Bầu cử địa phương ở Anh: Một trận “động đất” chính trị

Thứ Ba, 17/05/2011, 11:45

Cuộc bầu cử địa phương và khu vực ở Anh diễn ra tuần vừa qua đã khiến cho chính trường Anh đứng trước nguy cơ xáo trộn lớn, với việc chính phủ liên minh giữa 2 đảng Bảo thủ và Dân chủ tự do có khả năng tan rã chỉ sau 1 năm "sống chung".

Ngày 6/5 là ngày mà Chính phủ liên minh của Thủ tướng David Cameron kỷ niệm 1 năm cầm quyền bằng một sự kiện có thể nói là thất bại hoàn toàn; riêng đối với đảng Dân chủ tự do - đối tác liên minh với đảng Bảo thủ - đó có thể gọi là "thảm họa", một thất bại không gì có thể tệ hại hơn.

"Thảm họa" xảy ra vào ngày trước đó, ngày 5/5, dân Anh gọi là "ngày siêu thứ năm", bởi ngày đó diễn ra cuộc bầu cử 279 cơ quan chính quyền và hội đồng các cấp, các nghị viện khu vực Xứ Wales, Scotland và Bắc Ailen. Đồng thời dân chúng toàn Anh quốc (gồm England, Wales, Scotland và Bắc Ailen) cũng đi bỏ phiếu trưng cầu ý kiến về việc có nên thay đổi hệ thống bầu cử toàn quốc hay không.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ và những thăm dò sau thùng phiếu cho thấy một trận "động đất" chính trị đã thực sự xảy ra ở Anh. Và Scotland đã trở thành "chiến địa" thảm bại của tất cả 3 đảng phái lớn nhất nước Anh là đảng Bảo thủ, Công đảng và Dân chủ tự do. Mặc dù vẫn chiếm đa số trong Nghị viện Xứ Wales, Công đảng gặp phải thất bại tồi tệ nhất trong 80 năm qua ở Scotland. Và mặc dù tăng số ghế đại biểu tại các địa phương khác, nhưng đảng Bảo thủ của Thủ tướng Cameron cũng chịu mất ghế trong Nghị viện Scotland.

Thê thảm hơn cả là đảng Dân chủ tự do đã gần như bị gạt ra khỏi nhiều hội đồng địa phương và nghị viện Scotland, trở thành đảng "nhỏ nhất" tại đây. Trên phạm vi toàn quốc, đảng Dân chủ tự do bị mất đến hơn 300 ghế đại biểu ở tất cả các cấp hội đồng và nghị viện khu vực.

Giành chiến thắng ngoạn mục nhất tại Scotland không ai khác chính là đảng Dân tộc Scotland (SNP) chủ trương ly khai khỏi Vương quốc Anh. Lần đầu tiên kể từ khi hệ thống chính quyền khu vực ở Scotland được thành lập cách đây 12 năm, SNP đã giành được đa số ghế áp đảo, với 69 trên 129 ghế Nghị viện Scotland và hàng trăm ghế ở các hội đồng địa phương.

Chiến thắng lịch sử này mang một ý nghĩa quan trọng là: dân Scotland đang quá chán ngán kiểu chính trị "hứa suông" của London nên quay sang cổ vũ cho SNP. Mặc dù không hẳn mọi cử tri bỏ phiếu cho SNP đều ủng hộ việc Scotland ly khai, nhưng sự tin tưởng của cử tri đối với đảng SNP cũng đủ để đảng này thực hiện chủ trương ly khai của mình.

Song song với kết quả bầu cử, cử tri toàn nước Anh cũng nói "không" với việc cải cách hệ thống bầu cử, với tỉ lệ áp đảo 68% "Chống", 32% "Ủng hộ" trong cuộc trưng cầu ý kiến diễn ra cùng ngày.

Có nhiều vấn đề nổi cộm trong cuộc bầu cử địa phương và trưng cầu dân ý ở Anh vừa qua. Thứ nhất, đây là sự trừng phạt gay gắt của cử tri đối với đảng Dân chủ tự do vì đã không giữ lời hứa khi tranh cử. Người phải chịu trách nhiệm chính cho thất bại này là Chủ tịch đảng Dân chủ tự do Nick Clegg. Ông Clegg đã từng hứa với cử tri Anh khi giành được lợi thế trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5/2010 rằng, ông và đảng Dân chủ xã hội sẽ theo đuổi việc đảm bảo miễn học phí đại học và mở rộng diện chăm sóc y tế miễn phí cho người cao tuổi. Sự thất hứa đã khiến cử tri mất niềm tin vào chính đảng mà mình từng bầu chọn, và đây chính là tai họa.

Thứ hai, việc hơn 2/3 cử tri toàn quốc bác bỏ việc cải cách hệ thống bầu cử là thất bại còn đau đớn hơn cả thất bại trong bầu cử địa phương. Nói đến vấn đề này là chạm đến mối quan hệ trong liên minh cầm quyền Bảo thủ - Dân chủ tự do với bộ đôi Cameron - Clegg lãnh đạo. Để thuyết phục đảng Dân chủ tự do chịu tham gia liên minh thành lập Chính phủ tháng 5/2010, đảng Bảo thủ đã phải nhượng bộ vài thứ, trong đó việc cho trưng cầu dân ý về cải cách hệ thống bầu cử là nhượng bộ lớn nhất. Đảng Bảo thủ chủ trương chống cải cách, vì sợ rằng hệ thống bầu cử mới sẽ không thể quyết định được người chiến thắng trong một cuộc bầu cử toàn quốc, từ đó dễ dẫn đến những chính phủ liên minh đầy rắc rối như hiện nay.

Tuy nhiên, để lôi kéo Clegg và đảng Dân chủ tự do, ông Cameron đã chấp nhận hứa không vận động "chống" cải cách. Tuy nhiên, lời hứa của Cameron là một chuyện, đảng Bảo thủ của ông có chịu giữ lời hứa hay không là chuyện khác. Rốt cuộc phe Bảo thủ vẫn vận động chống cải cách hệ thống bầu cử, cộng hưởng với việc cử tri thất vọng vì ông Clegg không giữ lời hứa với họ, kết quả là một thất bại như đã nêu trên.

Thất bại đau đớn "2 xôi nhồi một chõ" đã khiến ông Clegg và đảng Dân chủ tự do nổi cáu, gọi việc vận động chống cải cách của Cameron là "vi phạm niềm tin". Một số chính khách cao cấp của đảng này còn tuyên bố sẽ tiếp tục "đấu" đến cùng với ông Cameron. Lần tới sẽ là yêu cầu cải cách hệ thống Dịch vụ y tế Quốc gia (NHS).

Một số ý kiến cho rằng, thất bại trong bầu cử địa phương và sự đổ vỡ của trưng cầu dân ý về cải cách hệ thống bầu cử có thể khiến cho Chính phủ liên minh ở London rạn nứt và có nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên, những người tỉnh táo hơn thì cho rằng điều đó khó xảy ra. Có biến động hay không là việc ông Clegg có thể bị thay thế, còn Chính phủ liên minh thì vẫn tiếp tục với trạng thái đĩnh đạc hơn sau một năm "trăng mật" đắng chát

An Châu (tổng hợp)
.
.