Bất ngờ với chính sách châu Á của chính quyền Tổng thống D.Trump

Thứ Năm, 27/04/2017, 15:45
Chỉ trong vòng hơn hai tháng qua, ba nhân vật cao cấp của Mỹ đã đến châu Á. Tháng 11 tới, Tổng thống Donald Trump sẽ sang châu Á dự hàng loạt hội nghị quan trọng của quốc tế và khu vực. Khác với những tuyên bố lúc tranh cử, chính quyền của Tổng thống Trump đang hối hả tiến hành một kịch bản “xoay trục sang châu Á” khác với chính quyền tiền nhiệm Obama.

Ngày 15-3, tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đến thăm Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc với 3 mục tiêu chính. Thứ nhất là chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình diễn ra vào 7 và 8-4 tại Mỹ. Thứ hai, ông Rex Tillerson muốn nói với 3 nước trên về vấn đề Triều Tiên theo hướng cứng rắn hơn. Và điểm thứ ba, mục tiêu của ông Rex Tillerson là chuyển đi thông điệp rằng, Mỹ và Trung Quốc cần phải tránh một cuộc chiến tranh thương mại. Đây là một trong những vấn đề hết sức quan trọng mà hai bên phải nỗ lực rất lớn.

Một tháng sau chuyến thăm của người đứng đầu ngành ngoại giao, ngày 16-4, Mike Pence, Phó Tổng thống Mỹ đã có chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương kéo dài 10 ngày, cụ thể tại 4 nước gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Australia. Ngoài vấn đề Triều Tiên là mục tiêu chính, chuyến đi này của ông Pence còn được chú ý tại Indonesia.

Phát biểu tại Jakarta ngày 20-4, Phó Tổng thống Mỹ cho hay: Washington mong muốn mở rộng quan hệ chiến lược, tăng cường hợp tác quân sự với Indonesia để phòng chống khủng bố, đồng thời nỗ lực giúp quốc gia đồng minh ở Đông Nam Á thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Thăm Indonesia, ông Pence còn muốn giải tỏa những nghi ngại mà người dân Indonesia đang có đối với tân Tổng thống Mỹ, sau khi ông Trump đưa ra những tuyên bố và ban hành một số sắc lệnh bị chỉ trích là nhắm vào người theo đạo Hồi.

Về tình hình an ninh khu vực, Phó Tổng thống Mỹ nhắc lại điều ông đã nói trước khi đến Jakarta là nước Mỹ sẽ bảo vệ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, nơi Trung Quốc tự nhận là có chủ quyền hầu hết các hòn đảo, bãi đá mà họ đang tranh chấp với những nước Đông Nam Á. Giới quan sát nhận định, Phó Tổng thống Mỹ là lãnh đạo cao cấp Mỹ đã tranh thủ chuyến thăm Indonesia để trấn an các nước Đông Nam Á về quyết tâm tiếp tục dấn thân của Mỹ vào khu vực này.

Thông điệp trấn an của ông Pence tại Jakarta đã được ông Patrick Murphy, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Nam Á nối tiếp tại Washington, khi nhân vật này xác định rằng, Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Đây là những chiến dịch đã được chính quyền Obama tiến hành định kỳ trước đây, nhưng chưa thấy chính quyền Trump khởi động trở lại.

Phó Tổng thống Mike Pence đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 20-4.

Cũng phát biểu khi đang ở Indonesia, Phó Tổng thống Mike Pence xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 11 tới đây sẽ tham dự một loạt hội nghị thượng đỉnh ở châu Á, trong đó có hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam. Ngoài hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức ở Việt Nam, trong tháng 11-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tham dự hội nghị Mỹ - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hội nghị cấp cao Đông Á tại Philippines.

Ông Pence cũng nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Trump sẽ hợp tác với ASEAN trên các lĩnh vực an ninh, thương mại và tự do hàng hải trên Biển Đông. Việc Tổng thống Mỹ có mặt tại các hội nghị này "là dấu hiệu cho thấy cam kết mạnh mẽ của chúng tôi nhằm xây dựng những nền tảng vững chắc mà chúng ta cùng chia sẻ", ông Pence nói.

Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện tâm lý quan ngại rằng vùng Đông Nam Á có thể bị chính quyền Donald Trump lơ là trong bối cảnh Washington đang lộ rõ ưu tiên chống khủng bố ở vùng Trung Đông, quan tâm trở lại đến các đồng minh truyền thống ở châu Âu, và tìm kế sách chống lại mối đe dọa tên lửa, hạt nhân đến từ Triều Tiên. Nhưng những chuyến thăm liên tiếp của các chính khách và quan chức cấp cao của Mỹ thời gian qua cũng như sắp tới đã khiến giới quan sát bất ngờ.

Bốn ngày sau khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump còn ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Rồi vào ngày 14-3 vừa qua, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cho hay chính sách tái cân bằng ở châu Á, còn được gọi là xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama “chính thức chấm dứt”.

Bình luận về tuyên bố “chấm dứt xoay trục” của chính quyền Mỹ ở khu vực, các chuyên gia cho rằng mặc dù tuyên bố chấm dứt chính sách xoay trục, nhưng Mỹ vẫn có những lợi ích rất lớn, mạng lưới quan hệ đồng minh rất sâu rộng ở khu vực và Mỹ cũng có nhiều mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với các nước trong khu vực. Do vậy chuyện “chấm dứt” ở đây nên được hiểu là Mỹ sẽ thiết kế một chiến lược mới đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó sẽ có nhiều điểm vẫn là một sự kết nối nhất quán từ các chính sách của các nhiệm kỳ trước đến nhiệm kỳ này.

Điều này đã được quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton khẳng định qua phát biểu: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia tích cực ở châu Á. Nền kinh tế châu Á rất quan trọng với sự thịnh vượng và phát triển của Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục với các vấn đề như thương mại công bằng, thương mại tự do và các thách thức an ninh như Triều Tiên. Mỹ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy hòa bình và ổn định ở châu Á.

Xoay trục, tái cân bằng, đó là từ ngữ được dùng mô tả chính sách với châu Á của chính quyền trước. Tôi nghĩ các bạn có thể kỳ vọng chính quyền hiện tại sẽ có chiến lược riêng. Chúng tôi chưa đi vào chi tiết chiến lược mới” - bà Thornton nói thêm. Chiến lược ấy sẽ rõ ràng hơn sau chuyến đi châu Á vào tháng 11 tới của Tổng thống Trump.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.