Ba người phụ nữ khuấy động chính trường Tây Ban Nha

Thứ Hai, 08/06/2015, 16:50
Cuộc bầu cử địa phương hôm 24/5 vừa qua được đánh giá có nhiều điều mới lạ so với thường lệ. Điều thứ nhất, có những người tái trúng cử lần thứ 10 liên tiếp chức danh trưởng làng, thị trưởng… Thứ hai là, lần đầu tiên các chính đảng “nhỏ lẻ” và mới thành lập giành được những chiến thắng quan trọng, tuy chưa đủ để lật đổ đảng Nhân dân (PP) Tây Ban Nha. Và hấp dẫn hơn cả là cuộc đua tranh gay cấn và sôi động của 3 người phụ nữ giành chức thị trưởng 2 thành phố lớn Madrid và Barcelona.

Cuộc đua gay cấn ở thủ đô Madrid

Cuộc đua tranh của 2 người phụ nữ cứng rắn như nhau nhưng đối nghịch hoàn toàn về hệ tư tưởng đã tạo nên bầu không khí sôi động tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Esperanza Aguirre, 63 tuổi, người của đảng PP đã giành chiến thắng sát nút đối thủ Manuela Carmena, 71 tuổi, để trở thành thị trưởng mới của Madrid.

Hai đối thủ Esperanza Aguirre và Manuel Carmena.

Cuộc đua sát nút giữa 2 người phụ nữ đối nghịch nhau hoàn toàn về hệ tư tưởng đã làm cho không khí chính trị tại thủ đô Tây Ban Nha sôi động hẳn lên. Hai bà Aguirre và Carmena đã không ngần ngại dành cho nhau những nhận xét, chỉ trích gay gắt. Aguirre đại diện cho đảng PP theo đường lối bảo thủ và bảo vệ lợi ích của giới tư bản.

Bà Aguirre là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, là "gương mặt thân quen" của chính trị Tây Ban Nha và thủ đô Madrid do từng làm Chủ tịch Thượng viện, rồi sau đó là Bộ trưởng Giáo dục và từng đứng đầu chính quyền vùng Madrid. Bà hứa hẹn bảo vệ giới doanh nghiệp, giảm thuế và phục hồi các mức phạt vạ do thành phố ban hành. Bà đặt mục tiêu bài trừ tình trạng người vô gia cư và người biểu tình trên đường phố, cho rằng chính họ đã xua đuổi du khách.

Trái ngược với Aguirre, bà Carmena xuất thân là một luật sư phục vụ cho phong trào công nhân lao động từ thời nhà độc tài Franco, từng là thành viên Đảng Cộng sản Tây Ban Nha (năm 1965) và là một chuyên gia soạn thảo báo cáo nhân quyền cho Liên Hiệp Quốc.

Khi cuộc bầu cử bắt đầu, Carmena có ý muốn nghỉ hưu ở tuổi 71, nhưng mọi người trong liên minh Ahora Madrid vận động, và nhất là khi biết bà Aguirre cũng tranh cử nên bà quyết định ra tranh cử. Carmena cho biết, điều bà lo nhất là tình trạng mất dân chủ và bê bối tham nhũng tràn lan tại Madrid. Ưu tiên hàng đầu của Carmena là biến Madrid thành một thành phố công bằng. Bà rất tâm đắc lời khuyên của cựu Tổng thống Uruguay Jose Mujica (người gốc xứ Basque, Tây Ban Nha) về tầm quan trọng của việc tập hợp tất cả lực lượng cánh tả lại để có thể giành lấy chiến thắng trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Carmena đã không thực hiện được theo lời khuyên đó, đành chấp nhận thất bại sát nút.

Tuy thua cuộc, nhưng bà Carmena và đảng Podemos của bà đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên trở thành lực lượng chính trị quan trọng.  Liên minh các đảng "nhỏ lẻ" Ahora Madrid do đảng Podemos dẫn đầu giành kết quả nổi bật, chỉ kém đảng cầm quyền PP 1 ghế trong Hội đồng thành phố. Trong khi đó, mặc dù tiếp tục giành chiến thắng tại thành phố Madrid, nhưng đảng PP đang phải đối mặt với khả năng bị mất quyền kiểm soát thành phố này.

