Bầu cử Mỹ: Thế trận thay đổi?

Thứ Hai, 07/11/2016, 14:30
6 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (8/11), mặc dù chưa đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào liên quan đến cuộc điều tra chứng minh sai phạm của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary trong quá trình sử dụng hòm thư điện tử cá nhân khi còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, song phải thừa nhận rằng quyết định của Cục điều tra liên bang (FBI) đã tác động tới lá phiếu của cử tri, đặc biệt là những người còn đang do dự với sự lựa chọn của mình.

Với hơn 27 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm, nhiều hơn tới 6,7 triệu người so với con số trước thời điểm cuộc bầu cử chính thức năm 2012, giới phân tích đã phần nào dự đoán được kết quả của cuộc bầu cử năm nay.

Đối với bà Hillary Clinton, người đang được xem là tâm điểm của cuộc điều tra do FBI khởi xướng, lá phiếu đi bầu cử sớm của cử tri mang đến cả những tín hiệu tích cực và tiêu cực với ứng cử viên đảng Dân chủ trong bối cảnh bà đang cạnh tranh khốc liệt với đối thủ của đảng Cộng hòa Donald Trump.

Tính đến nay, tại một số bang, số lượng cử tri đảng Dân chủ đi bỏ phiếu sớm nhiều hơn so với số cử tri đảng Cộng hòa, và đây là một lợi thế cho bà Clinton. Tuy nhiên, số lượng cử tri trẻ tuổi và người Mỹ gốc Phi, những người từng làm nên chiến thắng vang dội cho ông Obama hồi năm 2008, đi bỏ phiếu sớm lại không nhiều.

Tại Chicago, nơi Tổng thống Obama trưởng thành và cũng là bang lớn thứ ba trên cả nước, số lượng cử tri đi bỏ phiếu dự kiến sẽ khá đông. Số lượng các cử tri đi bỏ phiếu sắp đạt gần bằng - hoặc thậm chí là vượt mức - năm 2012, thời điểm vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đắc cử nhiệm kỳ hai.

Ông Deborah Land, một cử tri của đảng Dân chủ, nói: “Tôi thấy mình có trách nhiệm phải làm gì đó để góp phần tiếp nối những điều mà ông Obama đã khởi xướng”. Quan điểm này có thể sẽ là động lực thu hút nhiều cử tri đi bỏ phiếu ủng hộ bà Clinton, từng tự nhận mình là người “kế thừa” và bảo vệ các di sản của ông Obama.

Bà Clinton từng cạnh tranh khốc liệt với ông Obama trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2008, song sau đó bà đã trở thành Ngoại trưởng dưới chính quyền của ông, và giờ bà đang trên chặng đua nhằm trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Có một thực tế là tỷ lệ dư luận phản đối cả hai ứng cử viên hàng đầu năm nay đều đang ở mức cao. Mức tín nhiệm của người dân đối với bà Cliton chỉ là 44%, trong khi đối với ông Trump là 38%, theo số liệu có được từ nhiều cuộc thăm dò dư luận của Real Clear Politics. Việc FBI hồi tuần trước bất ngờ thông báo mở lại các cuộc điều tra về bê bối sử dụng hòm thư điện tử cá nhân dẫn đến nguy cơ lộ các thông tin mật của bà Clinton khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ đã khiến cuộc bầu cử càng trở nên khó lường.

Sau khi bị ông Trump dẫn trước, bà Clinton đang dần lấy lại phong độ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Một cuộc thăm dò dư luận do tờ Washington Post và kênh truyền hình ABC tiến hành mới đây cho thấy ông Trump thậm chí còn đang dẫn trước bà Clinton với tỷ lệ 46-45%. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2016, ứng cử viên của đảng Cộng hòa vượt lên trên đối thủ của mình.

