Australia: Chính trường biến động

Thứ Hai, 27/08/2018, 16:30
Chính trường Australia những ngày qua đã lâm vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo nghiêm trọng khi ông Malcolm Turnbull liên tiếp đối mặt với thách thức quyền lãnh đạo từ ngay trong chính đảng của mình.

Dù ông đã vượt qua cuộc thách thức đầu tiên vào ngày 21-8 nhưng kết quả cuộc họp và bỏ phiếu lần thứ hai của đảng Tự do ngày 24-8, Bộ trưởng Ngân khố, kiêm quyền Bộ trưởng Nội vụ Australia Scott Morrison đã được bầu làm Chủ tịch đảng Tự do cầm quyền và sẽ trở thành thủ tướng thứ 30 của Australia.

Ông Turnbull tạm thời vượt qua thách thức quyền lãnh đạo sau khi chiến thắng với tỉ lệ phiếu 48-35 trước người thách thức là cựu Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton - là người phản đối ông Turnbull gay gắt sau quyết định thay đổi chính sách bảo đảm năng lượng quốc gia được đưa ra hôm 20-8. Ông Dutton đã tuyên bố thách thức quyền lãnh đạo của Turnbull và kêu gọi mở cuộc bỏ phiếu tại phòng họp riêng của đảng Liberal ở Hạ viện hôm 21-8.

Tuy thất bại nhưng ông Dutton không bỏ cuộc mà tuyên bố sẽ tiếp tục thách thức ông Turnbull lần thứ hai. Trong lần thứ hai này, ông Dutton sẽ vận động thêm một số thành viên chính phủ đứng ra thách thức quyền lực để gia tăng sức ép lên ông Turnbull.

Nguồn cơn cuộc khủng hoảng lãnh đạo hiện nay xuất phát từ chương trình năng lượng có tên gọi là Bảo đảm năng lượng quốc gia (NEG). Khoảng trung tuần tháng 8-2018, ông Turnbull mang NEG ra giới thiệu với thành viên liên minh cầm quyền tại cuộc họp bỏ phiếu thông qua tại phòng họp riêng của liên minh ở Hạ viện.

Hầu hết thành viên dự họp bỏ phiếu ủng hộ NEG nhưng vẫn còn một nhóm thành viên bảo thủ của liên minh, trong đó có cựu Thủ tướng Tony Abbott, vẫn phản đối quyết liệt vì cho rằng NEG đặt ra yêu cầu thể chế hóa (đưa vào luật) chỉ tiêu cắt giảm 26% khí thải theo thỏa thuận tại Hội nghị khí hậu Paris sẽ gây thiệt thòi lớn cho Australia. Bởi, theo lập luận của ông Abbott, trong khi các nước phát thải lớn trên thế giới còn không đáp ứng được các chỉ tiêu theo thỏa thuận Paris thì tại sao Australia phải tự buộc mình phải đáp ứng?

Tân Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: Reuters.

Nhóm nghị sĩ này dọa sẽ chuyển sang phe đối lập (làm mất thế đa số của liên minh) nếu ông Turnbull không thay đổi NEG. Với thế đa số chỉ hơn phe đối lập đúng một ghế, Turnbull không còn cách nào khác hơn là phải chấp nhận “hy sinh” NEG. Sáng 20-8, ông đưa ra quyết định hoãn vô thời hạn việc triển khai thực hiện NEG.

Quyết định của ông Turnbull được đảng Dân tộc và giới doanh nghiệp hoan nghênh vì đáp ứng được mong mỏi của họ. Nhưng quyết định này lại vấp phải sự phải sự phản đối của chính những thành viên đảng Liberal đã bỏ phiếu ủng hộ NEG.

Vấn đề nghiêm trọng đối với ông Turnbull trong cuộc đối đầu là sự ủng hộ của các thành viên trong đảng Liberal dành cho ông ngày càng giảm sâu. Đã có hơn 50% số bộ trưởng trong nội các nộp đơn xin từ chức vì cảm thấy không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông Turnbull.

