Ariel Sharon: Con người quyết đoán

Thứ Năm, 19/01/2006, 08:22

Sharon không dừng lại trước bất cứ giới hạn "xanh" hoặc "đỏ" nào. Khi đã muốn cái gì, ông đều quyết đạt được bằng tất cả sức mạnh của mình, không đếm xỉa gì tới bất cứ ràng buộc nào về thể chế, đảng phái hay một cái gì khác. Với tính cách ấy, ông đã leo lên đến tột đỉnh quyền lực của Israel.

Thực ra, ngay từ nhỏ, Sharon đã  thể hiện tính cách mạnh mẽ và quyết đoán này. Bản thân ông cũng cho rằng tính cách ấy là bẩm sinh kể từ khi ông ra đời ở làng Kafar Malal tại Palestine năm 1928. Hai mươi năm sau, trong chiến tranh 1948, Sharon đã trở thành một chỉ huy quân sự táo tợn khiến cả kẻ thù và đồng sự của ông đều phải dè chừng.

Năm 1952, Sharon định cởi bỏ áo lính để tiếp tục con đường học vấn. Nhưng chỉ huy không chịu buông tha, Sharon được bổ nhiệm làm chỉ huy một đơn vị đặc nhiệm gọi là Đơn vị 101, có nhiệm vụ ngăn chặn các hoạt động cảm tử của Palestine từ dải Gaza và Bờ Tây xâm nhập Israel. Với bản tính quyết đoán, Sharon thường tự ý thừa hành nhiệm vụ mà không chịu tuân thủ bất cứ ràng buộc nào. Hồi ấy, cảm tử quân Palestine từ ngôi làng Qabbiyah ở Bờ Tây đã giết 1 phụ nữ Do Thái cùng 2 con nhỏ của bà này. Sharon liền mở một chiến dịch trả thù tập thể. Toàn thể dân làng bị đuổi ra khỏi nhà của họ và Sharon cho đốt phá hết nhà cửa. 56 người trong làng bị giết.

Trong chiến tranh tay ba chống Ai Cập năm 1956, Sharon chỉ huy đơn vị tại mặt trận Sinai (Ai Cập). Đánh nhau dữ dội khiến thương vong rất nghiêm trọng cho cả đơn vị của Sharon và quân Ai Cập. Sau đó, nhiều người phê phán Sharon đã không báo cáo với cấp trên thực tế xảy ra trên chiến trường. Thủ tướng thời ấy là David Ben Guorion đã gặp Sharon và hỏi: “Có phải anh đã không báo cáo đúng sự thật tại chiến trường?”. Tiếp đó, Sharon bị 2 vị tổng tham mưu trưởng quân đội là Ha'im Laskof và Tasfi Tsur cách chức chỉ huy quân đội vì cách hành xử bất tuân thượng lệnh. Laskof giải thích: “Anh ta là một chỉ huy nguy hiểm đối với quân đội”.

Tuy nhiên, đến năm 1964, vị Tổng tham mưu trưởng kế tiếp là Ishaq Rabin, người từng chiến đấu cùng ông Sharon thời kỳ 1948, đã bổ nhiệm Sharon làm Tư lệnh Lữ đoàn Phương Bắc với quân hàm thiếu tướng.

Trước chiến tranh 1967, lãnh đạo Israel rất do dự trước việc quân đội đòi phát động chiến tranh tấn công các nước Arập. Sharon đã đề xuất với Tổng tham mưu trưởng Rabin một kế hoạch “đảo chính chớp nhoáng” để quân đội tự do phát động chiến tranh, rồi trả lại quyền cho chính phủ để phải điều hành chiến tranh trong tình thế đã rồi.

Kế hoạch của Sharon khi ấy là: Mời tất cả nội các đến họp với Bộ Tổng tham mưu, rồi bắt giữ họ tại chỗ, tuyên bố chiến tranh và thả nội các ra khi chiến tranh đã bùng lên. Kế hoạch này của Sharon không thực hiện được vì chiến tranh đã có nguyên cớ khác để nổ ra.

Trong chiến tranh, Sharon lại chỉ huy lữ đoàn của mình tại mặt trận Sinai, đương đầu với quân đội Ai Cập là chủ công của Lực lượng Arập. Sharon bị chỉ trích vì “đánh nhau quá tàn khốc, mạo hiểm và thường tiền trảm hậu tấu”.

Sharon là người đầu tiên đưa ra chủ trương mở những chiến dịch ám sát các chỉ huy chiến trường của Palestine. Từ năm 1971, Sharon đã thực hiện một loạt chiến dịch loại này, hạ sát nhiều chỉ huy quân sự của Palestine ở Bờ Tây bị Israel chiếm đóng. Ban đầu ông ta cho xây dựng một trại huấn luyện quân sự. Sau đó, trại huấn luyện này biến thành một “khu gia binh”, rồi từ đó chuyển thành một khu định cư dân sự. Cũng với tính cách ấy, Sharon bước vào con đường chính trị. Năm 1973, ông ta thống nhất các lực lượng cánh hữu Do Thái để thành lập đảng Likud và ứng cử vào Quốc hội Israel.

