Bầu cử Mỹ sẽ tác động tới chính sách vùng Vịnh

Thứ Ba, 17/03/2020, 10:17
Sau ngày bầu cử “Siêu thứ ba” lần 2, giới quan sát tại Mỹ nhận định con đường trở thành ứng cử viên duy nhất của đảng Dân chủ của ứng cử viên Joe Biden đã trở nên rõ ràng hơn so với Bernie Sanders.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù ai là người giành được đề cử và ai bước chân vào Nhà Trắng, có một điều người ta có thể chắc chắn là nhà lãnh đạo tiếp theo của nước Mỹ sẽ là người thực hiện những thay đổi căn bản trong cam kết quân sự của Mỹ đối với vùng Vịnh và chứng kiến một cấu trúc an ninh khu vực mới.

Chắc chắn, nếu trở thành Tổng thống Mỹ, ông Bernie Sanders, với các cam kết tranh cử, nhiều khả năng sẽ là người có những điều chỉnh mạnh mẽ nhất trong chính sách của Mỹ tại Vùng Vịnh cũng như toàn bộ Trung Đông trong nhiều thập kỷ. Ngay cả nếu ông Sanders không thể giành được đề cử của đảng Dân chủ, hoặc thất bại trước ông Donald Trump vào tháng 11 tới, những khía cạnh quan trọng trong tầm nhìn của ông cũng sẽ là trọng tâm chính sách của chính quyền tới, phản ánh một xu thế quy mô hơn trong quan điểm Mỹ đối với các hoạt động ở nước ngoài nói chung và ở Trung Đông nói riêng.

Rất khó để tìm thấy điều mà ông Sanders và ông Trump có thể đồng thuận. Và ngay cả khi 2 bên có cùng quan điểm, chẳng hạn như giảm bớt các cam kết đối với an ninh Vùng Vịnh, họ cũng sẽ tìm mọi cách để phủ nhận điều này. Và đó có lẽ là điểm chung duy nhất giữa ông Bernie Sanders và Donald Trump.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa 2 nhân vật này là ở chỗ Tổng thống Trump, người được cho là không có tầm nhìn chính sách nào ngoài những khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “Tại sao nước Mỹ lại phải gánh trách nhiệm về những nước khác?”, hoàn toàn cảm thấy “thoải mái” với việc liên tục thay đổi các tuyên bố của mình và xem Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng như Israel chỉ là những nước vệ tinh của mình. Trong khi đó, cho dù người ta có đồng tình với Bernie Sanders hay không, hay họ nhìn nhận tầm nhìn của ông thực tế đến thế nào, chắc chắn chính trị gia này cũng đã định hình một khái niệm rõ ràng về chính sách của Mỹ với Trung Đông.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ trên biển Arab tháng 5-2019.

Bởi vậy, việc ông Bernie Sanders trở thành tổng thống, một kịch bản có được sự ủng hộ của những quốc gia như Israel, Saudi Arabia và UAE, những đối tượng mà giới cực tả của đảng Dân chủ đã nhắm đến, có thể sẽ dẫn đến việc hình thành một Chính phủ Mỹ góp ích nhiều nhất cho việc thay đổi bối cảnh chính trị khu vực, hoặc cũng có thể lại cũng là lựa chọn tồi tệ và tiêu cực nhất cho không gian này.

Mọi chuyện nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi mong muốn của Mỹ trong việc hạ bớt các cam kết quân sự và hóa giải những hoài nghi của Vùng Vịnh. Hoài nghi đã bắt đầu từ việc Tổng thống Barrack Obama vào năm 2011 ủng hộ các cuộc nổi dậy của thế giới Arab và thúc đẩy thỏa thuận với Iran.

Tâm lý này càng được khoét sâu bởi cách hành xử được cho là thiếu nhất quán của ông Donald Trump, cùng việc ông không phản ứng gay gắt trước những khiêu khích của Iran. Các nước Vùng Vịnh dù hoan nghênh chiến dịch không kích mà Mỹ tiến hành hồi tháng 1, khiến tướng Iran Qassem Soleimani thiệt mạng, song lại lo ngại về nguy cơ hành động này sẽ đẩy cả khu vực vào một cuộc chiến toàn diện.

Ông Joe Biden cũng có những bình luận gay gắt về Trung Đông song phần lớn người ta đều cho rằng ông sẽ có cách tiếp cận tương tự Tổng thống Obama. Trong khi đó, ông Bernie Sanders đã khiến Riyadh và Israel phải cảnh giác bởi cam kết sẽ tái tham gia thỏa thuận hạt nhân ngay ngày đầu nhiệm kỳ nếu ông đắc cử, bất chấp về lý thuyết điều này có thể kích động mâu thuẫn với các nước khu vực. Đây là một trọng tâm trong các đề xuất của Nga và Iran về một thỏa thuận đa phương có thể hủy hoại chiếc ô phòng thủ của Mỹ, vốn được dựng lên để bảo vệ các nước Vùng Vịnh bảo thủ trước Iran.

Việc ông Sanders sẽ tìm cách khôi phục thỏa thuận, xúc tiến một thỏa thuận quy mô hơn với Iran, hoặc sẽ là phức tạp thêm tiến trình tiến tới một thỏa thuận đa phương nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào cách Israel, Saudi Arabia và UAE phản ứng với chính sách của ông.

Việc Riyadh và Abu Dhabi cho rằng các lợi ích của mình hoàn toàn bị phớt lờ trong tiến trình đàm phán với Iran và rằng Mỹ không còn có thể là nơi họ đặt niềm tin mạnh mẽ đã khiến các quốc gia này thúc đẩy các chính sách liều lĩnh. Lòng tin thiếu vắng đã kích động cuộc chiến nghiêm trọng ở Yemen, khích lệ họ thúc đẩy mối quan hệ không chính thức với Israel, vốn luôn xem chế độ Iran là mối đe dọa sống còn.

Một chính phủ Sanders đòi hỏi các nước Vùng Vịnh phải giải quyết các vấn đề nhân quyền, cải thiện cấu trúc kinh tế nhằm thực hiện chính sách ngoại giao tiền tệ chắc chắn sẽ khiến họ tìm cách chống lại nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ và kháng cự những sáng kiến mới.

Tuy nhiên, thực tế là một nước Mỹ dần giảm bớt các cam kết quân sự với Vùng Vịnh cũng như Iraq, thu hẹp sự ủng hộ đối với Saudi Arabia trong chiến sự tại Yemen tương lai dưới thời ông Sanders rất có thể sẽ mở ra cơ hội cho khu vực xây dựng một môi trường mới nhằm hình thành cấu trúc an ninh.

Học giả Dania Koleilat Khatib bình luận: “Một số người cho rằng việc ông Sanders trở thành Tổng thống Mỹ có thể tạo ra bất ổn trong khu vực, bởi ông ấy nhiều khả năng sẽ nới lỏng cho Iran, song thực tế ông ấy có thể sẽ có một cách tiếp cận đa phương hơn và thậm chí là giúp Liên Hiệp Quốc có không gian để giải quyết các xung đột trong khu vực”.

Quang Nguyễn
.
.