Bầu cử Iran hi vọng cải thiện bế tắc

Thứ Năm, 27/02/2020, 14:43
Kết quả bầu cử Quốc hội Iran ngày 23-2 cho thấy tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu chỉ đạt 42%, thấp nhất kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo Iran thành lập năm 1979, phe bảo thủ giành chiến thắng áp đảo với 219/290 ghế tại Quốc hội.

Đáng chú ý, phe bảo thủ đã giành thắng lợi tuyệt đối với 30/30 ghế tại khu vực bầu cử ở thủ đô Tehran. Trong số các ứng cử viên được bầu có 17 phụ nữ.

“Uống liều thuốc đắng”

Quan trọng hơn, kết quả bầu cử này sẽ tác động lớn tới chính sách đối ngoại của Iran, đặc biệt trong quan hệ với Mỹ. Với đa số tại Quốc hội, phe bảo thủ có thể duy trì lập trường mà không gặp lực cản khi xử lý vấn đề quan hệ giữa Washington - Tehran.

Cuộc bầu cử ngày 21-2 diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng không ngừng leo thang giữa Mỹ và Iran, bị nhiều cử tri quay lưng cũng là bởi sự thất vọng về những hứa hẹn không hoàn thành của giới chức và những vật lộn vì một nền kinh tế bị bóp nghẹt bởi các đòn trừng phạt từ Mỹ. Điều này giúp nhiều ứng cử viên bảo thủ gần như không đối mặt với bất kỳ sự cạnh tranh nào.

Arghavan Aram, giám đốc một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền lợi của người chuyển giới, bình luận: “Một cuộc bầu cử với chỉ một phe phái rõ ràng không phải là một cuộc bầu cử, đó là một cuộc chọn lựa”.

Tehran cho đến nay vẫn loại trừ khả năng đàm phán với Washington chừng nào Mỹ chưa rút lại các đòn trừng phạt tái áp đặt với Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và yêu cầu Tehran ký một thỏa thuận quy mô hơn.

Tuy nhiên, sự bất bình của người dân về tình trạng kinh tế khó khăn, một trong những nguyên nhân khiến nhiều cử tri tẩy chay hòm phiếu, có thể sẽ buộc giới cầm quyền phải lựa chọn ưu tiên ngoại giao hơn là sự đối đầu từng đẩy hai bên tới sát bờ vực chiến tranh hồi tháng 1 vừa qua, khi Mỹ sát hại tướng Qassem Soleimani.

Tại Iran, từng có tiền lệ các thiệt hại về kinh tế trở thành động lực thúc đẩy đối thoại. Lực lượng bảo thủ, những người cũng hậu thuẫn một nền chính trị thần quyền như phe cứng rắn nhưng lại hướng đến một chính sách đối ngoại ít đối đầu hơn, được cho là sẽ ủng hộ sự hòa hoãn với Mỹ.

Nền kinh tế dễ bị tổn thương của Iran, với những thiệt hại khi chiến dịch “gây áp lực tối đa” của Mỹ bóp nghẹt ngành xuất khẩu dầu mỏ và tình trạng tham nhũng cùng quản lý yếu kém khiến nhiều người dân không khỏi chán nản, đang đẩy giới chức Iran tới chỗ không có nhiều lựa chọn.

Michael Tanchum, nhà nghiên cứu cấp cao làm việc tại Viện Chính sách an ninh và châu Âu Australia (AIES), bình luận: “Iran chỉ còn cách một cuộc khủng hoảng hệ thống vài tích tắc. Để tránh khỏi nguy cơ ấy, giới cứng rắn Iran buộc phải đưa ra những nhượng bộ với Mỹ vì sự sống còn của chế độ”.

Trên thực tế, lực lượng cứng rắn tại Iran, với sự hậu thuẫn lâu năm của Đại giáo chủ Ali Khamenei và ảnh hưởng càng thêm lớn sau cuộc bầu cử ngày 21-2, đang có thêm không gian chính trị để đàm phán cùng Washington nếu họ nhận thấy đây là điều cần thiết.

Iran đang có dấu hiệu thể hiện sự kiên nhẫn trong các hoạt động làm giàu hạt nhân của mình.

Kiên nhẫn hay vượt “lằn ranh đỏ”?

Cho tới thời điểm này, Iran vẫn tránh thực hiện những bước đi nguy hiểm trong chương trình hạt nhân của mình kể cả sau khi Tehran hôm 5-1 tuyên bố họ không còn bị ràng buộc bởi Thỏa thuận hạt nhân 2015. Tuy nhiên, với việc Iran đồng thời tích trữ ngày càng nhiều urani làm giàu và phát triển thêm các máy li tâm đời mới ở mức độ có thể giúp Tehran rút ngắn nhanh chóng thời gian cần có để sản xuất bom hạt nhân, đương nhiên Mỹ và Israel sẽ sớm thấy đó là điều không thể chấp nhận được và buộc phải cân nhắc lại vấn đề đâu là “lằn ranh đỏ” mà Iran không được phép vượt qua.

Khả năng sản xuất các máy li tâm đời mới của Iran hiện ở mức nào sẽ là một vấn đề mấu chốt cần được xem xét kỹ lưỡng trong báo cáo mới nhất về các hoạt động hạt nhân của Iran mà Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ công bố tới đây.

Có thể thấy, Iran đang theo đuổi chiến lược dần dần gia tăng sức ép đối với Mỹ bởi Tehran muốn được giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế, chứ không hẳn là muốn đẩy tình hình tới một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Iran có thể thản nhiên thỏa mãn tung ra các chiêu để thế giới thấy được những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng như thể đang tới.

Dù tuyên bố không còn bị ràng buộc bởi JCPOA nhưng Iran cũng không chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này mà vẫn hợp tác và cho phép IAEA tiếp cận và theo dõi các hoạt động hạt nhân của mình. Nhiều khả năng Iran sẽ hé lộ thêm những biện pháp khác của họ trong thời gian tới, ngay cả trong thời điểm lượng urani làm giàu thấp (có ít hơn 20% hàm lượng U-235) của họ hiện nay cũng đã đủ gây ra những quan ngại về khả năng Iran có thể đạt tới mốc đột phá sản xuất được đầu đạn hạt nhân vào mùa hè tới.

Ngay trước thềm báo cáo về hoạt động hạt nhân của Iran sẽ được công bố vào tuần tới, Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã phát biểu với tờ Financial Times của Anh rằng “Iran chưa tiến một bước cụ thể gì theo như tuyên bố của họ hôm mồng 5-1” và rằng “họ tiếp tục làm giàu urani ở mức độ cao hơn, tiếp tục sản xuất ở mức độ nhiều hơn nhưng họ chưa làm gì khiến IAEA phải đưa ra cảnh báo mới”. Điều đó có nghĩa rằng báo cáo của IAEA tuần tới cũng sẽ chẳng có thông tin gì cho thấy mức làm giàu urani của Iran vượt quá 4,5%.

Cho tới nay, Mỹ chưa có phản ứng chính thức gì đối với tình hình, có thể Mỹ sẽ tự mình khởi động cơ chế giải quyết tranh chấp của Liên Hiệp Quốc đối với vấn đề hạt nhân Iran, một bước đi mà nếu tiến hành chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của các nước châu Âu ký JCPOA bởi Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5-2018. Hy vọng, kết quả cuộc bầu cử sẽ góp phần mở ra một “lối thoát” gần nhất cho mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Iran.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.