Đáng chú ý hơn, cuộc thăm dò còn cho thấy số lượng những người ủng hộ bà Clinton bước vào Nhà Trắng đã giảm từ 51% xuống còn 43%, trong khi số lượng người ủng hộ ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ vẫn giữ nguyên ở mức 53%. Tuy nhiên, ông Michael McDonald thuộc Đại học Florida cho rằng ít có khả năng các cử tri đi bỏ phiếu sớm thay đổi quyết định của mình do những sự kiện vừa qua, bởi lẽ hầu như cử tri đều đã có được những thông tin cần thiết về ứng cử viên của mình và điều họ cần làm chỉ là đi bỏ phiếu.

Các cử tri thuộc cộng đồng người Mỹ gốc Latinh, phụ nữ và những người da trắng có tư tưởng tự do là các nhóm cử tri đi bỏ phiếu sớm đông nhất. Tuy nhiên, giáo sư chính trị Barry Burden (thuộc Đại học Wisconsin-Madison) cho rằng “điều đáng lo ngại với chiến dịch tranh cử của bà Clinton là tỷ lệ các cử tri da màu và trẻ tuổi đi bỏ phiếu sớm không nhiều. Họ là những nhóm cử tri quan trọng góp phần làm nên hai chiến thắng của ông Obama”.

Trong khi đó, ứng cử viên của đảng Cộng hòa cũng đang gặp nhiều bất lợi, với thực tế là bà Clinton dẫn trước tại các cuộc bỏ phiếu sớm ở những bang dao động như Nevada, Virgina và Colorado. Theo ông McDonald, điều này có thể “báo trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của ông Trump bởi ông ấy cần phải giành được chiến thắng ở hầu hết các bang còn lại”.

Hơn thế nữa, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, đa số cử tri Mỹ gốc Latinh ủng hộ bà Clinton và số lượng cử tri đủ tư cách thuộc nhóm này lên tới 27,3 triệu người - cao hơn 4 triệu người so với cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất. So sánh với năm 2012, có thể thấy rằng các cử tri người Mỹ gốc Latinh đã tận dụng các cuộc bầu cử sớm. Điều này phản ánh hiệu quả từ những nỗ lực mà chiến dịch tranh cử của bà Clinton hướng đến cộng đồng người Latinh và những lo ngại của họ đối với những điều mà ông Trump nói về người di cư.

Tuy nhiên, ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã củng cố được vị thế của mình tại các bang truyền thống. Trong số này, Texas là bang chứng kiến sự hào hứng đặc biệt của các cử tri đi bỏ phiếu sớm. Một tuần trước ngày bầu cử chính thức, hơn 1/4 số cử tri đủ tư cách của bang này đã đi bỏ phiếu, và đây là một con số kỷ lục.

Một cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Texas cho thấy bà Clinton đang bám rất sát ông Trump, và thậm chí còn làm dấy lên các cuộc tranh luận về khả năng dao động của bang này. Giáo sư chính trị Brandon Rottinghaus thuộc Đại học Houston nói: “Đây chắc chắn sẽ là một bang có sự cạnh tranh khốc liệt... đang khiến các cử tri của cả hai đảng tích cực đi bỏ phiếu  hơn”.

Ông cho rằng mặc dù bà Clinton khó có khả năng giành chiến thắng tại Texas, song có thể bà sẽ thua với một tỷ lệ ít cách biệt hơn so với thất bại của những người tiền nhiệm và đây có thể được xem là một thành công cho đảng Dân chủ và giúp họ có lợi thế hơn trong các cuộc bầu cử về sau.

Theo giới quan sát, các động thái mới của FBI nhiều khả năng sẽ tác động tới nhóm cử tri lưỡng lự của đảng Cộng hòa, những người không muốn ủng hộ ông Trump và đang cân nhắc ngả sang bà Clinton. Nếu những cử tri này lựa chọn “trở về” với đảng mình, bà Clinton vẫn có khả năng cao giành chiến thắng song với kết quả sít sao hơn những dự đoán trước đó.

Có thể bê bối này chỉ đe dọa hạn chế lợi thế của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội cũng như mang đến nhiều thử thách cho thời kỳ đầu nhậm chức của bà Clinton.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.