Ariel Sharon và cuộc khủng hoảng chính trị tại Israel

Thứ Ba, 29/11/2005, 00:14

Theo Hãng tin Reuters, Thủ tướng Israel Ariel Sharon vừa đưa ra quyết định từ bỏ đảng cầm quyền Likud và thành lập một đảng mới để tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn.

Chính trường Israel đang khủng hoảng nghiêm trọng, Thủ tướng Ariel Sharon đã tuyên bố: “Một cơn chấn động chính trị đang tới gần!”. Majalli Whbee, một nghị sĩ của đảng Likud rất thân cận với ông Sharon, đã nói với Đài Phát thanh quân đội về việc, Thủ tướng đã gọi điện cho ông ta vào tối chủ nhật, nói về quyết định thành lập đảng mới của mình. Đây chắc chắn sẽ là một bước ngoặt lớn trong các chính sách của Israel, đồng thời là một nước cờ mạo hiểm của vị thủ tướng đã 77 tuổi - Ariel Sharon.

Các nhà quan sát nhận định, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới quyết định từ bỏ đảng Likud của ông Sharon chính là việc đang tồn tại một phe nhóm đối lập mạnh ngay trong nội bộ đảng, luôn tìm cách phá hoại việc thông qua những quyết định chủ chốt của chính quyền.

Cho dù đã đạt được một số tiến bộ quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Palestine, ông Ariel Sharon vẫn đang phải hứng chịu những sức ép rất nặng từ ngay trong nước. Trong nội bộ đảng Likud, ông Sharon thường xuyên gặp phải sự chống đối của đối thủ chính Benjamin Netanyahu. Ngoài các chính sách bị ngăn cản ngay từ nội bộ Likud, ông Sharon còn phải đối diện với nguy cơ bị phế truất khỏi chiếc ghế lãnh đạo Likud bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, còn một yếu tố không kém phần quan trọng là Công đảng đã bỏ phiếu thông qua quyết định từ bỏ liên minh cầm quyền của ông Sharon. Đề xuất được đưa ra bởi thủ lĩnh mới Amir Peretz đã nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của đa số các thành viên trong Ủy ban trung ương của Công đảng. Trước cuộc bỏ phiếu này, Peretz đã có một bài phát biểu chính thức, trong đó phác họa những quan điểm của Công đảng tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa tới.

Về mặt kinh tế, Peretz buộc tội Chính phủ của ông Sharon trong việc làm bần cùng hóa người dân Israel. Ông kêu gọi những người ủng hộ đảng Likud thuộc các tầng lớp dân nghèo chuyển sang ủng hộ Công đảng. Peretz cũng bày tỏ quan điểm của mình liên quan đến những chủ đề truyền thống trước khi tranh cử liên quan đến xung đột với phía Palestine và vấn đề an ninh, tất cả đều nhằm phê phán gay gắt những chính sách của ông Sharon.

Tất nhiên là phải kể đến những rắc rối mới đây liên quan đến cậu con trai cả Omri Sharon, hiện đang là nghị sĩ Quốc hội. Omri vừa phải ra tòa vì những cáo buộc liên quan đến việc thành lập một loạt công ty giả mạo để quyên góp tiền cho chiến dịch tranh cử của cha trước đây. Nếu những tội trạng này được chứng minh, Omri Sharon có thể sẽ phải đương đầu với bản án tối đa là 5 năm tù. Sự kiện này là một đòn nặng giáng vào uy tín của đương kim Thủ tướng Israel. Kết quả thăm dò cho thấy, phần lớn người dân đều bày tỏ sự nghi ngờ đối với cam kết của Sharon, rằng ông “không hề biết gì về vụ việc này”.

Liên quan đến quyết định từ bỏ Likud, ông Sharon đã bắt tay vào đàm phán với các đồng minh chính trị với mục đích lôi kéo họ gia nhập đảng mới của mình. Ngày 21-11, Thủ tướng Ariel Sharon đã đề nghị Tổng thống Moshe Katsav giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm. Cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại Israel có thể sẽ diễn ra vào ngày 28/3/2006, thay cho kế hoạch đã định vào tháng 11/2006.

Sharon dự tính sẽ có khoảng từ 12 đến 16 nghị sĩ (trong tổng số 40 ghế của Likud tại Quốc hội), kể cả một vài bộ trưởng trong nội các sẽ cùng hợp tác với ông để tuyên bố thành lập một đảng mới. Phản ứng trước sự kiện này, nghị sĩ Michael Ratzon của Likud đã phát biểu: “Sau khi nhận được quá nhiều từ Likud, một đảng phái đã đặt cả niềm tin vào Sharon và trao cho ông ta chiếc ghế thủ tướng, Sharon đã phản bội niềm tin này. Đáng tiếc là một nhân vật tầm cỡ như trên lại kết thúc sự nghiệp chính trị của mình một cách quá nhỏ mọn!”

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.