Armenia “dậy sóng” trong cuộc chuyển giao bất thành

Thứ Sáu, 27/04/2018, 16:45
Trước làn sóng tuần hành, biểu tình phản đối trên cả nước kéo dài nhiều ngày qua, ngày 23-4, tân Thủ tướng Armenia Serzh Sarksyan vừa được Quốc hội bầu ngày 17-4 đã chính thức tuyên bố từ chức.

Hãng thông tấn nhà nước Armenpress của Armenia dẫn thông báo của Văn phòng báo chí Thủ tướng cho biết ông Sarksyan tuyên bố đã "phạm sai lầm và từ chức nhà lãnh đạo đất nước".

Cuộc chuyển giao không êm thấm

Ngày 23-4, sau khi ông Serzh Sargsyan từ chức thủ tướng do sức ép phản đối, chức quyền Thủ tướng Armenia được trao cho Phó Thủ tướng Karen Karapetian. Quyết định được đưa ra tại phiên họp bất thường của Hội đồng Bộ trưởng Armenia.

Thông báo của Cơ quan báo chí Hội đồng Bộ trưởng Armenia cho biết theo luật “về cơ cấu và hoạt động của chính phủ” và dựa trên tuyên bố từ chức của ông Serzh Sargsyan, Hội đồng Bộ trưởng đã công nhận ông Sargsyan không có khả năng thực hiện chức trách của thủ tướng. Chính phủ đã ra quyết định “Về quy định thủ tục thay thủ tướng trong trường hợp thủ tướng vắng mặt hoặc không có khả năng thực hiện chức trách”, theo đó chức vụ thủ tướng sẽ được giao cho phó thủ tướng.

Trước đó, đã không có cuộc "đối thoại chính trị" nào giữa tân Thủ tướng Armenia Serzh Sargsyan với thủ lĩnh phe đối lập Nikol Pashinyan. Căng thẳng gia tăng khi phe đối lập kiên quyết không chấp nhận tân Thủ tướng và cho rằng ông Serzh Sargsyan tham quyền cố vị.

Tình hình Armenia ngày một phức tạp hơn, dấu hiệu của một cuộc "Cách mạng Nhung" ngày càng rõ bởi những người biểu tình phong tỏa nhiều đường phố trung tâm ở thủ đô Yerevan của Armenia không thuyên giảm. Thủ lĩnh đối lập Nikol Pashinyan tuyên bố sẽ biểu tình và không đàm phán cho tới khi tân Thủ tướng Serzh Sargsyan từ chức và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Sự căng thẳng và quyết liệt của cả hai bên khiến cuộc đối thoại ngày 22/4 (giờ địa phương) giữa Thủ tướng Armenia Serzh Sargsyan với thủ lĩnh phe đối lập Nikol Pashinian chỉ vừa mở đầu đã ngay lập tức kết thúc mà không đạt thỏa thuận nào. Giải thích việc trở thành thủ tướng một cách hợp pháp, nhà lãnh đạo kỳ cựu, người từng là Tổng thống Armenia, cho rằng việc ông giữ chức thủ tướng là do tình hình địa chính trị phức tạp ở trong nước và chính quyền cần phải đảm bảo “phát triển an toàn cho đất nước”.

Tuy nhiên, phe đối lập và những người biểu tình ủng hộ phe này cho rằng, 4 năm trước, ông Sargsyan đã khởi xướng cuộc cải cách hiến pháp để chuyển đổi sang mô hình nghị viện quản lý, đồng thời cam kết sẽ không ra tranh cử thủ tướng sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Không chỉ chỉ trích ông Sargsyan phản bội lời hứa, những người biểu tình còn phản đối ông về nạn tham nhũng, tình hình xã hội phức tạp, với tỷ lệ di cư cao.

Cảnh sát Armenia ngăn chặn người biểu tình quá khích. Ảnh: Euronews.

Dấu hiệu cuộc “Cách mạng Nhung”?

