Anh: Bê bối vận động hành lang ở Quốc hội

Thứ Ba, 18/06/2013, 15:10

Ít nhất 4 nghị sĩ thuộc 2 viện Quốc hội Anh đã phải từ nhiệm và bị cách chức nghị sĩ do dính bê bối "đổi tiền mặt lấy câu hỏi" do các cơ quan báo chí Anh phanh phui. Vụ bê bối khiến cho nước Anh có thể phải tổ chức bầu cử bổ sung một số ghế nghị sĩ, một cơ hội để đảng Độc lập Anh (UKIP) tích lũy thêm sức mạnh.

Những nghị sĩ mới nhất bị buộc rời khỏi Thượng viện là Brian Mackenzie và Jack Cunningham của Công đảng, và John Laird của đảng Ulster Unionist. Ba ông nghị này bị yêu cầu từ nhiệm vào ngày 2/6 để chờ điều tra, kết luận của đảng và Cơ quan Giám sát chuẩn mực đạo đức của Quốc hội. Cả 3 ông nghị đã bị các phóng viên tờ báo The Sunday Times đóng giả làm các nhà vận động hành lang đại diện cho một công ty kinh doanh ngành năng lượng mặt trời ghi âm lời nói khi họ giả vờ tiếp xúc và đề nghị hợp đồng vận động hành lang xúc tiến lợi ích cho công ty.

Theo nội dung ghi âm, cả ba ông nghị đã đồng ý xúc tiến các vấn đề lợi ích của công ty này ra bàn bạc trước Quốc hội. Trong đoạn ghi âm, ông Cunningham đã hứa "đi gõ các cửa, giới thiệu và tạo điều kiện tiếp xúc các bộ trưởng chính phủ, nếu cần thiết", đồng thời đặt ra các câu hỏi chất vấn tại Thượng viện, với mức phí lên đến 18.000 bảng mỗi tháng. Riêng ông Laird đã đề nghị làm "cố vấn" nghị trường cho công ty với mức phí cá nhân 2.000 bảng mỗi tháng.

Trước đó, vào ngày 31/5, cựu nghị sĩ Hạ viện Patrick Mercer của đảng Bảo thủ cũng đã từ nhiệm sau khi vụ việc ông nhận tiền thù lao hàng tháng của một công ty vận động hành lang bị báo chí phanh phui.

Theo tường thuật của báo chí Anh, ông Mercer đã mắc lỡm 2 nhà báo của tờ The Telegraph và chương trình Panorama của Đài BBC. Để làm sáng tỏ những nghi vấn từ trước về việc các nghị sĩ Quốc hội Anh lạm dụng vận động hành lang để nhận tiền hối lộ, tờ báo The Telegraph và chương trình Panorama của Truyền hình BBC đã cử 2 phóng viên đóng giả làm các nhà vận động hành lang đại diện cho một nhóm doanh nghiệp vận động hành lang cho đảo quốc Fiji ở Nam Thái Bình Dương để giúp đảo quốc này tái gia nhập Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth).

Cựu Nghị sĩ Patrick Mercer.

Hai phóng viên của The Telegraph và Panorama đã tiếp xúc ông nghị Mercer từ đầu tháng 3/2013 và đặt vấn đề giúp lập ra nhóm nghị sĩ vận động chung (APPG) để đại diện, xúc tiến lợi ích của đảo quốc Fiji ở Quốc hội Anh. Ông Mercer đã nhận 4.000 bảng lót tay của các "nhà vận động hành lang" giả và ra điều kiện bên đối tác trả cho ông mức phí 2.000 bảng mỗi tháng để ông làm cố vấn cho các vấn đề liên quan.

Cần biết, Fiji bị Vương quốc Anh xem là "quốc gia bất hảo" và khai trừ khỏi Khối Thịnh vượng chung vào năm 2009. Vì vậy, Hội những người bạn của Fiji đã đặt hàng các công ty vận động hành lang ở London giúp đưa vấn đề của Fiji vào các phiên thảo luận của Quốc hội. Theo các điều khoản ghi trong hợp đồng đã ký, ông đồng ý thực hiện 3 việc cho Fiji là xúc tiến thảo luận và phát hành báo cáo, đưa ra các kiến nghị để vận động và đặt ra các câu hỏi chất vấn cho các bộ trưởng các vấn đề liên quan đến Fiji.

Ngày 26/3, Mercer đã đưa các kiến nghị ra trước Thượng viện. Tháng 4/2013, Mercer đã đặt ra 5 câu hỏi cho các bộ trưởng chính phủ liên quan đến lợi ích của Fiji. Ngày 30/4, Mercer xúc tiến thành lập nhóm APPG để vận động cho Fiji. Hiện ông Mercer đang bị Cơ quan Giám sát chuẩn mực đạo đức Quốc hội điều tra, xem xét để đưa ra kết luận cuối cùng về mức độ sai phạm, đồng thời ông cũng có nguy cơ bị cảnh sát điều tra hình sự về hành vi "nhận hối lộ" trong giao dịch với các phóng viên The Telegraph và BBC.

Vụ bê bối vận động hành lang trong Quốc hội Anh được giới báo chí Anh gọi nôm na là "đổi tiền mặt lấy câu hỏi", tức là các nghị sĩ nhận tiền thù lao bất hợp pháp từ các công ty, tổ chức tư nhân và các quốc gia trên thế giới để vận động, thúc đẩy thông qua các chính sách có lợi cho các công ty, tổ chức đó, hoặc thậm chí chỉ cần gây chú ý trong Quốc hội Anh đối với những lợi ích của một quốc gia nào đó.

Giống như vụ bê bối "mua bán danh hiệu" cũng xảy ra trong Quốc hội Anh vào năm 2006, vụ việc hiện tại là một điển hình cho việc các nghị sĩ Quốc hội Anh lạm dụng hoạt động vận động hành lang hợp pháp để trục lợi cá nhân. Luật lệ nghị trường Anh không cấm việc vận động hành lang, thậm chí còn cho phép hoạt động này phát triển đa dạng. Việc vận động hành lang được xem là hợp pháp khi các khoản thù lao, thường được trả dưới dạng bao chi phí đi lại tham quan, làm việc cho một nhóm nghị sĩ, được khai báo công khai, có đăng ký với Ủy ban giám sát trong Quốc hội. Khi có nhu cầu vận động hành lang, một quốc gia, một công ty hay một tổ chức thuê các công ty dịch vụ vận động hành lang hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nghị sĩ và yêu cầu giúp.

Để vận động hành lang, thúc đẩy lợi ích cho một tổ chức, công ty, quốc gia bên ngoài, các nghị sĩ sẽ lập ra một nhóm làm việc chung bao gồm nghị sĩ thuộc tất cả các đảng phái có ghế trong Quốc hội, thường được gọi là "nhóm nghị sĩ hỗn hợp đa đảng phái", viết tắt là APPG. Nhóm APPG sẽ thực hiện các chuyến khảo sát thực tế để nắm bắt tình hình cụ thể rồi sau đó nghiên cứu phương án vận động gây chú ý, xúc tiến các lợi ích của đối tác tại Quốc hội.

Việc vận động hành lang theo kiểu này bị lạm dụng khi các nghị sĩ nhận tiền thù lao của các cá nhân, tổ chức, quốc gia mà không khai báo với Cơ quan Giám sát chuẩn mực đạo đức của Quốc hội, vi phạm điều cấm kị là "nhận tiền để vận động chủ trương"

An Châu (tổng hợp)
.
.