Nữ chiến binh chống nghèo đói xứ Catalan

Tại thành phố Barcelona, Ada Colau - đại diện cho một đảng "nhỏ lẻ" khác là Barcelona en Comú (Barcelona đại chúng) cũng đã làm nên lịch sử với chiến thắng ngoạn mục trước đối thủ thuộc đảng PP và trở thành nữ Thị trưởng thành phố này. Ngoài ra, Barcelona en Comú cũng giành chiến thắng với 11/41 ghế hội đồng thành phố.

Tân Thị trưởng Barcelona, Ada Colau

Năm nay 41 tuổi, Colau xuất thân là nhà hoạt động vì lợi ích dân nghèo, được báo chí Tây Ban Nha mệnh danh là "chiến binh chống đói nghèo". Là thành viên sáng lập của Tổ chức Diễn đàn Nạn nhân thế chấp (Mortgage Victims' Platform - MVP), Colau hăng hái tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ cho dân nghèo vay nợ thế chấp tại các ngân hàng. Năm 2013, bà cùng một nhóm nhà hoạt động của MVP chiếm giữ một ngân hàng đòi lãnh đạo ngân hàng này phải thương lượng với một nông dân nghèo để giúp anh ta có cách trả nợ thế chấp.

Bước vào tranh cử, vấn đề nợ thế chấp được Colau đặt ra như một mục tiêu ưu tiên hàng đầu cần giải quyết nếu bà giành chiến thắng. Những bài phát biểu của Colau về vấn đề này luôn thu hút rất đông người và luôn gây hứng khởi cho người nghe. Bà tuyên bố thực hiện các "giải pháp cấp thiết" như giảm lương của bản thân còn 2.200 euro, xóa bỏ xe công và xóa bỏ việc dùng ngân sách chi cho hội họp.

Trong khi đó, Barcelona en Comú là một liên minh tập hợp tất cả những đảng phái nhỏ lẻ và thiên tả tại Barcelona, kể cả đảng Podemos, và đã giành được sự ủng hộ cao của dân chúng tại đây. Và đây chính là lý do giúp Colau và Barcelona en Comú giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử ngày 24/5 vừa qua.

Đối với Thủ tướng Mariano Rajoy, kết quả cuộc bầu cử địa phương vừa qua thật đáng thất vọng, đảng PP của ông bị mất phiếu nghiêm trọng nhất kể từ 20 năm qua, đặc biệt là việc để mất một số thành phố quan trọng, trong đó có Barcelona và Valencia. Mặc dù vẫn dẫn đầu cả nước với 27% phiếu, nhưng so ra thì đã giảm mạnh kể từ lần bầu cử vào năm 2011. Trong cuộc bầu cử năm 2011, PP đã mất 2,5 triệu phiếu về tay các đảng phái đối lập, và nguyên nhân khi đó được cho là ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công với việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, đồng thời tỉ lệ thất nghiệp cao 2 con số và một loạt vụ bê bối tham nhũng.

Các đảng "nhỏ lẻ" và mới xuất hiện chưa lâu như Podemos và Ciudadanos đã vận động rất quyết liệt nhằm khẳng định chỗ đứng trên chính trường. Theo giới phân tích, có khả năng Ahora Madrid liên minh với đảng Xã hội để chiếm thế đa số, từ đó giành quyền kiểm soát thủ đô Tây Ban Nha từ tay PP.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đau đầu sau cuộc bầu cử địa phương vừa qua.

Từ đó, ông Rajoy đã nhìn thấy một thực tế ngày càng nhiều người không ưa thích cách lãnh đạo đất nước của ông. Nó khiến ông lo lắng nghĩ đến những kết quả còn tồi tệ hơn khi bước vào kỳ tổng tuyển cử (bầu cử Quốc hội toàn quốc) vào cuối năm nay. Tuy không muốn thực hiện thay đổi lớn nào trong đảng và chính phủ, nhưng ông Rajoy cũng thừa nhận đảng PP của ông cần phải thay đổi cách tiếp cận cử tri, cần phải "gần gũi họ hơn và giao tiếp với họ nhiều hơn" nếu muốn tiếp tục giành chiến thắng trước các đối thủ mới nhưng gây ấn tượng mạnh như đảng Podemos hay Ciudadanos.

Nhiều khả năng 2 đảng mới này sẽ giành được số phiếu khá cao để lần đầu tiên trở thành "đảng lớn", xếp ngang hàng với PP và thậm chí vượt mặt đảng Xã hội.

An Châu (tổng hợp)
.
.