Trước đó, cảnh sát Armenia bác tin thủ lĩnh phe đối lập Nikol Pashinyan bị bắt giữ trong cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát chống bạo động và người biểu tình tại thủ đô Yerevan. Thông báo của cảnh sát nêu rõ: “Bất chấp lời kêu gọi liên tiếp ngừng các cuộc biểu tình trái phép, ông Pashinyan tiếp tục dẫn đầu cuộc biểu tình”. Chính vì vậy, cảnh sát Armenia đã ra thông báo cho biết, phía cảnh sát thông báo thủ lĩnh phe đối lập Nikol Pashinyan bị “buộc rời khỏi cuộc biểu tình”.  

Theo hãng TASS, người biểu tình đã chặn kín mọi ngả vào khu vực quảng trường và bắt đầu dựng các chướng ngại vật ở đây, thậm chí, ngày 16/4, những người biểu tình cố tràn vào tòa nhà quốc hội, song bị cảnh sát ngăn chặn và đụng đột đã xảy ra khiến hàng chục người bị thương.

Nhiều chuyên gia phân tích, tình hình ở Armenia có dấu hiệu giống như một cuộc khủng hoảng chính trị. Những dấu hiệu như việc người biểu tình đã phong tỏa các tuyến phố, cây cầu tại thủ đô Yerevan, làm giao thông tại Yerevan và hai thành phố lớn khác bị tê liệt hay việc xung đột giữa người biểu tình với cảnh sát khiến nhiều người bị thương khi cảnh sát phải sử dụng vũ khí trấn áp bạo động đã cho thấy việc tổ chức bài bản và có hậu thuẫn giống như kịch bản ở Ukraine trước đây.

Theo các chuyên gia, tình hình tại Armenia có thể nguy hiểm hơn là do phe đối lập đã tuyên bố thành lập “Ủy ban Cách mạng Nhung”, theo đó kêu gọi người biểu tình tiếp tục bao vây các bộ, văn phòng công tố viên, Ngân hàng Trung ương và các tòa nhà công khác.

Theo ông Pashinyan, Ủy ban này sẽ lãnh đạo phong trào phản đối và "đưa phong trào đi đến thắng lợi cuối cùng. Các Ủy ban cách mạng sẽ được thành lập tại tất cả các tỉnh để phong tỏa các cơ quan nhà nước. Đây là những dấu hiệu cho thấy rất có thể sẽ có một "Maidan" ở Armenia.    

Nhà phân tích Aleksandr Iskandaryan và là Giám đốc Viện Kazkav nhận định, các cuộc biểu tình, bạo loạn theo chiến thuật và kịch bản rõ ràng gợi nhớ tới hành động của những người tham gia trong các cuộc “Cách mạng màu” xảy ra trong thời gian gần đây. Ngoài ra, “người khởi xướng” các cuộc biểu tình này là lãnh đạo đảng “Hiệp ước dân sự” là có nhiều kinh nghiệm biểu tình khi vào năm 2008, ông này đã tham gia vào “Maidan” do những người ủng hộ cựu Tổng thống Levon Ter-Petrosyan tổ chức. Sau sự kiện này, Pashinyan đã rời khỏi chính quyền khoảng gần 1 năm, đầu hàng và bị kết án 10 năm vì tổ chức gây rối, nhưng vào năm 2011 đã được phóng thích.

Chuyên gia chính trị học Sergay Markov nói: Trong các sự kiện ở Yerevan có đầy đủ các dấu hiệu của “Maidan”. Các cuộc biểu tình được tổ chức bởi các lực lượng chính trị thân phương Tây. Đã có những dấu hiệu cho thấy họ được Mỹ tích cực cung cấp tài chính”.

Dấu hiệu thứ hai, theo chuyên gia này, là tuần hành phản đối xuất hiện đúng vào thời điểm chuyển giao quyền lực. Điểm thứ ba là sự phản đối nhằm “chống lại nhà lãnh đạo được bầu hợp hiến nhưng đang có vấn đề với người dân”.

Các hành động được phương Tây chống lưng, cho nên, theo chuyên gia Makrov, kết cục cuối cùng sẽ nghe theo sự kích động của phương Tây, muốn tạo ra một nước Armenia thù địch với các đối thủ của phương Tây, như Nga chẳng hạn!

Huyền Hoa
.
.