Bầu cử Tổng thống Ai Cập: Kẻ tám lạng, người nửa cân

Thứ Ba, 05/06/2012, 10:45

Cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/5/2012 là một sự kiện mang tính lịch sử, được giới chức phương Tây và dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt không chỉ vì là lần bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak buộc phải từ chức trong cuộc “Cách mạng hoa nhài” hồi tháng 2/2011, mà còn vì kết quả vòng 1 đang đặt cử tri Ai Cập trước một sự chọn lựa hết sức khó khăn: chọn người của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood), hoặc chọn quay lại "chế độ cũ" thời ông Hosni Mubarak; và phương Tây, nhất là Mỹ, đang đứng trước khả năng sẽ phải làm việc với người của tổ chức mà họ từng xem là "khủng bố".

Chính sách Trung Đông của Washington đang đứng trước một thử thách lớn.

Theo Ủy ban Bầu cử Ai Cập, kết quả cuộc bầu cử tổng thống được công bố vào lúc 13 giờ ngày 28/5. Theo đó, ứng cử viên Mohammed Morsi, đại diện cho đảng Tự do và Công lý (F&J) thuộc Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) giành vị trí dẫn đầu, kế đến là ứng cử viên cựu Thủ tướng Ai Cập Ahmed Shafiq, thứ ba là ứng cử viên cánh tả Hamdeen Sabahy. Theo kết quả trên thì 2 ứng cử viên Morsi và Shafiq sẽ bước vào vòng 2 vào ngày 16 và 17/6.

Giữa 2 ứng cử viên này, chọn ai cũng đều khó khăn. Morsi đại diện cho tổ chức Hồi giáo lâu nay bị Mỹ và phương Tây đánh giá là theo đuổi quan điểm "cực đoan", cổ vũ cho các tổ chức khủng bố. Đường lối và quan điểm chống Mỹ, chống Israel của Muslim Brotherhood là điều mà giới chính trị Mỹ và phương Tây e ngại nhất. Trong khi đó, Shafiq là người cũ của chế độ Mubarak, có vẻ thích hợp với người Mỹ hơn, nhưng lại là nỗi ám ảnh của người dân Ai Cập.

Ứng cử viên Mohammed Morsi, người dẫn đầu ở vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập.

Trong bối cảnh như vậy, Morsi được đánh giá cao hơn ông Shafiq nhờ vào guồng máy vận động cử tri đầy hiệu quả của Muslim Brotherhood. Tổ chức này sau một thời gian dài bị kiềm hãm bởi ông Mubarak đã tỏ ra lọc lõi hơn, biết tổ chức hoạt động chặt chẽ và hiệu quả hơn. Khi làn sóng "Mùa xuân Arập" tràn đến, Muslim Brotherhood, cũng như nhiều tổ chức Hồi giáo khác trong khu vực, nhận thấy cơ hội đã đến và sẵn sàng chớp lấy thời cơ nắm quyền.

Việc Muslim Brotherhood vươn lên mạnh mẽ để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, nắm quyền kiểm soát trong Quốc hội là một minh chứng đất nước Kim tự tháp sau cuộc "Cách mạng hoa nhài" đã chuyển hướng mạnh mẽ về phía Hồi giáo. Từ đó, Morsi bước vào cuộc đua với nền tảng vững chắc để nắm giữ vị trí dẫn đầu, mặc dù trước đó không một nhà phân tích nào đánh giá cao khả năng vận động cử tri của ông.

Trước khi bước vào cuộc đua tranh chiếc ghế tổng thống Ai Cập, Morsi là một nghị sĩ, một chính khách bình thường, ít người biết đến. Ông được giao giữ chức Chủ tịch đảng F&J và được chỉ định làm "dự bị" cho ông Khairat al-Shater. Ông chỉ được chọn ra ứng cử sau khi ứng cử viên Khairat al-Shater bị loại do có "tiền án" dưới thời chính quyền Hosni Mubarak.

