Bài toán khó của ông Modi

Thứ Hai, 22/04/2019, 14:15
Trong gần 40 ngày, bắt đầu từ 11-4, khoảng 900 triệu người dân Ấn Độ đủ điều kiện sẽ đi bỏ phiếu để lựa chọn tương lai cho đất nước hơn 1,3 tỷ dân trong cuộc tổng tuyển cử vốn được đánh giá là tốn kém nhất thế giới. Phần lớn cuộc tranh luận sẽ tập trung vào bảng tổng kết của chính phủ ông Narendra Modi lãnh đạo kể từ năm 2014 cho đến thời điểm trước cuộc tổng tuyển cử lần này.

Giữa những sáng kiến thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước như quy định mới về luật phá sản, xóa các khoản nợ xấu của ngân hàng hay nỗ lực tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và những việc được cho là đã kìm hãm sự tăng trưởng như chiến dịch phi tiền tệ hóa, áp dụng thuế VAT quốc gia thống nhất, cái gọi là “phương thức quản trị Modi” đang đặt ra những câu hỏi.

Tại một đất nước mà mỗi tháng có tới 1 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động, liệu các chính sách đó có khả năng tạo đủ việc làm? Chính sách “Made in India”, một trong những trục chính của chính sách kinh tế, đã mang lại kết quả cụ thể như thế nào?

Ủy ban Thống kê quốc gia Ấn Độ cuối cùng đã công bố các số liệu cho thấy trong giai đoạn nắm quyền của đảng Quốc đại Ấn Độ (đến năm 2014), GDP nước này tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với thời giai đoạn nắm quyền của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của ông Narendra Modi. Tuy nhiên, cuối tháng 11-2018, Văn phòng Thống kê trung ương Ấn Độ đã công bố số liệu thống kê cho thấy một kết quả ngược lại. GDP tăng trưởng trung bình 6,7% trong giai đoạn 2005-2014, so với 7,3% từ năm 2014 đến nay.

Với con số này, tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ thuộc nhóm phát triển nhanh nhất thế giới. Nền kinh tế đã đạt đến mức của các quốc gia như Pháp, Anh và dự kiến sẽ vượt qua họ vào cuối năm 2019.

Ông Narendra Modi tại một điểm bầu cử.

Ông Modi đưa ra một loại thuế hàng hóa và dịch vụ mới giúp Ấn Độ tăng 65 bậc trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về phương thức hỗ trợ kinh doanh.

Tuy nhiên, ngày 31-1, Văn phòng Thống kê trung ương Ấn Độ đã công bố mức tăng trưởng GDP gia tăng mạnh mẽ trong năm tài khóa 2016-2017. Đây cũng là giai đoạn Ấn Độ thực hiện phi tiền tệ hóa. Mức tăng trưởng GDP ước tính cho năm 2018 thậm chí còn tăng từ 7,1% lên 8,2%.

Dù liên tục đổ lỗi cho người tiền nhiệm về sự trượt giá của rupee, đồng nội tệ của Ấn Độ vẫn tiếp tục giảm, với mức thấp kỷ lục 74 rupee/USD, phần lớn là do giá dầu trước khi phục hồi. Và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, việc thu hồi 86% tiền giấy đang lưu hành hồi tháng 11-2016 đã khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn. Nó đã đẩy khu vực phi chính thức - vốn phụ thuộc vào các giao dịch tiền mặt và đóng vai trò sống còn đối với nền kinh tế Ấn Độ rơi vào sự hỗn loạn. Một lần nữa, các số liệu về tăng trưởng GDP bị chỉ trích mạnh mẽ.

Theo con số được công bố, tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ chỉ vào khoảng 3%. Thực tế này có thể hiểu được bởi dấu hiệu của một nền kinh tế bắt đầu phát triển: sự có mặt khắp nơi của nền kinh tế phi chính thức, số lượng lớn những công việc mang tính thời vụ đã ngăn chặn tình trạng thất nghiệp hoàn toàn.

Tuy nhiên, việc làm trở thành một vấn đề mấu chốt tại một đất nước có dân số trẻ như Ấn Độ. Mỗi năm, có từ 10 đến 12 triệu thanh niên Ấn Độ đến tuổi tham gia thị trường lao động. Đó là chưa kể có thêm một số lượng không nhỏ nông dân tìm cách từ bỏ công việc đồng ruộng để tìm kiếm việc làm nơi đô thị, các thành phố lớn.

Tuy nhiên, quan trọng nhất, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Ấn Độ được cho là không phục vụ lợi ích cho nhóm người nghèo. Trong khi chính phủ đã giấu dữ liệu thất nghiệp chính thức, một nghiên cứu từ Đại học Azim Premji cho thấy tăng trưởng GDP 7% khiến tăng trưởng việc làm chưa tới 1%.

Trung tâm theo dõi kinh tế Ấn Độ cho biết dữ liệu sơ bộ cho thấy Ấn Độ đã mất khoảng 11 triệu việc làm trong năm ngoái, đa số là những phụ nữ nghèo, ít học. Các cuộc biểu tình rầm rộ đã nổ ra khi quan ngại gia tăng rằng sẽ không đủ việc làm cho 1 triệu người Ấn Độ tham gia nhóm người lao động mỗi tháng.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là một chỉ số quan trọng để đánh giá chính sách của chính quyền ông Modi. Ngay từ khi lên nắm quyền, ông Modi đã tuyên bố mong muốn thu hút các nguồn vốn nước ngoài để công nghiệp hóa đất nước.

Tên lửa Brahmos - niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.

Ngày 20-2, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định công bố những số liệu về FDI của quý 3 và quý 4 năm 2018, theo đó những dòng vốn đầu tư nước ngoài đã bắt đầu sụt giảm. Trước đó, nó được ghi nhận là đã tăng trưởng rất mạnh mẽ trong 2 năm đầu khi ông Modi mới lên nắm quyền.

Một trong những vấn đề mà chính phủ của ông Modi “ghi điểm” được, đó là việc “giải quyết nhanh gọn”, mạnh mẽ và rõ ràng đối với cuộc tấn công tại Kashmir hồi tháng 2 vừa qua. Việc đáp trả mạnh mẽ bằng hành động quân sự đối với quốc gia láng giềng vốn không mấy “cơm lành, canh ngọt” nhưng không để căng thẳng leo thang đã nhận được sự đồng tình của không ít tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, bản thân câu chuyện giải quyết ở các vùng xung đột thì lại chưa nhận được sự đồng tình cao từ trong nước. Chi tiêu quốc phòng giảm theo GDP. Tỷ trọng chi tiêu ngân sách cho trang thiết bị quân sự mới bị thu hẹp, khiến Ấn Độ thụt lùi trong cuộc chạy đua với các đối thủ xung quanh.

Đồng thời, tình hình ở khu vực Kashmir còn trở nên tồi tệ hơn với số lượng các vụ khủng bố thống kê được đã tăng gấp đôi kể từ năm 2014.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.