Australia với mục tiêu đẩy mạnh quốc phòng

Thứ Sáu, 31/07/2020, 10:39
Ngày 23-7, Australia đã đệ công hàm lên Liên Hiệp Quốc, bác toàn bộ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Còn trong báo cáo đánh giá chính sách quốc phòng được công bố đầu tháng 7, bên cạnh việc lo ngại về quốc phòng hiện tại, Canberra đang cân nhắc tăng cường năng lực các cuộc tấn công răn đe tầm xa và việc xây dựng một liên minh khu vực trong bước thay đổi lớn về chiến lược quốc phòng.

Australia cũng không giấu ý tưởng mở rộng quan hệ quốc phòng với các nước trong khu vực nhằm tạo ra một liên minh khu vực.

Báo cáo cập nhật quốc phòng đưa ra những ý tưởng về cách thức thực hiện mục tiêu nâng cao khả năng thực hiện các cuộc tấn công răn đe tầm xa. Báo cáo vạch ra một chiến lược quân sự mới tập trung vào việc răn đe nhằm đối phó với các mối đe dọa được cho là ngày một gia tăng. Văn kiện còn nói rõ rằng chiến lược cũ - được thực hiện từ những năm 1970 và tập trung vào việc ngăn chặn các thế lực thù địch tiếp cận bờ biển của Australia - quá thiên về phòng thủ. Thay vào đó, báo cáo đề xuất một chiến lược tấn công răn đe tầm xa hung hăng hơn.

Báo cáo cũng nói rằng trong tương lai, các lực lượng của Australia phải có khả năng giữ cơ sở hạ tầng có nguy cơ bị tấn công cách xa lực lượng của các đối thủ tiềm tàng, làm ảnh hưởng đến tính toán của họ về những tổn thất liên quan tới việc đe dọa các lợi ích của Australia.

Hải quân Australia được cho là đã đầu tư nhiều tỷ USD thời gian qua.

Tuy nhiên, báo cáo này lại chưa giải thích làm thế nào Australia có thể thực hiện được mục tiêu tiến hành các cuộc tấn công tầm xa quy mô lớn, đủ khả năng răn đe bởi hành động đó sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Và người ta chưa thấy kế hoạch nào cụ thể để Australia có được loại tên lửa hoặc máy bay có khả năng làm được điều này.

Ý tưởng lớn thứ hai trong báo cáo cập nhật quốc phòng của Australia là ủng hộ khu vực này nhiều hơn trước. Điều này phản ánh ở sự thay đổi lớn về trọng tâm địa lý trong nỗ lực quốc phòng của Australia. Nó tập trung chủ yếu vào việc hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực để bảo vệ các lợi ích lớn hơn trong cái gọi là “khu vực gần kề” của Australia, mở rộng ra toàn bộ Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á biển đảo cũng như Tây Nam Thái Bình Dương.

Ý tưởng này đã thoát ra khỏi chính sách “tự lực cánh sinh”, vốn là trọng tâm chính sách quốc phòng của Australia trong nhiều thập niên qua. Theo đó, Australia ưu tiên hơn cả các lực lượng bảo vệ mà không dựa vào đồng minh, trong khi các lực lượng hỗ trợ các đồng minh và liên minh ở xa có mức ưu tiên thấp hơn. Hiện tại, chính sách này dường như đã bị xếp xó vì báo cáo cập nhật đặt các quan hệ đối tác khu vực ngang hàng với việc bảo vệ Australia về mức độ ưu tiên.

Dường như Canberra đang lên kế hoạch ngày càng dựa vào các nước láng giềng thay vì tự lực cánh sinh trong sách lược an ninh của mình. Tất nhiên, việc Australia hợp tác tối đa với các nước láng giềng trong khu vực trong bối cảnh những căng thẳng chiến lược ở châu Á đang gia tăng cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy nhiên, vẫn còn có những câu hỏi lớn về cách thức mà Canberra chứng tỏ những sự thay đổi đáng kể này. Một là câu hỏi về mức độ phù hợp giữa các lợi ích cũng như các mục tiêu của nước này và các lợi ích cũng như mục tiêu của các nước láng giềng châu Á. Báo cáo cho rằng các nước trong phạm vi gọi là khu vực cận kề của Australia đều có chung các giá trị và tầm nhìn về một trật tự khu vực ổn định trong tương lai.

Có khác chăng chỉ là việc xử lý những vấn đề cụ thể, với từng cường quốc cụ thể. Và xem ra nếu xét về mặt này, sự tương đồng của Australia so với “khu vực cận kề” này có vẻ không cao cho lắm, theo đánh giá của một số nhà phân tích. Một thái độ khiêu khích cũng như chỉ trích công khai không được khuyến khích ở khu vực này, cho dù là đối với cường quốc nằm ngoài khối.

Hơn nữa, khu vực này vẫn cam kết tuân thủ các quy tắc nền tảng của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong nhiều thập niên qua, vốn không ủng hộ việc phát triển kiểu liên kết chiến lược chặt chẽ và mang tính loại trừ mà dường như đã được vạch ra trong các chính sách mới của Canberra. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Canberra sẽ sẵn sàng thực hiện một chính sách ngoại giao có chiều sâu, vốn là điều kiện cần thiết để thuyết phục các nước láng giềng ủng hộ tầm nhìn của họ. Và có vẻ như Australia cũng không đưa ra bất cứ tín hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng điều chỉnh tầm nhìn đó sao cho phù hợp với những lợi ích và quan điểm của các đối tác được đề xuất.

Câu hỏi còn lại là Australia có thể đóng góp gì về mặt quân sự để đảm bảo an ninh cho các nước láng giềng trong trường hợp xảy ra xung đột cường độ cao? Bất cứ một chiến lược nào cũng đều phải xoay quanh để trả lời những câu hỏi như vậy.

Thế còn về tiềm lực quân sự thực sự thì sao? Australia đã và đang đầu tư hàng chục tỷ USD vào các con tàu được thiết kế để cho phép họ triển khai các lực lượng đổ bộ trong một tình huống bất ngờ. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật không đưa ra bất kỳ thay đổi nào đối với các lực lượng theo kế hoạch này nhưng không rõ liệu Canberra có thể trợ giúp các nước khác đến đâu trong trường hợp một cuộc xung đột vũ trang thực sự xảy ra.

Lục quân Australia được đánh giá là có quy mô nhỏ tới mức không thể tạo ra khác biệt đáng kể trong bất kỳ cuộc chiến tranh trên bộ nào ở châu Á. Khi đưa ra báo cáo cập nhật, chính quyền của ông Scott Morrison tuyên bố sẽ chi 263 tỷ USD để phát triển các năng lực mới trong thập niên tới. Chỉ có điều, báo cáo không đề cập đến là gần như toàn bộ số tiền khổng lồ này đã nằm trong cam kết của các chính quyền tiền nhiệm. Vậy nên thực tế là mặc dù các rủi ro chiến lược ngày càng nhiều nhưng chính sách quốc phòng mới không đưa ra cam kết gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng.

Hiện Canberra lên kế hoạch duy trì ngân sách quốc phòng ở mức khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức đã được lập ra khoảng 25 năm trước khi châu Á đang trong thời bình và nền kinh tế Australia lớn hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Theo phân tích của các chuyên gia, nếu nghiêm túc về việc đóng một vai trò chiến lược quan trọng trong khu vực trong thập niên tới, Canberra sẽ buộc phải chi nhiều hơn cho quốc phòng và sử dụng các khoản chi đó một cách khôn ngoan, với một chiến lược cụ thể.

Hùng Thắng (Tổng hợp)
.
.