Anh: Nghị sĩ bị đình chỉ chức vụ vì gian lận công quỹ

Thứ Bảy, 17/11/2012, 18:15

Ngày 2/11 vừa qua, Nghị sĩ Quốc hội Anh, ông Denis MacShane đã bị đình chỉ công tác tại Hạ viện trong vòng một năm sau khi bị phát hiện đã kê sai 19 hóa đơn chi tiêu công nhằm qua mặt Ủy ban Ngân sách Quốc hội Anh.

Ông Denis MacShane (hiện 64 tuổi) là một thành viên của Công đảng Anh, nghị sĩ đại diện cho thị trấn Rotherham thuộc South Yorkshire kể từ năm 1994. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Oxford, ông về làm việc cho Đài BBC từ 1969 đến 1977. Tuy nhiên, ông đã bị sa thải khỏi BBC sau khi sử dụng tên giả để gọi cho các đài phát thanh qua điện thoại. Trong khi gọi, MacShane cáo buộc chính trị gia hàng đầu của đảng Bảo thủ, ông Reginald Maudling là một kẻ lừa đảo và kết quả là bị thành viên Quốc hội này dọa sẽ kiện ông.

Ông trở thành một nhà hoạt động cho liên minh các nhà báo quốc gia và sau đó là chủ tịch của liên minh này. Ông là Giám đốc chính sách của Liên đoàn công nhân cơ khí quốc tế từ năm 1980 đến 1992, và ông đã hoàn thành bằng tiến sĩ kinh tế quốc tế tại Đại học London vào năm 1990. Ông thành lập Viện chính sách châu Âu (EPI) và giữ chức giám đốc từ năm 1992 đến 1994.

Trong vòng 3 năm, ông MacShane đã yêu cầu một khoản kinh phí hỗ trợ cho Viện EPI với tổng giá trị 12.900 bảng để phục vụ các chuyến đi "công tác" của ông trong khu vực châu Âu. Bên dưới các hóa đơn đều có chữ ký là bút danh, một chức vụ gọi là "tổng phụ trách" của EPI nhưng thực tế điều tra cho thấy chức danh này không hề tồn tại. Bên cạnh đó ông còn trưng dụng luôn cả 8 chiếc máy tính, trong đó ông đã tặng  một chiếc laptop cho một nhân viên thực tập khi người này kết thúc quá trình thực tập ở chỗ ông.

Ủy ban điều tra cho biết: "Chúng tôi tin rằng bất kỳ một thành viên quốc hội nào cũng thấy đó là một hành động phi lý khi cho phép nhân viên thực tập giữ máy tính mua bằng tiền đóng thuế của dân sau khi họ kết thúc thời gian thực tập".

Ủy ban phụ trách các chuẩn mực và quyền lợi kết luận: đây thực sự là việc làm không thể chấp nhận được trong mọi tầng lớp xã hội. Sau báo cáo sai phạm này được trình lên Quốc hội, Denis MacShane sẽ phải đối mặt với một cuộc điều tra của cảnh sát. Ủy ban cho biết đây là trường hợp nghiêm trọng và đang xem xét có cần phải khởi tố nghị sĩ MacShane hay không.

Đảng Bảo thủ đã gửi thư đến Cảnh sát Metropolitan yêu cầu họ mở một phiên tòa vì phát hiện này là đáng kinh ngạc, có tính chất nghiêm trọng và họ còn nhiều câu hỏi khác cần ông MacShane phải trả lời và để xem liệu ông ấy có phạm tội hình sự hay không.

Cựu Bộ trưởng châu Âu, Nghị sĩ Denis Macshane.

Đảng đối lập đã buộc tội ông là một kẻ "lừa đảo thực thụ" bởi việc ông làm đã vượt quá giới hạn chi tiêu và cảnh báo cách thức quản lý của Hạ viện đã có vấn đề khi để MacShane có cơ hội tiêu xài tiền chùa như vậy. Trong suốt 4 năm từ 27/1/2005 đến 11/1/2008, ông MacShane đã bàn giao 19 hóa đơn, phần lớn là chi tiêu cho các công việc như nghiên cứu và dịch thuật ở Quốc hội. Ông Macshane khẳng định EPI được thành lập bởi một nhóm các tác giả, nhà báo và các nhà hoạt động ủng hộ các chính sách của châu Âu vào những năm 90 thế kỷ trước và họ viết các báo cáo, phát hành sách và tổ chức các hội nghị.

Nhưng Ủy ban điều tra cho biết không hề có những cái tên hay một tổ chức chính thức nào là có thật theo như địa chỉ để lại trên hóa đơn. Các tên gọi và chức danh của tổng phụ trách, giám đốc và 4 phó giám đốc đều là những người bạn cũ của ông MacShane từ những năm 90. Không hề có một văn phòng, trụ sở hay nhân viên nào tồn tại. Tài khoản ngân hàng cũng là do ông MacShane đứng tên và số tiền đã được sử dụng để đi du lịch, chiêu đãi và phát hành sách.

Qua đây, thật khó tránh khỏi kết luận rằng các lý do ông MacShane đưa ra để bao biện cho việc sử dụng công quỹ như vậy là chính đáng được. Các thành viên Quốc hội khác cho rằng việc chi tiêu sai mục đích này là rất nghiêm trọng trong nội bộ chính phủ và ước tính trong số 12.900 bảng Anh được chi ra, có 7.500 bảng là sử dụng ngoài sự cho phép. Ủy ban điều tra cho rằng, ông MacShane còn khai tăng giá trị của nhiều thiết bị máy tính và đã giao nộp hai lần hóa đơn của một chiếc máy tính cho Ủy ban ngân sách.

Tờ Daily Telegraph đã tiết lộ vụ việc vào năm 2009 nhưng cuộc điều tra bị trì hoãn theo yêu cầu của cảnh sát cho đến tháng 7 vừa rồi. Trong một bài báo cáo, ông John Lyon, Ủy viên của Ủy ban các chuẩn mực và quyền lợi cho biết nghi ngờ về cách chi tiêu này cũng đã nhen nhóm từ 2 năm trước nhưng cuộc điều tra đã bị treo gần 2 năm vì không có đủ bằng chứng. Mặc dù ông Lyon đã phản ánh trường hợp của MacShane với cảnh sát từ tháng 10/2010 nhưng họ chỉ có thể ghi trong báo cáo là các bằng chứng chưa đủ để khiến cảnh sát nhập cuộc.

Cảnh sát đã từng bắt đầu cuộc điều tra một số thành viên Quốc hội khác có kiến nghị nhưng lại bỏ dở. Lần này đảng Bảo thủ yêu cầu cảnh sát mở lại cuộc điều tra sau khi Quốc hội cung cấp toàn bộ chi tiết về cáo buộc gian lận này. 

Ông MacShane thể hiện công khai niềm đam mê của ông với các công việc ở cộng đồng châu Âu và các quỹ ở đây, vì thế mà theo ông, chúng phải nhận được hỗ trợ để phát triển. Các hoạt động đó có thể mang lại những đóng góp lớn cho Quốc hội dù có thể hiệu quả sẽ thu được qua các cách gián tiếp. Ông MacShane bày tỏ sự hối hận và đã trả lại số tiền khai báo sai.

Tuy nhiên hành động đó không thể bào chữa cho lỗi lầm ông đã gây ra khi cố tình giao nộp những hóa đơn sai sự thật trong suốt 4 năm, rõ ràng ông đã có chủ tâm qua mặt Quốc hội và các quan chức phụ trách công việc chi tiêu ở Quốc hội

Hoàng Cúc (theo Daily Mail)
.
.