Bầu cử QH Argentina: Thất bại kép của vợ chồng Kirchner

Thứ Năm, 09/07/2009, 10:55
Đảng cầm quyền "Mặt trận vì chiến thắng" (còn gọi là đảng Peronist) tại Argentina vừa phải chịu một thất bại đáng kể trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vừa qua, đánh mất quyền kiểm soát tại cả hai viện của Quốc hội.

Kết quả thất vọng này còn được coi là đòn đánh kép vào vị thế của đương kim Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, khi phu quân của bà đồng thời là cựu Tổng thống Nestor Kirchner - trước đó còn được coi là người kế nhiệm có khả năng nhất của bà Cristina trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2011 - thậm chí còn không trúng cử vào Quốc hội.

Những nguyên nhân chính dẫn tới thất bại tồi tệ của đảng cầm quyền được các chuyên gia giải thích bằng chính sách giám sát kinh tế quá cứng rắn của chính quyền, cũng như khả năng điều hành kém hiệu quả trong bối cảnh khó khăn chung của  cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu. 

Cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn diễn ra hôm 28/6/2009 - kết quả sẽ thay đổi khoảng một nửa hạ viện và khoảng 1/3 ghế tại thượng viện Argentina - từ trước đó cũng được nhìn nhận như một cuộc trưng cầu dân ý về mức độ tín nhiệm đối với khối Peronist của Tổng thống.

Ban đầu, kế hoạch bầu cử này được ấn định vào tháng 10/2009, nhưng Tổng thống Cristina Kirchner đã quyết định dời lại sớm hơn vào cuối tháng 6 vừa qua, với lý do cần thiết phải đổi mới Quốc hội để thông qua một loạt các biện pháp cấp bách nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà quan sát lại đưa ra một giả thuyết khác liên quan tới quyết định tổ chức bầu cử sớm của bà Cristina. Một loạt các cuộc thăm dò trong vài tháng gần đây đã cho thấy, uy tín của Tổng thống và liên minh chính trị của bà đã liên tục bị sụt giảm. Ngay trước thời điểm bầu cử, chỉ số uy tín của Tổng thống chỉ có 29%, còn đảng cầm quyền Peronist cũng chỉ dao động ở mức 30-35%.

Theo một chiều hướng ngược lại, liên minh đối lập UCR lại liên tục tăng điểm trên cơ sở sự bất bình của cử tri do sụt giảm nhịp độ phát triển kinh tế, mức độ thất nghiệp cao, nhiều chương trình xã hội bị cắt giảm, mâu thuẫn gay gắt giữa chính phủ với các nhà sản xuất nông nghiệp, cũng như sự kiểm soát quá mức của chính phủ đối với toàn bộ nền kinh tế v.v...

Kỳ bầu cử lần này được Tổng thống Cristina coi là một cơ hội để cải thiện tình hình. Quân bài chủ yếu trong chiến dịch này chính là phu quân của bà, cựu Tổng thống Nestor Kirchner, người ra tranh cử vào Quốc hội tại khu vực Buenos-Aires. Trước đó, trong giai đoạn cầm quyền của mình từ 2003-2007, ông Kirchner từng nổi danh là "người hùng" đã kéo Argentina ra khỏi tình cảnh suy sụp về kinh tế. Trúng cử vào Quốc hội đồng nghĩa với việc vị cựu tổng thống này sẽ quay trở lại chính trường, trước khi có thể tiếp tục lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2011.

Tuy nhiên, những "vinh quang trong quá khứ" đã không cứu nổi nhà Kirchner nói riêng, và liên minh cầm quyền nói chung. Kết quả cho thấy khối Peronist không chỉ đánh mất đa số trong tổng số 256 ghế tại Hạ viện, mà còn cả tại Thượng viện (tổng cộng có 72 ghế).

