Bầu cử Tổng thống Peru: Thầy giáo thiên tả giành ưu thế

Thứ Tư, 09/06/2021, 22:40
Với 94% số phiếu đã kiểm đếm, ứng cử viên Pedro Castillo đang tạm chiếm ưu thế với 0,2% điểm dẫn trước đối thủ Keiko Fujimori tại vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Peru diễn ra vào ngày 6-6 vừa qua. Nếu ông Castillo giành chiến thắng sau cùng, Peru sẽ bước vào giai đoạn cánh tả nắm quyền, có lợi cho dân nghèo hơn.

Tỉ lệ phiếu giữa 2 ứng viên phần nào cho thấy cuộc bầu cử Tổng thống Peru năm 2021 diễn ra hết sức cân tài cân sức và người dân Peru đang phân vân trong việc lựa chọn giữa một bên là ông Castillo, một cựu giáo viên theo chủ trương thiên tả và bên còn lại là bà Keiko, con gái cựu Tổng thống Alberto Fujimori, đại diện cho tư tưởng bảo thủ, thân thị trường. Nhưng, sự đối đầu giữa Castillo và Keiko còn phản ánh sự lựa chọn khó khăn của người dân Peru giữa 2 con đường phải đi, đó là theo hướng Marxist thiên tả của ông Castillo hay theo bà Fujimori để tiếp tục gặp lại những vấn đề xung đột lợi ích kinh tế vốn dĩ bấy lâu nay.

Ông Pedro Castillo.

Kết quả kiểm phiếu cho thấy đất nước Peru đang chia rẽ sâu sắc giữa hai con đường nêu trên. Ông Castillo giành đến 80% số phiếu ủng hộ của cử tri là dân nghèo ở các vùng miền Nam Andean, trong khi bà Keiko dẫn điểm tại thủ đô Lima và quận cảng lân cận Callao. “Với mức độ sít sao của cuộc đua, chúng tôi tin rằng ai bị tuyên bố là kẻ thua cuộc sẽ tranh chấp kết quả. Điều này có thể sẽ dẫn đến một thời kỳ bất ổn chính trị kéo dài vì các cáo buộc gian lận có thể gây bất ổn xã hội” - Nicolas Saldias, nhà phân tích Mỹ Latinh và Caribe tại tổ chức Economist Intelligence Unit nhận xét.

Nhận xét của Nicolas Saldias cũng phản ánh thực tế cuộc đối đầu gay cấn giữa ông Castillo và bà Keiko trong giai đoạn vận động tranh cử. Chiến dịch vận động tranh cử vòng 2 diễn ra trong không khí ngột ngạt, một phần do đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội khiến đất nước Peru gặp nhiều khó khăn do phong tỏa và giãn cách xã hội, phần khác là do những “chiêu trò” chính trị của thành phần ủng hộ bà Keiko công kích ông Castillo, tung ra chiến dịch hù dọa nhằm tạo suy nghĩ tiêu cực trong dân chúng Peru về một viễn cảnh ảm đạm, nếu họ bầu cho ông Castillo. Chiến dịch đó không ngại cả việc mang hai quốc gia thiên tả khác trong khu vực là Cuba và Venezuela ra để bêu xấu. Nhà phân tích chính trị Gonzalo Banda nói trên truyền thông Peru rằng sau khi ông Castillo giành chiến thắng tại vòng 1 cuộc bầu cử, giới kinh doanh giàu có và quý tộc trong xã hội đã “phát hoảng” và ngày đêm lo sợ nghĩ về viễn cảnh tiêu cực sắp tới. Để góp phần ngăn chặn đà tiến tới của ông Castillo, một số doanh nghiệp đã không ngần ngại tài trợ cho bà Keiko, với chiến dịch quảng cáo miễn phí trên truyền thông và quảng bá trong các chuyến cung cấp hàng từ thiện cho dân nghèo nhằm lôi kéo sự ủng hộ của họ.

