Bảo vệ chính khách tại World Cup 2006

Thứ Tư, 05/07/2006, 08:00

Khi vừa bước xuống máy bay, các chính khách nước ngoài đã được bảo vệ bởi Đội Đặc nhiệm bảo vệ của Tổng thống Đức và Đại đội Biên phòng 9 (GSG9), thậm chí, các nhân viên phục vụ cũng đều là do thành viên của các đội bảo vệ này cải trang.

Trong thời gian diễn ra World Cup, rất nhiều cổ động viên từ khắp nơi trên thế giới đổ sang Đức để cổ vũ cho đội tuyển nước mình, trong số đó, có không ít các chính khách quan trọng. Bảo vệ các chính khách quan trọng an toàn chính là bảo vệ danh tiếng của tổ quốc, bởi vậy nước Đức đã thực hiện bảo đảm an toàn cấp 1 cho các vị khách này, từ công việc chuẩn bị cho đến việc bảo vệ tại hiện trường, từ sắp xếp lực lượng đến trang bị vũ khí, tất cả đều được áp dụng triệt để, tránh sơ suất dù là nhỏ nhất.

Con kiến cũng không lọt qua mắt của Đội Đặc nhiệm bảo vệ

Đội Đặc nhiệm bảo vệ Tổng thống Đức gồm hơn 500 người thuộc Cục Cảnh sát hình sự Liên bang Đức. Đội có nhiệm vụ chuyên bảo vệ các quan chức lãnh đạo của Đức và các chính khách đến thăm nước Đức trong suốt thời gian thi đấu. Một nhóm nhân viên được tách ra để làm tiền trạm, chuyên tiến hành giáo dục an toàn, phát tờ rơi tuyên truyền cho nhân viên khách sạn nơi các chính khách ở và các cư dân xung quanh khách sạn. Trong đó, yêu cầu người dân hợp tác và tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc không tiếp đãi người lạ. Trước khi các chính khách vào khách sạn, nước trong bể bơi được tiến hành kiểm tra độc tính, ngay cả nhân viên nhà bếp của khách sạn cũng phải trải qua cuộc thẩm tra về an toàn thực phẩm.

Ngoài đội bảo vệ túc trực 24/24 giờ, các khách sạn này còn được trang bị rất nhiều máy camera giám sát nhanh nhạy. Những thiết bị này được điều khiển bằng máy tính, trong trường hợp xảy ra tình hình nguy hiểm, nó tự động phát chuông cảnh báo. Tất cả những nhân viên tiếp cận chính khách bao gồm phóng viên, nhân viên phục vụ, đầu bếp... đều bị giám sát chặt chẽ. Đối với các phóng viên muốn tác nghiệp phỏng vấn, phải có thẻ nhà báo đặc biệt. Loại thẻ này có mã số, sau mỗi lần làm việc sẽ đổi màu một lần, đồng thời đổi mật mã mới, nhằm chống ngụy tạo.

Đội bảo vệ còn được trang bị một chiếc xe thăm dò điều khiển từ xa. Nó có thể lên xuống cầu thang, tự mở cửa, quét góc, chuyển bom, có khả năng thay thế công việc chân tay cho hơn 1.000 nhân viên bảo vệ. Tất cả những vật nguy hiểm đều không lọt qua được “đôi mắt thần” của nó.

Nhiệm vụ bảo vệ

Đối với Đội Đặc nhiệm bảo vệ Tổng thống Đức, bảo vệ tại hiện trường là công việc khó khăn nhưng cũng rất lý thú đối với họ. Tại sân bay nơi máy bay của các chính khách sẽ đáp xuống, đội bảo vệ thường bố trí nhân viên cảnh sát túc trực. Tất cả nhân viên làm việc tại sân bay, bao gồm lái xe, nhân viên kiểm tra an ninh, nhân viên phục vụ... đều do nhân viên đội bảo vệ đảm nhiệm. Vì vậy, khi các chính khách bước xuống máy bay là đã nằm trong hai vòng bảo vệ an toàn. Một là các nhân viên bảo vệ mặc đồng phục cảnh sát. Còn vòng kia là do tổ bảo vệ cải trang thành nhân viên sân bay.