Trong khi đó, ứng cử viên Shafiq cũng nhận được sự ủng hộ không nhỏ của cộng đồng Thiên Chúa giáo và những người chống các tổ chức Hồi giáo, muốn nhìn thấy một nhân vật "phi Hồi giáo" lên nắm quyền. Cho dù không tin tưởng lắm vào khả năng ổn định tình hình kinh tế, chính trị của đất nước, chí ít người ta cũng tin rằng Shafiq sẽ giúp xóa tan viễn cảnh những luật lệ khắt khe của Hồi giáo được áp dụng trên đất nước Ai Cập.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của Shafiq chính là quá khứ từng dính líu đến chế độ của ông Mubarak làm một bộ phận đông đảo người Ai Cập không muốn thấy cuộc cách mạng mà họ đã đổ máu để tiến hành bị "đánh cắp" bởi chính người của chế độ mà họ đã kết liễu hơn một năm qua. Ý nghĩa về một sự quay trở lại thời Mubarak làm cho nhiều người cảm thấy không an tâm khi chọn Shafiq.

Ứng cử viên Ahmed Shafiq và Hamdeen Sabahy.

Bước vào chiến dịch vận động cho vòng 2, cả hai ứng cử viên đều ra sức làm "mềm hóa" hình ảnh của mình, cố gắng trung lập hóa những chính sách, quan điểm nhằm lôi kéo thành phần cử tri ôn hòa, những người trong vòng 1 còn phân vân chưa biết chọn ai. Ông Shafiq lấy việc bảo đảm an ninh, phục hồi kinh tế đất nước để "câu" cử tri, trong khi Morsi cũng đưa ra những lời hứa tương tự.

Theo giới phân tích, sự ủng hộ của người dân Ai Cập dành cho tổ chức Muslim Brotherhood sẽ tiếp tục giúp Morsi chiếm ưu thế trước ông Shafiq. Mặt khác, trong thành phần đối nghịch với Hồi giáo cũng đang có sự chia rẽ sâu sắc. Giữa hai ông Shafiq và Amr Moussa tuy đều đối chọi với Muslim Brotherhood nhưng lại không thể dung hòa với nhau trong vấn đề đảm bảo an ninh, ổn định cho Ai Cập.

Vấn đề cũng bắt đầu nảy sinh đối với cả 2 ứng cử viên là việc ứng cử viên về thứ ba là Hamdeen Sabahy cùng với 3 ứng cử viên khác đang nộp đơn khiếu nại vì cho rằng đã xảy ra nhiều sai sót, gian lận trong các phòng bỏ phiếu khiến cho ông ta bị thất bại. Vụ khiếu nại này đang làm rộ lên lời đồn đãi rằng ông Morsi đang bị ép phải rút lui để nhường suất cho ông Sabahy cùng với Shafiq vào đấu vòng 2 - điều này đang bị Muslim Brotherhood kịch liệt phản đối vì vi hiến.

Về phần ông Shafiq, tư cách tham gia cuộc đua của ông cũng đang bị đe dọa từng ngày. Theo tờ Daily Star, vào ngày 11/6 tới, Tòa án tối cao Ai Cập sẽ có phiên điều trần và ra phán quyết về tính hợp hiến của một đạo luật, theo đó nghiêm cấm những người thuộc chế độ Mubarak tham gia ứng cử. Vì đạo luật này mà thoạt đầu Shafiq bị cấm tranh cử, nhưng vào cuối tháng 4/2012, Ủy ban Bầu cử Quốc gia đã sử dụng quyền hạn của mình ra quyết định cho phép ông tranh cử. Bây giờ, nếu Tòa án tối cao phán quyết đạo luật kia là hợp hiến, đồng nghĩa ông Shafiq bị loại, rất có thể người thay thế ông sẽ là ông Sabahy vào đấu vòng 2 với ông Morsi.

Một chiến thắng cuối cùng cho Morsi sẽ giúp Muslim Brotherhood hoàn tất việc thâu tóm quyền hành ở đất nước Ai Cập. Khi đó, Ai Cập sẽ hoàn toàn là một quốc gia Hồi giáo tương tự như các nước khác trong khu vực Trung Đông, đặc biệt là Iran. Mặc dù thuộc 2 hệ phái Hồi giáo khác nhau (Shiite và Sunni), nhưng giữa Muslim Brotherhood và Iran lại có quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau khá đặc biệt, mà điểm chung nhất giữa 2 bên là cùng chung "kẻ thù" Israel.

Điều này có nghĩa là nếu người của Muslim Brotherhood giành chiến thắng (khả năng này khá cao) thì Mỹ và phương Tây sẽ phải có một số thay đổi trong chính sách đối với Trung Đông, vì Ai Cập sẽ không còn là đồng minh ủng hộ Israel như trước nữa

An Châu (tổng hợp)
.
.