Trong khi đó, ông Castillo vẫn giữ nguyên lập trường vận động tranh cử, công kích tầng lớp chính trị tham nhũng và cam kết sẽ quét sạch tình trạng tham nhũng cũ kỹ trong hệ thống chính trị quốc gia. Câu châm ngôn tranh cử của ông là “Không để còn người nghèo trong một quốc gia giàu có”. Câu châm ngôn phản ánh sự thật tại quê nhà của ông ở Cajamarca, khu vực có mỏ vàng sinh lợi nhất của đất nước nhưng lại là một trong những nơi nghèo nhất và bị bỏ quên nhiều nhất. Trong cuộc bỏ phiếu ở vòng đầu tiên, ông đã giành hầu hết số phiếu bầu trên khắp dãy Andes, giành được hơn 50% phiếu bầu ở 3 khu vực được coi là một phần của “Peru Profundo”, hay “Deep Peru” - một thế giới khác xa thủ đô Lima ở khu vực ven biển nơi Fujimori giành ưu thế.

Nhưng, các cuộc thăm dò cho thấy Fujimori có tỷ lệ bị từ chối cao nhất so với bất kỳ ứng viên nào trong vòng đầu tiên. Bà cũng là đối tượng của phong trào chính trị lâu dài nhất của Peru trong 2 thập niên qua - phong trào Chống Fujimori (Antifujimorismo). Điều gây bất lợi nhất cho bà Keiko là việc bà là con gái cựu Tổng thống Alberto Fujimori. Những người Peru từng sống qua thời kỳ cách đây trên 20 năm không sao quên được hình ảnh cai trị độc tài của Tổng thống Fujimori. Đó là một thời kỳ ám ảnh bởi các “đội quân thần chết” do Tổng thống Fujimori lập ra để khống chế và thủ tiêu bất cứ ai chống đối ông, đồng thời để chống lại lực lượng du kích cánh tả Con đường sáng (Shining Path). 

Bản thân Fujimori đã thua sít sao trong 2 cuộc bầu cử trước đây. Bà cũng bị cáo buộc chi phối, bị cáo buộc nhận hơn 17 triệu USD trong quỹ vận động bất hợp pháp. Fuerza Popular, đảng chính trị của bà bị xem là một tổ chức tội phạm, vì thế bà có thể phải đối mặt với án tù 30 năm nếu bị kết án. Bà phủ nhận các cáo buộc, cho rằng có động cơ chính trị. Chiến thuật đối đầu của Keiko - như việc buộc một cựu tổng thống từ chức và tranh giành quyền lãnh đạo với em trai mình là Kenji - cũng khiến bà trở thành hình tượng đáng ghét ngay trong nội bộ đảng.

Danh tiếng của tầng lớp chính trị Peru đã bị ảnh hưởng bởi việc xử lý đại dịch và một loạt bê bối tham nhũng. Năm ngoái, chỉ trong một tuần mà có đến 3 tổng thống nhậm chức rồi mất chức và nước này hiện vẫn đang còn dư chấn của vụ bê bối tham nhũng lớn nhất lục địa, trong đó 4 cựu tổng thống bị cáo buộc nhận hối lộ từ công ty xây dựng Odebrecht của Brazil.

Trong khi đó, Castillo xuất thân con nhà nông dân có trang trại ở Chugur, một ngôi làng nhỏ cách thành phố Cajamarca trên vùng núi Andes 7 giờ chạy xe.  Năm nay 51 tuổi, Castillo từng là một giáo viên có 25 năm trong nghề, từng lãnh đạo Nghiệp đoàn Nhà giáo Peru và tổ chức một cuộc bãi công toàn quốc năm 2017 để phản đối chính sách bất công của chính phủ. Castillo không ngừng kêu gọi nhiều người quan tâm đến trẻ em nghèo và thành phần Peru “bị bỏ lại phía sau”. Và, ông xem cuộc đấu tranh chính trị của mình là cuộc chiến vì người nghèo Peru.

“Đây là cuộc chiến giữa người giàu và người nghèo, cuộc đấu tranh giữa... ông chủ và nô lệ”, Castillo nói trong một cuộc phỏng vấn báo chí hồi tháng 5-2021.

An Châu (Tổng hợp)
.
.