Chưa kể bản thân cựu Tổng thống Nestor Kirchner cũng không trúng cử vào Quốc hội, sau khi chịu thất bại trước nhà triệu phú có uy tín Francisco de Narvaez, đại diện cho liên minh đối lập UCR. Nhà Kirchner còn gặp thất bại ngay cả tại Santa Cruz, bang quê hương của ông Nestor. 

Thất vọng trước kết quả trên, ông Nestor Kirchner chỉ một ngày sau đó đã chính thức tuyên bố từ chức thủ lĩnh của đảng Peronist cầm quyền. Thay thế cho vị trí của ông Nestor sẽ là Daniel Scioli, Thống đốc Buenos-Aires. "Nestor Kirchner đã chết về mặt chính trị" - đó là nhận xét về thất bại trên của Elisa Carrio, một thủ lĩnh phe đối lập, đồng thời là đối thủ của bà Cristina trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007.

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Argentina lần này được đánh giá sẽ làm phong phú thêm đội ngũ các ứng cử viên trong cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống vào năm 2011. Đáng chú ý trong số này có Carlos Reutemann, cựu Thống đốc tỉnh Santa Fe, người trước đó đã công khai từ bỏ đảng Peronist để chuyển sang phe đối lập; Julio Cobos, Phó tổng thống đã thách thức bà Cristina bằng cách bỏ phiếu phản đối chính sách thuế nông nghiệp; và  Mauricio Macri, Thị trưởng thủ đô Buenos-Aires. Tất cả 3 chính trị gia trên được giới phân tích đánh giá là những ứng cử viên nặng ký cho cuộc chạy đua vào năm 2011.

Sự phân bố lại về căn bản tương quan lực lượng trên chính trường Argentina sau cuộc bầu cử Quốc hội lần này cũng gần như đồng nghĩa với việc, quốc gia này sắp tới sẽ có những bước dịch chuyển đáng kể so với kiểu mẫu điều hành kinh tế hiện nay - chủ yếu dựa trên sự giám sát gắt gao của nhà nước, quốc hữu hóa các lĩnh vực kinh tế chủ chốt, thiên về áp dụng các biện pháp hành chính v.v...

Tất nhiên, chính sách đối ngoại của Argentina cũng có nhiều nguy cơ sẽ phải thay đổi, khi tương lai chính trị của triều đại nhà Kirchner sau cuộc bầu cử vừa qua vẫn đang là một câu hỏi lớn. Đánh giá của đa số các nhà quan sát đều bày tỏ thái độ thận trọng về tương lai sắp tới của Argentina.

Một số cho rằng, sự thay đổi cán cân chính trị này sẽ có lợi cho nền kinh tế khi làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, kết quả này cũng có thể đẩy Argentina vào một giai đoạn đầy bất trắc cũng như những bất ổn tiềm tàng mới về chính trị.

Trước mắt, nhà Kirchner vẫn nắm giữ quyền điều hành Quốc hội cho đến tháng 12, thời điểm thành phần Quốc hội mới chính thức có hiệu lực. Trong khi phe đối lập dù giành chiến thắng - chủ yếu nhờ uy tín sụt giảm của đảng cầm quyền - nhưng vẫn được đánh giá là một liên minh lỏng lẻo, không có được sự thống nhất cao.

Trong cuộc họp báo chính thức sau bầu cử, đương kim Tổng thống Cristina Kirchner chủ yếu phát biểu nhằm xoa dịu mức độ nghiêm trọng của thất bại. Kết quả này theo bà chỉ đồng nghĩa với việc, chính quyền sẽ phải tìm cách thỏa hiệp với nhiều đảng phái khác, một thực tế mà bản thân Tổng thống đã chuẩn bị chấp nhận. Bà Cristina cũng bác bỏ ngay những kêu gọi yêu cầu bà nên từ chức, đồng thời cho biết sẽ không có thay đổi đáng kể nào trong chính phủ từ sau bước ngoặt này

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.