Theo giới quan sát, việc ông Turnbull vượt qua Dutton trong cuộc bỏ phiếu thách thức hôm 21-8 vừa qua không phải vì tỉ lệ ủng hộ ông còn cao mà vì bản thân Dutton cũng là một nhân vật gây tranh cãi, khả năng thuyết phục sự ủng hộ trong Quốc hội yếu hơn Turnbull. Ngay tỉ lệ phiếu 48 ủng hộ và 35 chống cũng đã nói khá nhiều về sự bất tín nhiệm đối với ông Turnbull đang ngày càng lan rộng trong liên minh cầm quyền.

Để phản công những kẻ chống đối mình, ông Turnbull không ngần ngại sử dụng các thủ đoạn chính trị nhỏ nhặt nhất. Chẳng hạn, ông yêu cầu những người thách thức quyền lực ông viết một thư tay và đưa cho các thành viên đảng Liberal ký tên vào với lời xác nhận họ không còn tín nhiệm ông nữa. Kỳ hạn cho việc ký tên bất tín nhiệm này là Thứ Sáu ngày 24-8. Riêng đối với người thách đấu Dutton, ông Turnbull lôi ra vụ việc ông này từng cấp thị thực cho những phụ nữ tị nạn với tư cách lao động giúp việc nhà trái quy định của Australia.

Ông Malcolm Turnbull.

Chưa hết, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi vượt qua cuộc thách thức quyền lực đầu tiên, ông Turnbull còn úp mở ám chỉ sự can thiệp sâu vào chính trị của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, cáo buộc rằng “một số ít người trong nghị viện có sự hậu thuẫn của những người khác bên ngoài nghị trường đã tìm cách công kích, áp đảo những người khác làm nên cuộc thách thức này”.

Từ năm 2007 đến nay, Australia chưa có vị thủ tướng nào tại vị trọn một nhiệm kỳ. Trước năm 2007, Thủ tướng John Howard là người tại vị lâu nhất, từ tháng 3-1996 đến tháng 12-2007. Tính luôn ông Turnbull thì trong một thập niên qua, Australia có đến 5 thủ tướng và cả 5 người đều đối mặt việc thách thức quyền lãnh đạo - một thủ tục tranh chấp quyền lực theo quy định trong luật pháp Australia, thường được ví như cuộc “đảo chính” bằng nghị trường.

Cả 4 người tiền nhiệm của Turnbull trong giai đoạn này đều bị “lật đổ” bằng thủ tục thách thức quyền lực. Nếu bị “lật đổ” trong cuộc thách thức lần hai, Turnbull sẽ là vị Thủ tướng Australia thứ 5 bị lật đổ và Australia sẽ có vị thủ tướng thứ 6 trong vòng một thập niên. Điều này đang khiến cho Australia mang tiếng là “quê hương của đảo chính”.

Cuộc đấu đá quyền lực giữa ông Turnbull và ông Dutton bộc lộ thực tế đảng Liberal cầm quyền ở Australia đang chia rẽ sâu sắc giữa những nhóm lợi ích. Đây là một bất lợi rất lớn đối với đảng này khi cuộc bầu cử Quốc hội Australia đang đến gần, trong vòng 8 tháng tới. Chính vì vậy, một số nghị sĩ thành viên đảng Liberal đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự tranh đoạt quyền lực trong đảng, duy trì sự đoàn kết thống nhất để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử sắp tới.

Giới bình luận cho rằng nếu ông Dutton và những người ủng hộ ông trong nhóm nghị sĩ bảo thủ của Liberal quyết tâm giành quyền lực đến cùng, tổn thất không chỉ của riêng ông Turnbull nữa, mà đó sẽ là tổn thất của đảng Liberal.

An Châu (tổng hợp)
.
.