Khi nổ ra chiến tranh 1973, Sharon từ chức nghị sĩ để trở lại quân đội. Ông lại chỉ huy chiến đấu tại mặt trận miền Nam Sinai. Khi quân đội Ai Cập đang ở thế thắng, Bộ trưởng Quốc phòng Israel ra lệnh rút lui thì Sharon bắt đầu tuân lệnh. Ông cho lữ đoàn của mình mạo hiểm vượt kênh đào Suez, đánh thẳng sang phần lãnh thổ Ai Cập trên lục địa châu Phi, bao vây và bức hàng toàn bộ chỉ huy Quân đoàn 3 của Ai Cập đóng tại Ismailiyah bên Bờ Tây Suez. Chiến thắng này của Sharon đã đẩy quân đội Ai Cập vào thế bị động, góp phần buộc họ phải chấp nhận ngưng chiến và các điều kiện trao đổi tù binh. Sharon bị chỉ trích là quá mạo hiểm, bất tuân lệnh rút quân và khiến quân đội bị thương vong quá nhiều. Nhưng nhiều người khác ngợi ca chiến công của Sharon, coi đó là khởi đầu cho sự lật ngược tình thế của Israel, chuyển bại thành thắng.

Năm 1977, Sharon trở lại chính trường với ghế Bộ trưởng Nông nghiệp, nhưng đòi làm Bộ trưởng Quốc phòng. Thủ tướng Israel khi ấy là Menahem Begin đã không chấp thuận đòi hỏi của Sharon vì sợ ông này có ngày “chiếm mất nhà của thủ tướng”. Tuy nhiên, 4 năm sau, chính Begin đã bổ nhiệm Sharon làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ai cũng biết câu chuyện ấy. Năm 1982, Sharon đề nghị với Chính phủ cho ông đưa quân vào Liban để đánh lực lượng kháng chiến Palestine trong phạm vi 18 cây số và chỉ trong thời gian tối đa là 48 giờ. Thế rồi, Sharon tiến quân đến tận cửa ngõ  thủ đô Beirut và quân đội Israel ở lại Liban suốt 18 năm sau đó.

Thủ tướng tiếp theo là Yitzhak Shamir từng nói với các cố vấn của ông rằng, ông sợ Sharon làm đảo chính quân sự lật đổ mình. Do đó, Sharon chỉ được giao ghế Bộ trưởng Nhà ở. Sharon bèn tập trung quyền hành để cho xây dựng rất nhiều khu định cư Do Thái trên tất cả các đỉnh đồi ở Bờ Tây và cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng. Mặt khác, Sharon lãnh đạo toàn bộ cánh hữu chống lại cánh tả và các đảng chính trị ung dung trên chính trường Israel. Cánh tả quy cho Sharon trách nhiệm chính trong các chiến dịch của cánh hữu chống lại đường lối hòa bình của cựu Thủ tướng Yitzhak Rabin, dẫn đến việc ông này bị ám sát.

Ông Sharon luôn tỏ ra nghiệt ngã đối với các đối thủ chính trị cả về đối nội và đối ngoại. Sharon coi họ là “phản bội” mỗi khi họ quyết định bất cứ nhượng bộ hoặc cảm thông nào đối với Palestine. Đến khi buộc phải tiếp xúc với Yaser Arafat trong một lần duy nhất, ông cũng không chịu bắt tay lãnh tụ Palestine.

Cách nay 5 năm, khi tranh cử thủ tướng, Sharon hãnh diện khoe rằng, người Palestine rất ngại ông và phải dè chừng ông tới “một nghìn lần”.

Một Sharon có quá trình như thế lại chính là người đứng lên lái chính trường Israel theo những thay đổi lớn lao trong các quan điểm chính trị và đảng phái suốt 2 năm qua. Con người đã tiến chiếm Gaza thì nay lại quyết định từ bỏ vĩnh viễn dải đất này. Chính con người đã khởi xướng thiết lập các khu định cư Do Thái và từng coi đó là “phương sách duy nhất” để bảo đảm sự tồn tại cho người Do Thái, thì nay lại quyết định triệt thoái toàn bộ các khu định cư này khỏi Gaza và 4 khu tại Bờ Tây. Chính con người đã thống nhất các lực lượng cánh hữu trong một đảng Likud thì nay lại quyết định rời bỏ cánh hữu. Đó là Sharon, con người mà cánh tả Israel từng nhiều lần miệt thị là “tội phạm chiến tranh”, “kẻ dối trá mãn tính” và “biểu tượng của tham nhũng”.

Vậy mà hôm nay, một nhà văn nổi tiếng của cánh tả Israel - Doron Roznablom đã phải thốt lên: “Tôi chưa từng thấy điều lạ lùng nào như thế. Ngày nay những người cánh tả chúng ta lại đang đặt mọi hy vọng vào ông ta (Sharon). Chúng ta mở to mắt nhìn, dỏng tai nghe và không thể tin được rằng người mà chúng ta luôn căm ghét lại đang dẫn dắt chúng ta đến bến bờ hy vọng. Liệu điều này có lý hay không?”.

Quả là Sharon vẫn kiên trì mạo hiểm dẫn dắt Israel như suốt đời ông từng hành động như thế. Nhưng sự nghiệt ngã của số mệnh có lẽ đã không cho phép Sharon tiếp tục tham vọng khi ông bước sang tuổi 78

Nguyễn Ngọc Hùng (Theo báo nước ngoài)
.
.