Battisti, kẻ gây căng thẳng quan hệ Brazil - Italia

Thứ Ba, 15/03/2011, 22:55
Cesare Battisti, thành viên của tổ chức những người vô sản vũ trang cánh tả PAC, bị buộc tội gây ra nhiều vụ khủng bố và giết chết 4 người Italia trong thập niên 70 thế kỷ trước. Sự từ chối dẫn độ Cesare Battisti của Tổng thống Brazil Lula da Silva quả là một điều gây choáng váng cho nhiều người Italia, những người còn nhớ rất rõ bạo lực do bọn khủng bố dân tộc gây ra cho đất nước họ vào nhiều năm trước khi Lula da Silva nhậm chức.

Thậm chí người Italia càng tức điên lên khi có tin đồn rằng, Đệ nhất phu nhân nước Pháp Carla Bruni (vốn cũng là người Italia) đã đích thân gọi điện đến Tổng thống Brazil kêu gọi vì "sự nể trọng cá nhân" mà không cho dẫn độ Cesare Battisti. Sau khi bị giới chính khách Italia phản đối, bà Bruni đã lên tiếng bác bỏ tin đồn này. Sự dính líu của Carla Bruni được phơi bày ra ánh sáng sau khi Bruno Berardi - lãnh đạo của Tổ chức Domus Civitas hỗ trợ cho những nạn nhân của mafia và bọn khủng bố, thông tin trên truyền hình.

Berardi nói: "Carla Bruni nói với tôi rằng bà đã đích thân gọi điện đến Tổng thống Lula da Silva để yêu cầu vì sự nể trọng cá nhân mà không cho dẫn độ Battisti. Bà cũng yêu cầu tôi không nói ra những chi tiết về sự dính líu của bà". Mặc dù Cesare Battisti luôn phủ nhận bất cứ sự dính líu nào trong những vụ giết người, nhưng ông ta được coi là biểu tượng sống của một trong những giai đoạn đen tối nhất của nước Italila.

Hành động bảo vệ Battisti của Brazil - quốc gia từng trải qua những cơn thịnh nộ dưới chế độ độc tài từ năm 1964 đến 1985, đã gây căm phẫn cho người dân Italia và dẫn đến sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước vốn chưa từng xảy ra trước đây. Vụ từ chối dẫn độ Battisti cũng có tác động tiêu cực đến những hiệp ước quân sự và kinh tế giữa hai quốc gia Italia - Brazil. Ngoại trưởng Italia Franco Frattini nói, ông rất phẫn nộ trước việc "một tên tội phạm sắp có cơ hội được đi lại thong dong trên những bãi biển xinh đẹp của Brazil". Người Italia đã phản ứng lại bằng cách tẩy chay hàng hóa và các công ty du lịch của Brazil, đồng thời hứa hẹn sẽ thuyết phục du khách từ chối du lịch đến Brazil.

Luca Guglielminetti, người phát ngôn của Hiệp hội Italia những nạn nhân của khủng bố (IAVT), nói: "Italia có lịch sử phức tạp, nhưng luật về dẫn độ những phần tử khủng bố và tội phạm là rất rõ ràng. Sự quay về của Battisti còn hơn cả cử chỉ tượng trưng. Đó là vấn đề luật pháp. Nếu không có sự quay về của Battisti thì đó là sự sỉ nhục".

Năm 1981, Battisti vượt ngục ở Italia trong khi chờ đợi phiên tòa xét xử và bỏ trốn kể từ đó. Battisti sống lưu vong phần lớn ở Mexico, Pháp và cuối cùng là Brazil. Sau một thời gian ngắn lưu trú ở Mexico, năm 1990 Battisti bay đến nước Pháp sống tự do và bắt đầu viết tiểu thuyết về các vụ án cũng như sách về khủng bố. Cesare Battisti bị xét xử vắng mặt vào năm 1993 và bị buộc tội liên quan đến 4 vụ giết người trong thập niên 70 với án tù chung thân. Nhưng Battisti khăng khăng tuyên bố mình vô tội và còn cáo buộc Tòa án Italia phán xét theo chứng cứ giả.

Sau 14 năm sống yên bình tại Pháp cho đến khi nước này thay đổi chính sách gọi là Mitterand Doctrine vào năm 2002 (cho phép những phần tử nổi dậy người Italia được định cư tại Pháp), Cesare Battisti bay đến Brazil năm 2004 nhưng đến năm 2007 thì bị Cảnh sát liên bang Brazil bắt giữ ở Rio de Janeiro theo lệnh truy nã quốc tế và bị giam tại Brasilia.

Tháng 11/2009, Tòa án tối cao Brazil ra phán quyết về việc dẫn độ Battisti về Italia và cho quyền quyết định cuối cùng thuộc về Tổng thống Lula da Silva, người đồng ý cho Battisti tị nạn chính trị cũng vào năm 2009. Đến ngày 31/12/2010, Chính phủ Brazil chính thức ra quyết định từ chối yêu cầu dẫn độ Battisti từ phía Italia.

Vào giữa tháng 1 vừa qua, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đã viết một bức thư gửi đến người kế nhiệm Lula da Silva là Dilma Rousseff trong đó nhấn mạnh những gì mà ông gọi là "sự thất vọng và cay đắng" của Italia đối với quyết định bảo vệ một tên tội phạm. Trong khi đó Bộ Ngoại giao Italia gọi sự đảo ngược quyết định của Tổng thống Lula da Silva là "nhiệm vụ đạo đức" và hứa hẹn sẽ tìm mọi cách để đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế The Hague, nếu cần thiết. Và hiện thời Nghị viện châu Âu ở Strasbourg cũng đã nhảy vào cuộc khẩu chiến nảy lửa giữa Brazil và Italia về vụ Cesare Battisti, nhất trí thông qua một kiến nghị ủng hộ nỗ lực của Rome nhằm đưa Battisti trở về Italia để chịu sự trừng phạt của pháp luật vì những tội ác mà ông ta đã gây ra. Tuy nhiên, Nghị viện châu Âu cũng thừa nhận họ không có quyền can thiệp vào những vấn đề giữa hai quốc gia Brazil và Italia.

Maurizio Massari, người phát ngôn cho Ngoại trưởng Franco Frattini, nói sự dẫn độ Battisti về Italia không phải là vấn đề chính trị mà là công lý. Ông nói: "Một kẻ phạm phải những tội ác - không ít hơn 4 vụ giết người, phải được đưa trở về nước để chịu xét xử. Chúng ta muốn Battisti phải quay trở về nhà tù Italia vì công lý cho những gia đình nạn nhân cũng như cho đất nước chúng ta".

Việc Tổng thống Lula da Silva không chịu giao nộp Battisti cho Italia đã gây nên cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao vốn được coi là êm đềm từ trước đến nay giữa Brazil và Italia. Trong khi đó Brazil cũng là một đối tác làm ăn kinh tế đặc biệt quan trọng của Italia. Điển hình là vào ngày 29/12/2010, Giám đốc điều hành Hãng ôtô Fiat nổi tiếng thế giới của Italia đã khởi động dự án xây dựng nhà máy liên doanh sản xuất ôtô trị giá 1,2 tỉ USD ở Brazil. Sau quyết định từ chối dẫn độ Battisti, Italia đã cho rút đại sứ tại Brazil về nước, và kể từ đó cuộc khẩu chiến giữa hai nước bắt đầu nổ ra ngày càng quyết liệt hơn.

Về phần mình, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi tuyên bố phản đối quyết định của Tổng thống Lula da Silva mà ông cho là không tuân theo những quy định của hệ thống tư pháp

Diên San (tổng hợp)
.
.