Ấn Độ: Quan chức không được nghỉ ở khách sạn 5 sao

Chủ Nhật, 25/10/2009, 10:50
Từ trung tuần tháng 9 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ bắt đầu thực hiện chiến dịch "thắt lưng buộc bụng" nhằm tiết kiệm ngân sách trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Nhìn chung hầu hết các đảng phái và quan chức chính trị đều đồng tình với chủ trương này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều chấp nhận "khắc khổ".

Mọi việc bắt đầu từ khi Ngoại trưởng Ấn Độ S. M. Krishna, và vị phó của người này là Thứ trưởng Shashi Tharoor, được Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee, yêu cầu rời khỏi khách sạn 5 sao, nơi hai quan chức này chọn làm chỗ nghỉ ngơi kể từ khi được bổ nhiệm hồi tháng 5/2009, để vào ở nhà công vụ.

Bị báo chí Ấn Độ chỉ trích thái độ tiêu xài hoang phí từ vài ngày trước đó, hai ông S. M. Krishna và Shashi Tharoor đã cảm thấy "không vui" khi phải rời khách sạn Sheraton và Taj Hotel (hai khách sạn 5 sao hàng đầu tại New Delhi), mặc dù tiền thuê phòng là do họ tự trả. Cả ông Krishna lẫn ông Tharoor đều không nói họ phải trả bao nhiêu tiền cho khách sạn nhưng được biết giá phòng tại hai khách sạn trên vào khoảng 1.500 euro/đêm.

"Tôi đã yêu cầu hai vị quan chức trên rời khỏi khách sạn" - Bộ trưởng Pranab Mukherjee cho biết trong một cuộc họp báo sau đó. Tuy nhiên, theo Manish Tewari, phát ngôn viên đảng Quốc đại cầm quyền, vấn đề không nằm ở chỗ tiền của ai mà nằm ở chỗ những người có quyền chức trước hết phải làm theo chủ trương của đảng, đó là thực hiện tiết kiệm tốt đa.

Biện hộ cho lối sống không hề xa hoa như báo chí vẫn thường nói, khi phải rời khách sạn Taj Hotel hôm 1/9 vừa qua, ông Shashi Tharoor cho biết: "Tôi chỉ cần 2 phòng cho những sinh hoạt hàng ngày, một là phòng tập thể dục và một phòng nghỉ, riêng tư một chút".

Nhưng báo chí Ấn Độ sau đó đã châm biếm rằng có lẽ chính vì sự quảng bá về phòng tập thể dục của ông Tharoor ở khách sạn đã khiến cấp trên của ông, Ngoại trưởng Krishna, tới thuê tại một khách sạn sang trọng hơn để tương xứng với chức vụ. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc sự sang trọng đó đã phải dừng lại khi mà Chính phủ Ấn Độ quyết định mở chiến dịch chống lãng phí trong chi tiêu công quỹ.

Mở đầu chiến dịch, bà Sonia Gandhi, lãnh đạo đảng Quốc đại, đã yêu cầu những quan chức trong đảng của mình chấp nhận giảm 20% lương bổng. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee cũng yêu cầu các bộ trưởng khác nên sử dụng hãng hàng không giá rẻ mỗi khi đi công tác.

Bà Sonia Gandhi đã phải gặp riêng Thứ trưởng Tharoor để nhắc nhở những phát biểu của người này hôm 17/9.

Tuy nhiên, ngày 17/9, ông Tharoor lại tuyên bố rằng máy bay giá rẻ là giá của tầng lớp hạ đẳng. Phát biểu trên đã khiến vị thứ trưởng này trở thành tâm điểm chỉ trích của báo chí Ấn Độ mấy ngày qua. Sự việc ồn ào tới mức ông Tharoor đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi dân chúng vì những phát biểu của mình. Ngoài sự công kích của dư luận, ông Tharoor cũng phải chịu sự phê bình nghiêm khắc của đảng Quốc đại về tinh thần trách nhiệm của một vị thứ trưởng ngoại giao.

Tờ The Asian Age còn dẫn lời một số lãnh đạo Quốc đại cho biết đảng này đang lo sợ rằng đảng đối lập chính Bharatiya Janata Party (BJP) sẽ lợi dụng vụ việc này để công kích phe cầm quyền nhất là khi thời điểm các kỳ bầu cử địa phương tại Ấn Độ đang tới gần.

Trước tình hình này, bà Sonia Gandhi đã quyết định đi đầu trong chiến dịch thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, tạp chí Tehelka lưu ý rằng, những vị lãnh đạo đất nước đang đại diện cho nhiều giá trị khác nhau nên họ phải chứng tỏ xứng đáng với sự tín nhiệm của người dân nhất là trong tình hình chi tiêu ngân sách cho các bộ tại Ấn Độ đã tăng lên 175 tỉ USD trong năm 2008-2009, trong khi năm ngoái con số này chỉ là 136 tỉ USD.

Để hiện thực hóa lời hứa của mình, bà Sonia Gandhi đã quyết định đi du lịch trong dịp nghỉ hè của mình bằng máy bay giá rẻ, trong khi con trai bà, Rahul, đã đi tàu điện tới sở làm việc thay vì đi máy bay trực thăng như thường lệ.

Thứ trưởng Tharoor.

Tờ The Asian Age nhận định rằng chắc chắn những việc làm của gia đình Gandhi đóng một vai trò quan trọng trong việc lấy lại uy tín cho đảng Quốc đại sau những vụ bê bối gần đây và sẽ tác động tích cực tới tinh thần tiết kiệm của các quan chức trong nội bộ đảng này.

Tờ báo này cho rằng điều quan trọng hơn cả không phải là những khoản tiền tiết kiệm được mà chính là việc chứng tỏ với người dân nghèo rằng giới chức chính trị phụ trách việc cải thiện đời sống cho họ không bị xa rời thực tế khó khăn hiện nay.

Mặc dù nền kinh tế Ấn Độ đã thoát khỏi khủng hoảng với mức tăng trưởng GDP 6,1% trong quý II/2009 nhưng theo nhận định của các chuyên gia những nguy cơ về dài hạn vẫn tồn tại đối với nền kinh tế này. Chẳng vậy mà ngày 23/9 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã quyết định cho Ấn Độ vay 4 tỉ USD để nước này tiếp tục  thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, trong đó 2 tỉ USD được dùng để tăng cường và củng cố cho hệ thống ngân hàng

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.