Anh: Vì sao Công đảng mạnh tay “xử” 3 cựu Bộ trưởng?

Thứ Tư, 07/04/2010, 05:25
Mặc dù Công đảng, đảng cầm quyền đã quyết định đình chỉ tư cách của 4 thành viên, trong đó có 3 cựu bộ trưởng, nhưng việc này vẫn khó xóa đi ấn tượng xấu của dư luận đối với chính phủ của Thủ tướng Gordon Brown. Công đảng của ông Gordon Brown đang có nguy cơ thất bại trước đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 5/2010.

Bê bối liên tiếp xảy ra

Tuy bị xử lý, nhưng cựu Bộ trưởng Giao thông Stephen Byers, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Geoff Hoon, cựu Bộ trưởng Y tế Patricia Hewitt và nữ nghị sĩ Margaret Moran đều tuyên bố, họ không có tội! Nhưng dư luận lại tin vào những gì được đăng tải trên kênh truyền hình Channel 4 và tờ Sunday Times số ra ngày 22/3.

Trong vai Giám đốc doanh nghiệp, phóng viên của kênh truyền hình Channel 4 và tờ Sunday Times đã hẹn và có cuộc tiếp xúc với những nghị sĩ kể trên. Theo những thước phim do phóng viên kênh truyền hình Channel 4 và tờ Sunday Times bí mật thực hiện thì 4 thành viên của Công đảng đã tiến hành một vụ "đổi tiền lấy vận động hành lang".

Cựu Bộ trưởng Giao thông Stephen Byers đã thẳng thắn đặt giá từ 4.500 USD/ngày đến 7.500 USD/ngày cho những thông tin mà ông sẽ cung cấp cho đối tác, nếu có yêu cầu. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Geoff Hoon và cựu Bộ trưởng Y tế Patricia Hewitt cũng có quan điểm tương tự như ông Stephen Byers.

4 nhân vật vừa bị “xử lý”.

Ngoài 4 người kể trên, Bộ trưởng Giao thông Lord Adonis và Bộ trưởng Thương mại Lord Mandelson cũng bị cáo buộc đã giúp đỡ cựu Bộ trưởng Giao thông Stephen Byers tiến hành các cuộc vận động hành lang. Cố vấn của cựu Thủ tướng Tony Blair, bà Baroness Morgan bị tố cáo là người đã dàn xếp các cuộc gặp gỡ của các cựu bộ trưởng kể trên.

Cách đây không lâu, 3 nghị sĩ của Công đảng (Elliot Morley, Jim Devine, David Chaytor) và nghị sĩ đảng Bảo thủ Lord Hanningfield cũng bị truy tố theo đạo luật chống trộm cắp. Tuy nhiên, cả 4 nghị sĩ cũng đều phủ nhận những cáo buộc của tòa và họ có thể không phải ra tòa vì được quyền miễn trừ. Vì những mâu thuẫn về thủ tục pháp lý nên Thẩm phán Timothy Workman buộc phải chấp thuận hoãn phiên tòa và trao quyền xét xử cho tòa án cấp cao hơn.

Ngay sau khi giới truyền thông đăng tải thông tin kể trên, cựu Bộ trưởng Giao thông Stephen Byers đã khẳng định, chỉ phóng đại tầm ảnh hưởng của mình đối với việc ban hành các chính sách, còn trên thực tế chưa bao giờ vận động hành lang xung quanh lĩnh vực này. Nhiều quan chức chính phủ đã bày tỏ sự phẫn nộ trước việc làm của những người tiền nhiệm. Ngoại trưởng David Miliband tuyên bố, không bộ trưởng nào được phép thương mại hóa công việc chính trị của họ.

Khó lấy lại lòng tin

Giới bình luận coi vụ bê bối này sẽ khiến cho uy tín và tỉ lệ ủng hộ của cử tri giành cho Công đảng sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong cuộc bầu cử sắp tới. Điều quan trọng nhất là người dân không còn tin vào sự trung thực của các nghị sĩ, nhất là người của Công đảng.

Trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra hôm 4/6/2009 (tại 34 đơn vị bầu cử), Công đảng của Thủ tướng Gordon Brown đã thất bại nặng nề vì để mất 272 ghế. Đây là lần đầu tiên sau 22 năm, Công đảng về thứ 3 sau đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do. Sau những bê bối kể trên, nhiều nghị sĩ của các đảng chính đã tuyên bố, sẽ từ chức trong cuộc bầu cử tới.

Theo giới truyền thông, thượng tuần tháng 2, Huân tước Thomas Legg đã yêu cầu 389 nghị sĩ phải trả lại công quỹ tổng cộng số tiền trị giá 1,12 triệu bảng Anh mà họ đã tư túi kể từ năm 2004 tới nay. Thủ tướng Gordon Brown từng bày tỏ sự giận dữ sau khi biết tin này, nhưng ông cũng có tên trong danh sách 389 nghị sĩ phải trả lại tiền.

Ông Gordon Brown bị yêu cầu trả lại 13.000 bảng Anh, tiền thuê người giúp việc. Được biết, Ủy ban Điều tra đã tiến hành xem xét các khoản chi tiêu của 752 nghị sĩ và cựu nghị sĩ có liên quan tới khoản tiền kể trên. Phải trả lại nhiều tiền nhất là Bộ trưởng Lao động Barbara Follett (42.458 bảng Anh) và tới nay bà đã nộp lại 32.976 bảng Anh. Điều đáng nói là chính phủ đã phải chi tới 1,16 triệu bảng Anh để làm rõ các khoản chi tiêu của những nghị sĩ kể trên.

Cách đây gần 1 năm (tháng 5/2009), những bê bối trong chi tiêu của các nghị sĩ đã bị giới truyền thông đăng tải và sau đó cảnh sát đã phải tiến hành một loạt điều tra liên quan tới lĩnh vực này. Cảnh sát đã làm rõ nhiều khoản chi tiêu "vớ vẩn" nhưng vẫn được ngân sách nhà nước thanh toán như trả tiền lau chùi ống khói, dọn dẹp, làm vườn, bảo quản nhà, làm vườn...

Chủ tịch Hạ viện Michael Martin đã phải từ chức (tháng 6/2009) sau khi những bê bối kể trên bị dư luận lên án mạnh mẽ. Nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ John Bercow đã trở thành Chủ tịch Hạ viện thứ 157 sau khi người tiền nhiệm Michael Martin phải từ chức. Tuy nhiên, trước và sau khi ông John Bercow nhậm chức đã có nhiều câu hỏi đặt ra bởi Chủ tịch Hạ viện cũng từng bị dính vào bê bối chi tiêu công quỹ - phải hoàn trả cho chính phủ 6.500 bảng Anh tiền trốn thuế.

Bộ trưởng Kitty Ussher cũng phải từ chức (tối 17/6/2009) do liên quan tới bê bối chi tiêu công quỹ. Vì bị dư luận và giới truyền thông chỉ trích nên Quốc hội và chính phủ đã yêu cầu các nghị sĩ phải công khai chi tiết nghề tay trái của mình kể từ ngày 17/2009. Đây được coi là nỗ lực nhằm minh bạch hóa thu nhập và hoạt động của các chính trị gia

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.