổi tiếng trong sử dụng Internet là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ngay trước khi nắm giữ quyền lực, Narendra Modi đã bỏ ra 4 giờ mỗi ngày để đọc khoảng 200 đến 250 email. Năm 2007, Modi cũng sử dụng công nghệ cao trong chiến dịch tranh cử chức vụ Thủ hiến bang Gujarat nhiệm kỳ thứ 3 của ông.

"Narendra Modi" App cho smartphone.

Công ty công nghệ Mỹ Apco Worldwide được Modi thuê để quảng bá hình ảnh của ông - bằng những màn hình 3D khổng lồ trên đường phố - với giá 25.000 USD/tháng. Modi cũng sử dụng web để duy trì quan hệ trực tiếp với người dân bang Gujarat miền tây Ấn Độ, nơi ông làm thủ hiến trong suốt 3 nhiệm kỳ từ năm 2001 đến 2014 trước khi trở thành thủ tướng thứ 15 nước này.

Thông qua Internet, Modi phản ứng trước ít nhất 10% số vụ việc mà người dân phản ánh. Modi được đánh giá là người noi gương Indira Gandhi - nữ cựu thủ tướng (bị ám sát năm 1984) nổi tiếng với phong cách chính khách dân túy gần gũi dân thường.

Modi cũng sử dụng điện thoại di động để gửi tin nhắn SMS và MMS đến các cử tri ủng hộ mình. Gujarat - với 14 triệu dân số sở hữu điện thoại di động vào năm 2007 - là bang sử dụng phổ biến kiểu tuyên truyền này. Modi sở hữu 3 laptop - mỗi thiết bị dành riêng cho văn phòng, nhà riêng và khi đi thăm các nơi.

Hiện nay, trang Facebook của Modi đã nhận được hơn 30 triệu "like" từ người hâm mộ - đứng hàng thứ 2 thế giới sau Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trên trang Twitter của Modi cũng tương tự. Trước khi viếng thăm Trung Quốc, Modi khéo léo tạo tài khoản trên mạng xã hội Weibo của nước này.

Đối với những người dân Ấn Độ bất hạnh - ví dụ như trẻ em đường phố - họ thậm chí còn được Modi an ủi nếu đã tải xuống smartphone của mình "ứng dụng Narendra Modi".

Diên San (tổng hợp)
.
.