Anh và chính sách trọng tâm “hướng Đông”

Thứ Ba, 13/04/2021, 09:43
Hơn 1 năm sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Chính phủ Anh đã đề ra chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia trong 10 năm tới, với một chương trình nghị sự đầy tham vọng cho “nước Anh toàn cầu”, với mục tiêu duy trì vị thế chắc chắn ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, đồng thời nghiêng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo đó, khu vực Đông Nam Á xuất hiện nổi bật bởi nằm ở hợp lưu của các xu hướng toàn cầu vốn sẽ tác động đến sự thịnh vượng và an ninh trong tương lai của cả thế giới, trong đó có Anh.

Can dự và lợi ích kinh tế

Anh công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có khả năng tập hợp và đưa các nước lớn, nhỏ và tầm trung ngồi lại với nhau. Vì vậy, vào tháng 6-2020, một năm sau khi bổ nhiệm đại sứ tại ASEAN, Anh đã đăng ký trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN. Anh có những lợi ích thực chất về kinh tế, chính trị và an ninh ở khu vực Đông Nam Á và năm 2012 London ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác.

Tuy nhiên, ASEAN đã có lệnh dừng kết nạp các đối tác đối thoại mới kể từ năm 1999. Đây là một bất lợi nếu không được xem xét ngoại lệ - với lý do Anh từng là thành viên của EU, mà EU vẫn đang là đối tác đối thoại của ASEAN. Ngoài ra, vấn đề Myanmar xảy ra vào thời điểm này cũng khiến cho việc xem xét nguyện vọng này của Anh bị trì hoãn, chưa kể các động thái lên án và áp đặt trừng phạt mà chính phủ nước này ngay lập tức thực hiện khi cuộc chính biến nổ ra.

Anh vẫn duy trì một cơ sở hậu cần ở khu vực cảng Changi, Singapore.

Anh chú trọng mối quan hệ kinh tế khá phát triển với khu vực Đông Nam Á. Năm 2019, trước khi rời khỏi EU, Anh là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất trong khu vực và là đối tác thương mại lớn thứ tư trong EU. Nhưng, giờ đây, Anh muốn tận dụng quyền tự do hành động của mình sau khi rời khởi EU và nỗ lực đạt được các thỏa thuận thương mại mới với khu vực để tăng cường vai trò thương mại và đầu tư của mình. Các hiệp đinh song phương và đa phương là cách thức hiệu quả để phát huy vai trò này. Tháng 2-2021, Anh đã trở thành nước đầu tiên nộp đơn xin gia nhập CPTPP. London hy vọng sẽ hoàn tất các cuộc đàm phán với 7 nước thành viên đã phê chuẩn - Mexico, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam, Canada, Australia và New Zealand - vào cuối năm nay để có thể chính thức gia nhập vào năm 2022. RCEP có thể sẽ là đích đến tiếp theo của quá trình “hướng Đông” đầy triển vọng của nước Anh.

Hợp tác quốc phòng và an ninh

Trong số các nước châu Âu, Anh có các mối quan hệ an ninh mở rộng nhất với khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, Anh vẫn đang duy trì một căn cứ lục quân ở Brunei và một cơ sở hậu cần hải quân ở Singapore. Từ năm 1971, Anh là thành viên sáng lập Thỏa thuận quốc phòng 5 nước (FPDA) cùng với Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore. Trong 5 thập niên qua, FPDA đã phát triển từ một hiệp ước an ninh - quân sự thông thường thành một hiệp ước giải quyết những vấn đề mới như viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, chống khủng bố và an ninh hàng hải.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh.

Trong những năm gần đây, Anh đã gia tăng sự hiện diện ở khu vực Biển Đông. Từ năm 2018 đến năm 2020, 5 tàu chiến của lực lượng Hải quân Hoàng gia anh đã đi qua những vùng biển tranh chấp để thực hiện quyền tự do hàng hải. Năm 2020, Anh đã ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đối với vấn đề Biển Đông. Phán quyết tuyên bố rằng các yêu sách về quyền tài phán của Trung Quốc bên trong “đường 9 đoạn” của nước này là không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Anh vẫn đang có ý định mở rộng can dự với khu vực trong lĩnh vực quốc phòng - quân sự. Anh đang tiếp tục kế hoạch đưa nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dẫn đầu nhóm này là tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trọng tải 65.000 tấn và được hộ tống bởi nhóm 10 tàu chiến khác. Dự kiến nhóm tác chiến tàu sân bay này sẽ tham gia hoạt động ngoại giao hải quân bằng việc thăm cảng Singapore và các nước châu Á khác, tiến hành tập trận ở Biển Đông với các đối tác. Anh cũng có kế hoạch duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng việc nâng cấp các căn cứ và cơ sở quân sự ở Oman, vùng lãnh thổ Ấn Độ Dương của Anh cùng với các cơ sở ở Brunei và Singapore.

Bằng việc tham gia tất cả các sáng kiến này, Chính phủ Anh hy vọng rằng đến năm 2030, Anh sẽ “can dự sâu sắc vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tư cách là một đối tác châu Âu có sự hiện diện rộng nhất, tích hợp nhất nhằm hỗ trợ cho thương mại cùng có lợi, an ninh và những giá trị chung”. Chắc chắn đây là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng Anh được cho là có nền tảng vững chắc để xây dựng và đã cam kết các nguồn lực tài chính, ngoại giao và quân sự cần thiết để đạt được sự chuyển hướng sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.