Bầu cử Quốc hội Canada: Bất ngờ đến phút cuối

Thứ Ba, 17/05/2011, 03:35

Bức tranh toàn cảnh chính trường Canada đã có những thay đổi không ngờ sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua tại quốc gia này. Kết quả cuộc bầu cử mới được tuyên bố đã đặt dấu chấm hết cho hệ thống luân phiên cầm quyền tồn tại suốt nhiều thập niên qua giữa hai phe Bảo thủ và phe Tự do. Đảng Bảo thủ cầm quyền do Thủ tướng Stephen Harper đứng đầu, trái ngược với nhiều dự đoán, đã dễ dàng giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội.

Tuy nhiên, bất ngờ thú vị nhất vẫn là thành công của đảng Dân chủ mới theo đường lối trung tả (NDP - New Democratic Party). Với khẩu hiệu kêu gọi cho những thay đổi, NDP đã gạt bỏ hoàn toàn đảng Tự do để trở thành thủ lĩnh phe đối lập tại Canada…

Có thể nói rằng, mới chỉ vài tháng trước bầu cử, phần lớn các quan sát viên đều cho rằng, cuộc bầu cử Quốc hội lần này tại Canada sẽ chẳng có gì khác biệt so với các kỳ trước đó, khi hai vị trí đầu tiên chỉ là sự phân chia nội bộ giữa phe Bảo thủ của Stephen Harper và phe Tự do của Michael Ignatieff. Tuy nhiên, kết quả thực tế vừa được công bố đã bác bỏ hoàn toàn những dự đoán trên.

Sự bất bình của cử tri Canada đối với hệ thống hai đảng thay nhau cầm quyền đã tăng lên nhanh chóng từ giữa tháng 4/2011, khi trên sân khấu chính trị bất ngờ xuất hiện một "chất xúc tác" có tên NDP với vị thủ lĩnh Jack Layton. Ban đầu, những thành viên NDP đã "chiếm" ngay khu vực bầu cử có tầm quan trọng thứ hai của Canada là Quebec, sau khi đè bẹp lực lượng chính trị bản địa tại đây là Khối Quebec (Bloc Quebecois). Phản ứng dây chuyền gây ra bởi "chất xúc tác" NDP còn tiếp tục lan rộng ra tất cả các khu vực còn lại. Hơn nữa, thủ lĩnh Jack Layton của NDP còn vượt mặt thủ lĩnh của phe Bảo thủ Stephen Harper về chỉ số uy tín, khi chỉ vài ngày trước khi diễn ra bầu cử đã có được tỉ lệ 95,3 điểm so với con số 83,2 của đương kim Thủ tướng.

Ông Layton từ tháng 2 vừa rồi đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến và đã phải trải qua nhiều đợt hóa trị. Bất chấp điều này, thủ lĩnh NDP vẫn rất hăng hái tham gia vận động bầu cử và đã nhận được đáng kể sự ủng hộ và đồng cảm từ phía các cử tri. Layton còn sử dụng rất rộng rãi những khẩu hiệu tranh cử trước đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama: "Chúng ta có thể" hay "Chúng ta cần những thay đổi". Chiến thuật này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ phía người dân Canada.

Đà thăng tiến quá nhanh của NDP do Layton đứng đầu đã gây không ít lo ngại cho đương kim Thủ tướng Stephen Harper. Trong những cuộc gặp gỡ với cử tri, ông này thường "dọa" rằng, nếu Jack Layton giành quyền kiểm soát chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngừng rót tiền vào Canada. Điều này nếu xảy ra tất nhiên sẽ có tác động tiêu cực lên đà tăng trưởng của nền kinh tế, cho tới giờ vẫn đang phải hứng chịu những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới.

Đương kim Thủ tướng Stephen Harper (trái) và Thủ lĩnh Jack Layton của NDP.

Vào thời điểm cận kề bầu cử, trang web nổi tiếng WikiLeaks cũng có "đóng góp" không nhỏ vào chiến dịch tranh cử tại Canada, khi cho công bố các tài liệu qua kênh ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ tại Ottawa, có đánh giá về thủ lĩnh ba đảng phái hàng đầu tại Canada. Các nhà ngoại giao Mỹ mô tả Stephen Harper như một chính trị gia "quyết đoán và nhìn xa trông rộng". Vị thủ lĩnh Michael Ignatieff của đảng Tự do, theo ý kiến họ, thường hay nghe lời khuyên của... bà vợ Susan hơn cả các cố vấn của mình.  Còn Jack Layton theo khẳng định, có thể sẵn sàng hợp tác với chính quyền để đổi lấy sự nhượng bộ trong đảng của mình.

Kết quả kiểm phiếu cụ thể đã cho thấy, phe Bảo thủ đã đạt được mục đích đề ra của mình: giành được 167 trên tổng số 308 ghế để có thể kiểm soát được hoàn toàn Quốc hội. Tất nhiên, có được thành công ấn tượng nhất vẫn là các thành viên của NDP. Với việc có được 103 ghế trong Quốc hội mới, NDP lần đầu tiên trong lịch sử Canada chính thức trở thành phe đối lập.

Đảng Tự do tất nhiên đã có một kỳ bầu cử tồi tệ nhất trong lịch sử của mình. Ngoài việc chỉ có số ghế thấp kỷ lục trong Quốc hội (34 ghế), bi kịch này còn trở nên cay đắng hơn với việc thủ lĩnh Michael Ignatieff mất luôn ghế trong Quốc hội sau khi chịu thất bại ngay trong khu vực bầu cử của mình. Điểm sáng an ủi duy nhất của phe Tự do chính là thắng lợi của Justin Trudeau - con trai cựu Thủ tướng Pierre Trudeau.

Nhiều nhà quan sát đã kỳ vọng Trudeau con sẽ trở thành thủ lĩnh tương lai của đảng Tự do, giúp cho phe này nhanh chóng quay trở về thời kỳ hoàng kim của mình. Còn nhớ, nhiều cựu thủ lĩnh của đảng Tự do - như các cựu Thủ tướng Pierre Trudeau và Jean Chretien - từng là những nguyên thủ nổi danh với đường lối ngoại giao độc lập với Mỹ. Như Trudeau hồi những năm 1970-1980 từng rất tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với Liên Xô và Cuba. Còn Chretien vào năm 2003 đã từ chối gửi binh sĩ Canada tham gia cuộc chiến Iraq.

Phải chịu một thất bại nặng nề không kém chính là Khối Quebec theo đường lối ly khai, trước đây luôn giành được trung bình 50 ghế trong Quốc hội nhờ những lá phiếu của cử tri tại Quebec. Với vỏn vẹn chỉ có 4 ghế trong Quốc hội mới cùng với thất bại của chính thủ lĩnh Gilles Duceppe, Khối Quebec theo đánh giá của các chuyên gia, rất có thể sẽ ngừng hoạt động do bị mất quy chế lực lượng chính trị chính thức trong Quốc hội, đồng nghĩa với việc không còn nhận được nguồn hỗ trợ tài chính từ chính phủ

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.