Anh: “Cuộc chiến” giành ghế ngoại trưởng

Thứ Ba, 01/12/2009, 08:40
Ngay khi Brussels vừa bình yên trở lại sau cuộc đua giành những chiếc ghế lãnh đạo hàng đầu trong Liên minh châu Âu (EU), đến lượt những làn sóng ngầm mới đang bùng phát tại London.

Theo báo chí Anh, chính trị gia có ảnh hưởng quan trọng trong chính phủ nước này là Peter Mandelson, sau thất bại trong cuộc đua vào chiếc ghế đại diện cao cấp của EU về đối ngoại, đã yêu cầu Thủ tướng Gordon Brown phải sắp xếp lại nội các, trong đó có cả việc phải bổ nhiệm ông ta làm Bộ trưởng Ngoại giao.

Nếu đúng theo những gì được báo chí đưa tin, tham vọng mới của Mandelson chắc chắn sẽ đe dọa nghiêm trọng tới sự ổn định của Chính phủ Anh hiện nay, nhất là vào thời điểm nội các của ông Gordon Brown đang trên đà tăng tốc cho cuộc tổng tuyển cử vào thời gian sắp tới...

Người Anh vẫn thường nói, nguyên tắc đầu tiên của một chính trị gia chính là: Đừng bao giờ tin vào điều gì, nếu chưa có được một lời cải chính chính thức. Nếu theo đúng như câu châm ngôn trên, những đòi hỏi riêng tư mới của Peter Mandelson quả thực đang đẩy nội các của Thủ tướng Gordon Brown tới bờ vực của nguy cơ chia rẽ, bất chấp việc cả văn phòng Thủ tướng tại số 10 Downing Street cũng như đại diện của Mandelson đã lên tiếng gọi những thông tin trên của báo chí về chuyện "tối hậu thư" của ông ta là "chuyện nhảm nhí".

"Không có lửa thì làm sao có khói" - nhiều nhà quan sát đã bình luận như vậy trước những lời phủ nhận trên. Cần biết là trước đó, hai tờ báo hàng đầu tại Anh là Sunday Times và Daily Mail đều công khai đăng tin rằng, chính trị gia quý tộc Peter Mandelson - hiện đang đảm trách cương vị Bộ trưởng Thương mại trong chính phủ - đang bí mật gây sức ép lên Thủ tướng Gordon Brown để bắt ông này phải sắp xếp lại nội các.

Những tuyên bố trên của báo chí Anh không phải là không có căn cứ nếu biết rằng, Mandelson từ lâu đã là một chính trị gia có ảnh hưởng lớn tại Anh. Ông ta là cháu trai của Herbert Mandelson, người vào những năm 40 thế kỷ trước từng đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh.

Bản thân Peter cũng không hề che  giấu mơ ước sẽ có được chiếc ghế mà trước đây ông mình đã giành được. Mandelson được cho là đã chính thức đề nghị ông Brown về vụ bổ nhiệm này, ngay sau thất bại trong nỗ lực trở thành quan chức đại diện cao cấp về đối ngoại của EU chỉ một tuần trước đó. Sức ép cải tổ nội các từ Mandelson chắc chắn đang đặt Thủ tướng Brown vào một tình thế khó khăn.

Đơn giản là trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, ông Brown đang rất cần duy trì được sự ủng hộ từ những "chính trị gia nặng ký" trong chính phủ của mình. Nếu như ông Brown nhượng bộ trước nguyện vọng của Mandelson, ông chắc chắn sẽ phải đụng chạm tới một chính trị gia nặng ký khác là David Miliband, hiện đang là đương kim Bộ trưởng Ngoại giao.

Chưa kể chuyện này sẽ làm mếch lòng Bộ trưởng Giáo dục Ed Balls, người cũng đang rất khao khát về một cương vị có uy tín hàng đầu như chiếc ghế tại Bộ Ngoại giao. Còn nếu Brown từ chối đòi hỏi của Mandelson thì đó cũng là giải pháp "mạo hiểm" không kém. Theo một quan chức giấu tên từ Downing Street tiết lộ với các phóng viên, Thủ tướng Brown hiện đang đau đầu để tìm kiếm lời giải cho bài toán khó trên.

Yêu sách mới của Mandelson (trái) đang đặt Thủ tướng Brown (phải) vào thế bí.

Nếu lật lại chuyện quá khứ, những đòi hỏi hiện nay của Mandelson không phải là không có cơ sở. Trước đây, ông này đã từng được hứa hẹn về chiếc ghế đứng đầu Bộ Ngoại giao, sau khi Miliband trở thành đại diện cao cấp về đối ngoại của EU. Tuy nhiên, Miliband đã từ chối vị trí này.

Khi đó, một chính trị gia nhiều tham vọng như Mandelson vào phút cuối đã tạm hài lòng với vị trí Ủy viên Thương mại của EU. Đến khi Mandelson đã chiếm được uy tín và tình cảm của giới lãnh đạo trong bộ máy của EU, ông Brown lại không muốn "thả" cho ông ta tới Brussels.

Câu hỏi đặt ra là, nếu như Mandelson giờ đây vẫn khăng khăng đòi chiếc ghế Ngoại trưởng Anh, David Miliband sẽ được "an vị" ở đâu. Một phương án được nhiều nhà quan sát đều cho là nhiều khả năng nhất - đó là Miliband sẽ trở thành Phó thủ tướng.

Mandelson từ trước tới nay vẫn khẳng định, mục đích chính của ông ta là phấn đấu đảm bảo một chiến thắng thứ tư liên tiếp trong bầu cử của phe Công đảng. Nhưng nếu như chính trị gia có nòi này lại tập trung vào cuộc chiến giành vị trí mới ngay trong nội các, điều này cũng đồng nghĩa với mục tiêu chính của ông ta đã thay đổi. Hay nói theo khẳng định của tờ Sunday Times, Mandelson đã đánh mất niềm tin vào Gordon Brown. 

Rõ ràng vào thời điểm này, chưa thể đánh giá nhiều về những động thái tương lai của cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ chính phủ của Công đảng. Nhưng chắc chắn làn sóng bất ổn mới này sẽ có tác động đáng kể tới cục diện chính trường Anh trong tương lai sắp tới.

Kết quả những cuộc thăm dò công luận mới nhất đã cho thấy, khoảng cách giữa phe Bảo thủ và Công đảng trong vài tháng gần đây đã giảm xuống chỉ còn 6%. Nguyên nhân một phần được giải thích là tâm trạng "đang lên" của cử tri trước các dấu hiệu cải thiện về tình hình kinh tế.

Chính vì vậy, một vài chuyên gia đã dự báo: cuộc bầu cử sắp tới sẽ diễn ra không phải với chiến thắng thuyết phục của đảng Bảo thủ như nhận định trước đó, mà là với một "kết quả hòa". Nếu nhận định này là đúng, nước Anh trong năm 2010 sẽ có một Quốc hội theo kiểu "chia đôi", trong đó không có một đảng phái nào chiếm được đa số ghế áp đảo

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.