Ngay cả khi các quan khách muốn đi dạo phố, họ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của đội bảo vệ. Người được bảo vệ luôn ở giữa đội hình, một nhân viên ở bên trái chính khách, đồng thời là người chỉ huy, một người bảo vệ phía bên phải, một người phía trước có nhiệm vụ mở đường, hai người bảo vệ phía sau.

Nếu chính khách đi lại bằng ôtô, bảo vệ họ bằng cách phong tỏa. Hơn nữa, cuối đoàn xe bao giờ cũng có một chiếc xe chống đạn dự phòng, để phòng trường hợp xe chở chính khách xảy ra sự cố. Ngoài ra, đoàn xe luôn duy trì liên lạc với trung tâm chỉ huy, những thông tin liên lạc chuyển về trung tâm này được tính bằng giây. Trong trường hợp phát sinh sự cố, trực thăng và xe cứu thương hỗ trợ lập tức được điều động.

Trong đội bảo vệ luôn có chuyên viên kiểm tra chất độc trong thực phẩm. Khi các chính khách được mời đến dự tiệc, tất cả đồ ăn, đồ uống đều được kiểm tra độc tố.

Huy động cả Đội Đặc nhiệm chống khủng bố

Đó chính là Đại đội Biên phòng 9, gọi tắt là GSG9, là lực lượng nòng cốt của Đội Đặc nhiệm chống khủng bố Đức. Trong thời gian diễn ra World Cup, nhiệm vụ bảo vệ chính khách được đưa lên hàng đầu. Vì vậy, Đội GSG9 có nhiệm vụ hỗ trợ Đội Đặc nhiệm bảo vệ Tổng thống.

Đại đội GSG9 trực thuộc Bộ Nội chính Đức, tổng hành dinh nằm bên bờ sông Rhine cách thành phố Bonn 30km về phía đông nam. Tổ chức này có hơn 300 người, được chia thành 4 tiểu đội đột kích, mỗi một phân đội khoảng 30-40 người. Đơn vị tác chiến chủ yếu là tổ hành động đặc biệt, mỗi tổ gồm 5 người. Các thành viên của tổ chức này chủ yếu đến từ quân đội quốc phòng và đội cảnh sát biên phòng, có thể lực, mưu trí và ý chí cao.

Để trở thành thành viên của đại đội này cần phải vượt qua 9 tuần bồi dưỡng kiến thức cơ bản và 13 tuần huấn luyện quân sự, bao gồm: chiến đấu, bơi lặn, leo dây từ trực thăng xuống đất... Huấn luyện bắn súng yêu cầu đặc biệt nghiêm khắc, trong đó tâm điểm là phải bắn trúng một đồng xu có đường kính 28mm cách vị trí đứng 300m. Đại đội 9 được trang bị rất nhiều thiết bị tiên tiến, hiện đại như thiết bị nhìn trong bóng tối, súng lục mini, thiết bị thông tin có độ nhạy cao... Ngoài ra còn được trang bị loại đạn có sức công phá lớn, có khả năng xuyên qua kính chống đạn dày 30cm.

Thành tích xuất sắc nhất của GSG9 là kế hoạch “Magic fire”. Đó là vào ngày 13/10/1977, chuyến bay 181 từ Tây Ban Nha sang Đức bị bọn khủng bố bắt làm con tin. 60 nhân viên đội đột kích được lệnh lập tức đến hiện trường và chỉ trong vòng 5 phút họ đã kết thúc cuộc chiến, không một con tin nào bị tử vong

Hoàng Hạnh (Theo Le Figaro)
.
.